20 năm cải cách, Việt Nam vẫn trong nhóm phát triển thấp
Vấn đề trên được bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế cao cấp đưa ra tại Hội thảo Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) những điều doanh nghiệp cần biết vừa diễn ra sáng 29/1.
Việt Nam vẫn cùng "sân" với nhiều nước phát triển thấp
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung Tâm WTO và Hội nhập Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) được biết đến như là một Hiệp định thương mại tự do (FTA) đặc biệt, một FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao. Bởi đây là FTA có mức độ cam kết tự do cao nhất, với phạm vi bao trùm nhiều lĩnh vực nhất không chỉ với Việt Nam mà với tất cả các thành viên TPP.
Cũng theo bà Trang, TPP không phải là FTA đầu tiên mà Việt Nam tham gia, TPP cũng không phải FTA thế hệ mới duy nhất mà Việt Nam đã hoàn tất đàm phán cho tới thời điểm này. Tuy nhiên, với việc có tới hai trong số ba nền kinh tế lớn nhất thế giới (Hoa Kỳ và Nhật Bản), tạo ra thị trường rộng lớn với 800 triệu dân, GDP cộng gộp của 12 nước chiếm 40% tổng GDP của thế giới và lưu lượng giao dịch hàng hóa chiếm 30% thương mại toàn cầu, TPP được dự báo sẽ là FTA có tác động lớn nhất tới hoạt động sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp Việt Nam trong tương lại gần.
Liên quan đến những lợi ích khi hội nhập TPP, bà Phạm Chi Lan - chuyên gia kinh tế cao cấp cho rằng, TPP cũng giống như các FTA khác mà Việt Nam đã và đang thực hiện, nó mang cả hai mặt mừng và lo. Trong đó, cái lo lớn hơn mừng.
Lý giải về vấn đề này, bà Lan cho biết, sau hai 20 năm tham gia Asean, Việt Nam vẫn nằm trong 4 nước phát triển thấp của khối này, vẫn nhận những ưu đãi dành cho những nước phát triển thấp. “20 năm cải cách đổi mới và phát triển mà chúng ta vẫn vui vẻ chấp nhận nằm cùng sân với Lào, Campuchia, Myanmar… Và thực tế trong những năm gần đây các nước này đang vượt lên, thế thì Việt Nam phải chấp nhận thân phận này đến bao giờ? Chưa nói đấy chỉ là trong một sân chơi rất nhỏ”, bà Lan băn khoăn nói.
Cũng theo vị chuyên gia kinh tế này, dựa trên thống kê cho thấy chỉ có 30% lợi ích từ FTA với các nước khác Việt Nam có thể tận dụng. Tuy nhiên, trong 30% đó, người được hưởng lợi nhiều nhất lại không phải doanh nghiệp trong nước, mà là những doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Bởi hiện nay 70% xuất khẩu của Việt Nam nằm trong tay các doanh nghiệp FDI, điều này minh chứng cho việc lợi ích đang nằm nhiều ở các doanh nghiệp FDI.
Doanh nghiệp Việt vẫn còn thời gian để chuẩn bị
Sau hơn 5 năm đàm phán, ngày 5/10/2015, 12 nước TPP đã tuyên bố chính thức kết thúc đàm phán TPP. Dự kiến sau khi hoàn tất việc rà soát hiệu chỉnh nội dung văn kiện và được cho phép theo quy định nội bộ, các nước TPP sẽ chính thức ký kết Hiệp định TPP vào đầu quý 1/2016.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, dự kiến thời gian để các nước TPP có thể hoàn tất các bước rà soát pháp lý, ký kết và đặc biệt là phê chuẩn theo các thủ tục nội bộ của từng nước sẽ là khoảng 2 năm. Tức khoảng đầu năm 2018 TPP mới có thể có hiệu lực.
“Trong thời gian này, TPP chưa có hiệu lực và các nước thành viên TPP cũng như doanh nghiệp đều chưa phải thực thi các cam kết trong TPP. Vì vậy, đây là khoảng thời gian quan trọng để doanh nghiệp có thể chuẩn bị các điều kiện cần thiết, để có thể tận dụng cơ hội cũng như sẵn sàng cho cạnh tranh TPP ngay khi Hiệp định này có hiệu lực với Việt Nam”, bà Trang thông tin.
Dẫn chứng về vấn đề này, bà Trang cho biết, để được hưởng ưu đãi thuế quan trong TPP, hàng hóa sản xuất ra phải đáp ứng quy tắc về xuất xứ và doanh nghiệp có thể phải điều chỉnh dây chuyền sản xuất, thiết lập nguồn cung nguyên liệu mới để đáp ứng quy tắc này cũng như tìm kiếm các khách hàng tại các thị trường TPP. Những công việc này đều cần thời gian, thậm chí là khá dài. Vì vậy, doanh nghiệp cần có hành động chuẩn bị từ bây giờ để tận dụng tốt nhất “khoảng chờ” quý giá này.
Bà Trang cũng cho rằng, mỗi doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh ở Việt Nam cần chú ý tìm hiểu về TPP, ít nhất là các cam kết ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của mình, từ đó có sự chuẩn bị thích hợp, cụ thể để tận dụng các cơ hội về thị trường, thể chế cũng như vượt qua các thách thức cạnh tranh mà TPP tạo ra.
Theo VnMedia