1/10: Bộ TT&TT sẽ làm việc với TP. HCM về triển khai quy hoạch báo chí
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn - Ảnh: TL
Trao đổi với phóng viên bên lề Hội nghị Phổ biến Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 diễn ra sáng nay, 25/9/2015 ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn chia sẻ: “Chúng tôi đánh giá cao, nêu cao vai trò chủ động của các cơ quan chủ quản báo chí trong việc triển khai Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 (gọi tắt là Quy hoạch báo chí). Các cơ quan chủ quản cần phải có bước đi, lộ trình kế hoạch sắp xếp báo chí của địa phương và ngành mình”.
“Chúng tôi sẽ cùng với các cơ quan chủ quản có nhiều cơ quan báo chí xem xét, tháo gỡ những vấn đề còn vướng mắc, khó khăn trong triển khai thực hiện. Chúng tôi đã có kế hoạch ngày 1/10 tới sẽ làm việc với TP. HCM và một số tổ chức xã hội, nghề nghiệp khác để bàn bạc, trao đổi cách sắp xếp quy hoạch báo chí. Trong đó, TP. HCM hiện có 18 cơ quan báo chí. Chúng tôi sẽ cùng với lãnh đạo TP. HCM để bàn bạc, xem xét sắp xếp hợp tình hợp lý, tránh gây xáo trộn lớn, nhất là cho đội ngũ phóng viên. Có thể 1 số tờ báo có lượng độc giả lớn, tầm ảnh hưởng lớn, truyền thống phát triển lâu đời thì sẽ chuyển đổi cơ quan chủ quản lớn hơn để đảm bảo tính định hướng tốt hơn, sát sao hơn, tránh để xảy ra sai sót đáng tiếc như trong thời gian qua”, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết.
“Việc sắp xếp quy hoạch báo chí phải làm thực hiện theo Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, đồng thời, phải tính đến sự đặc thù của những cơ quan báo chí không phải cơ quan báo chí lớn nhưng có vai trò, tác động lớn, có số lượng bạn đọc lớn và có ảnh hưởng xã hội lớn. Cần phải xem xét cụ thể chứ không làm máy móc, cứng nhắc theo kiểu cứ yêu cầu bỏ là bỏ. Chính vì vậy, chúng tôi sẽ làm thận trọng, tránh để tác động gây ảnh hưởng lớn đến đội ngũ những người làm báo”, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.
Về hiện trạng có những cơ quan chủ quản có rất nhiều đầu mối báo chí, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn đã nêu một số dẫn chứng cụ thể về việc triển khai quy hoạch.
“Ví dụ Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam có hơn 100 báo, tạp chí, nhưng chỉ có 1 – 2 báo, tạp chí trực thuộc Liên hiệp, do Liên hiệp là cơ quan chủ quản. Số tạp chí khoa học kỹ thuật chuyên ngành khác đều là của các hội viên Liên hiệp. Chúng tôi xác định ưu tiên các tạp chí khoa học chuyên ngành ở các viện nghiên cứu, trường đại học, hội chuyên ngành... những ấn phẩm chuyên thể hiện các tác phẩm, công trình nghiên cứu của các nhà khoa học, văn nghệ sĩ... Những tạp chí đó vẫn cơ bản giữ nguyên.
Trong các trường đại học hiện nay cũng đều có tạp chí. Trong quá trình thực hiện Đề án Quy hoạch báo chí, chúng tôi vẫn cấp giấy phép để các trường đại học ra tạp chí để đăng những công trình nghiên cứu khoa học, bài viết của nghiên cứu sinh”, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết thêm.
Ngoài ra, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cũng lưu ý thêm về xu hướng phát triển cơ quan truyền thông đa phương tiện: “Báo chí đa phương tiện là xu hướng tất yếu của thế giới. Tại Việt Nam, việc chuyển đổi thành mô hình báo chí truyền thông đa phương tiện cũng là xu hướng tất yếu, đòi hỏi năng lực quản lý của lãnh đạo cơ quan báo chí cần phải phát triển theo kịp xu thế của thời đại, nếu không theo kịp thì sẽ bị tụt hậu. Các cơ quan báo chí phải nâng cấp trang thiết bị, hệ thống hạ tầng của mình; phải đào tạo vào bồi dưỡng phóng viên trở thành phóng viên truyền thông đa phương tiện”
Theo Quy hoạch báo chí đến năm 2025, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân Dân, Báo Quân đội nhân dân, Báo Công an nhân dân thực hiện theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện.
Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) sáng 25/9 đã tổ chức hội nghị phổ biến nội dung cơ bản của đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 (đề án Quy hoạch báo chí). Đây là lần đầu tiên, Bộ Thông tin và truyền thông công khai nội dung của đề án có tác động tới tất cả các cơ quan báo chí trên cả nước. Bộ đã rất cẩn thận khi nhấn mạnh tên gọi của hội nghị là: Phổ biến nội dung cơ bản của đề án, chứ không phải công bố. Đề án này do Bộ Thông tin truyền thông xây dựng và nó chỉ có giá trị pháp lý khi được Thủ tướng chính phủ phê duyệt và ký ban hành. Tại cuộc họp ngày hôm nay, Bộ chỉ công khai các nội dung cơ bản để các cơ quan quản lý báo chí và các cơ quan báo chí nắm được và đóng góp ý kiến. Văn bản này, như vậy vẫn đang ở dạng dự thảo. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son được TTXVN dẫn lời cho biết, trước mắt, các cơ quan báo chí, chủ quản báo chí thống nhất quy hoạch của mình gửi đến Bộ Thông tin và Truyền thông trước ngày 20/10/2015 để Bộ tập hợp, trình Chính phủ. Theo Bộ trưởng, từ nay tới năm 2017, một số cơ quan báo chí có đủ điều kiện sẽ được chọn làm thí điểm. Trên cơ sở kết quả thí điểm, các cơ quan chủ quản rà soát, đánh giá, sắp xếp lại các cơ quan báo chí thuộc quyền để triển khai rộng mô hình, trong đó chú ý đến tính đặc thù của cơ quan báo chí có số lượng phát hành, số lượng công chúng lớn, có ảnh hưởng xã hội rộng. Bộ trưởng cho biết ngày 1/10 tới, Bộ sẽ làm việc với TP. HCM để tìm cách sắp xếp các cơ quan báo chí của thành phố này. Hiện Hà Nội và TP. HCM tập trung nhiều cơ quan báo chí nhất nước. Ở Hà Nội có 16 cơ quan, ở TP. HCM có 18. Tại phiên họp Chính phủ cuối tháng 5, Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, trên cơ sở đề án đã trình Bộ Chính trị và Trung ương, làm việc với từng cơ quan, để nghe các cơ quan đề xuất việc sắp xếp thế nào, nội dung, yêu cầu ra sao, giải pháp và lộ trình rồi từ đó tổng hợp lên. "Khi đó Thủ tướng phê duyệt thì chúng ta đã đồng thuận và cùng nhau chung sức làm", ông nói. (Nguồn: Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn) |
Theo Infonet