3 điểm du Xuân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ tại Hà Nội
Hoàng thành Thăng Long
Các không gian trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long thu hút du khách tham quan, trải nghiệm. |
Để phát huy giá trị các nghi lễ Tết tiêu biểu của cung đình, cũng như những phong tục Tết dân gian truyền thống, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức chuỗi hoạt động Tết kéo dài từ ngày 20/1 đến 6/2/2025 (từ 21 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến mùng 9 tháng Giêng năm Ất Tỵ) tại Hoàng thành Thăng Long.
Trong đó, có nhiều nghi lễ lần đầu tiên được tái dựng. Đến đây, du khách có thể trải nghiệm không gian “Tết xưa - Tết thời bao cấp”, tái hiện Tết truyền thống của người Việt Nam ở thập kỷ 70, 80 của thế kỷ XX. “Tết thời bao cấp” được tái hiện qua 3 không gian trưng bày: Gian hàng mậu dịch quốc doanh, gian hàng tranh - hoa - pháo tết và không gian thờ cúng.
Không gian trưng bày “Nghi lễ Tết cung đình ngày Xuân” với các nghi lễ truyền thống, trong đó có 3 nghi lễ đặc biệt quan trọng là Lễ Tiến lịch, Lễ Tiến xuân ngưu và Lễ Chính đán. Cả 3 nghi lễ đều được trưng bày thông qua hình thức giới thiệu tư liệu, diễn giải bằng tranh vẽ phỏng dựng và hiện vật mô hình, giúp du khách có thể hình dung ra được phần nào đời sống chính trị, văn hóa, lịch sử quá khứ vàng son hoàng cung xưa kia.
Bên cạnh việc tái hiện các nghi thức Tết truyền thống trong cung đình xưa, trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức các chương trình múa rối đặc sắc phục vụ du khách vào các ngày từ 30/1 đến 2/2 (tức từ mùng 2 đến mùng 5 tháng Giêng).
Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Du khách xin chữ đầu năm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. |
Hội chữ Xuân tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám luôn là điểm đến văn hoá thu hút đông đảo du khách tham quan trong những ngày đầu Xuân, năm mới để trải nghiệm văn hóa xin chữ - một phong tục đẹp của người Việt trong những ngày đầu năm.
Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, điểm mới nổi bật là năm nay khu vực Hồ Văn được cải tạo, chỉnh trang toàn diện, mang đến không gian thoáng đãng, an toàn, góp phần nâng cao trải nghiệm của du khách trong hành trình khám phá văn hóa nhân dịp đầu Xuân năm mới tại Hội chữ Xuân Ất Tỵ 2025.
Gần 50 nhà hoạt động thư pháp ở hai loại hình Hán Nôm, Quốc Ngữ ở Hà Nội và một số địa phương cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, được chọn lựa kỹ càng sẽ phục vụ công chúng những bức thư pháp, thư họa viết đúng, viết đẹp với nhiều ước nguyện tốt lành trong mùa Xuân mới.
Cùng với hoạt động viết thư pháp, Trung tâm Hoạt động Văn hoá khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức nhiều hoạt động văn hóa để phục vụ khách du Xuân như: Không gian trải nghiệm di sản, không gian văn hóa đọc; giới thiệu làng nghề, sản phẩm thủ công truyền thống Hà Nội cùng chương trình nghệ thuật biểu diễn ca trù, quan họ, hát chèo, hát xẩm, chầu, múa lân sư rồng…
Cũng trong không gian Hồ Văn, Hội chữ Xuân năm nay có các triển lãm giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống, hoạt động sáng tạo của các họa sĩ trẻ như: Triển lãm thư pháp chủ đề “Thực học” với hàng trăm bức thư pháp Hán Nôm và Quốc ngữ; triển lãm ảnh “Việt Nam quê hương tôi” giới thiệu 50 tác phẩm nhiếp ảnh về di sản chọn lọc từ "Giải thưởng Ảnh di sản Việt Nam - Việt Nam Heritage Photo Awards 2012-1018"; triển lãm vẽ con rắn của 75 họa sỹ trẻ Việt Nam đang sống và làm việc ở nhiều nước trên thế giới, tất cả tạo nên một không gian văn hóa đa sắc màu, sự kết nối, trở về với những giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc, mang hơi thở của cuộc sống đương đại.
Phố bích họa Phùng Hưng
Không gian phố bích họa Phùng Hưng được thiết kế đậm nét Tết truyền thống. |
Tết Nguyên đán 2025, trên phố bích họa Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) được tái hiện không gian văn hóa truyền thống Việt Nam, kết hợp với những ý tưởng nghệ thuật đương đại. Năm 2025 là năm Ất Tỵ, ban tổ chức lấy hình tượng là rắn Ouroboros trong một số nền văn hóa cổ đại, đây là biểu tượng cho sự tuần hoàn, tái sinh và gắn kết giữa quá khứ với hiện tại.
Điểm nhấn nằm ở khu vực cổng tam quan, nơi đây được trang trí với nhiều màu sắc rực rỡ kết hợp với các họa tiết của tranh dân gian Đông Hồ. Trong không gian nghệ thuật cũng xuất hiện mô hình phục dựng 3 toa tàu điện cũ - biểu tượng của Thủ đô những năm 1970 mang lại góc nhìn hoài niệm giao thoa giữa hiện đại và truyền thống. Đây còn là chuyến tàu thời gian, mang người dân trở về với quá khứ, nơi lưu giữ những di sản, giá trị.
Đại diện đơn vị thiết kế chia sẻ, không gian văn hoá Tết xưa ở Phùng Hưng không chỉ là nơi thưởng thức nghệ thuật, mà còn gửi gắm tới công chúng thông điệp về sự trân trọng, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Đây là dịp để cộng đồng cùng nhau hòa mình vào không gian nghệ thuật, hồi tưởng về những ký ức Tết xưa và khơi dậy niềm tự hào dân tộc.
Phố Phùng Hưng là địa điểm lý tưởng để người dân có thể tham quan, trải nghiệm và lưu lại những bức ảnh đẹp dịp Tết Nguyên đán 2025. Hoạt động sẽ diễn ra từ nay đến hết ngày 6.2 (tức mùng 9 Tết Âm lịch).
Tết ta trong mắt khách “Thú vị, độc đáo, nhân văn, nhiều hương và sắc”… Đó là những cụm từ mà bạn bè người nước ngoài nói về Tết Nguyên đán của Việt Nam. |
Tết của bác sĩ trực cấp cứu - hồi sức tích cực Dịp Tết Nguyên Đán thường là những ngày vất vả nhất trong năm đối với các y bác sĩ, đặc biệt ở chuyên ngành cấp cứu - hồi sức tích cực. Bệnh nhân nhập viện cấp cứu không chỉ cao hơn so với ngày thường mà mặt bệnh cũng đa dạng, phức tạp hơn. Lựa chọn gắn bó với nghề y, các bác sĩ không thể đón Tết trọn vẹn với gia đình. Nhưng gạt mọi nỗi niềm riêng, với họ, trực Tết vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ, cũng là niềm tự hào của mỗi nhân viên y tế ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. |