Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm của chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam
Sự giúp đỡ vô tư, trong sáng
Thắng lợi của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc là hành động tự vệ chính đáng và cần thiết của nhân dân Việt Nam nhằm chống lại cuộc chiến tranh xâm lược do tập đoàn Pol Pot - Ieng Sari gây ra. Chiến thắng một lần nữa khẳng định: ý chí độc lập, tự chủ và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế trong sáng của nhân dân Việt Nam là nguồn sức mạnh to lớn, đập tan bất kỳ âm mưu và hành động chống phá nào của các thế lực phản động, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Đoàn công tác của quân tình nguyện Việt Nam đến thăm, cứu trợ đồng bào Campuchia ngay sau khi đất nước thoát khỏi chế độ diệt chủng. (Ảnh: QĐND) |
Đồng thời, đáp lại lời kêu gọi của cách mạng Campuchia, Việt Nam đã giúp đỡ nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, cứu dân tộc Campuchia thoát khỏi họa diệt vong - đó là hành động phù hợp pháp lý và đạo lý, thể hiện tinh thần quốc tế cao cả, trong sáng, chí nghĩa, chí tình, sẵn sàng hy sinh cả xương máu vì quan hệ truyền thống gắn bó thủy chung, lâu đời giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước; là sự tiếp nối truyền thống đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung của hai dân tộc. Nguyên Thủ tướng Campuchia Hun Sen từng khẳng định: “Nếu không có ngày 7/1/1979, nhân dân Campuchia chúng tôi cũng không thể có được những gì trong ngày hôm nay. Đây là chân lý lịch sử không một thế lực phản động nào có thể phủ nhận".
Chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot cũng đã góp phần giữ vững hoà bình, ổn định ở khu vực Đông Nam Á và trên thế giới; đấu tranh vạch trần bản chất của chế độ phân biệt chủng tộc, sắc tộc, chế độ độc tài và cảnh báo cho nhân loại cảnh giác trước nguy cơ của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và chủ nghĩa phát xít mới.
Sau nhiều năm xét xử với hàng trăm nghìn tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 16/11/2018, phiên tòa bất thường trong hệ thống tòa án của Campuchia dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc đã chính thức ra phán quyết các cựu thủ lĩnh của Tập đoàn diệt chủng Pol Pot phạm tội ác diệt chủng chống lại nhân loại. Dù 45 năm đã trôi qua, phán quyết này đã trả lại công lý cho những nạn nhân vô tội bị tàn sát bởi bè lũ diệt chủng Pol Pot và một lần nữa khẳng định tính chính nghĩa, sự giúp đỡ vô tư, trong sáng của Việt Nam đối với Campuchia.
Bốn bài học kinh nghiệm
Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng nhân dân Campuchia tiêu diệt chế độ diệt chủng đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Một là, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn xâm lược của kẻ thù.
Quán triệt sâu sắc lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bất kỳ hòa bình hay chiến tranh, ta cũng phải nắm vững chủ động, phải thấy trước, chuẩn bị trước”, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cần luôn nêu cao tinh thần cảnh giác trước mọi tình huống, vì mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, càng phải dự báo sát tình hình, sớm phát hiện, nhận rõ kẻ thù; xác định, đánh giá đúng đối tượng và đối tác trong từng thời điểm; giữ vững thế chủ động chiến lược, chuẩn bị về tư tưởng, lực lượng, thế trận; sẵn sàng đánh bại chiến tranh xâm lược của địch, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đất nước; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, không để bị động, bất ngờ.
Hai là, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững mạnh, nhất là ở những nơi địa bàn chiến lược, trọng điểm, biên giới, hải đảo.
Việc chủ động, tích cực tham gia xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trên, nhất là ở các địa bàn chiến lược, trọng điểm, biên giới, hải đảo là vô cùng quan trọng. Trong quá trình triển khai cần thấu triệt quan điểm của Đảng về mục tiêu, yêu cầu xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững mạnh, toàn diện cả về tiềm lực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng thế trận lòng dân, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, phải được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp và sự tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể và đông đảo tầng lớp nhân dân.
Ba là, chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng chỉnh quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu ngày càng cao.
Lực lượng vũ trang nhân dân mà nòng cốt là Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cần tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo trong xây dựng nền quốc phòng, an ninh nhân dân vững mạnh, xây dựng và củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân; không ngừng nâng cao tiềm lực mọi mặt của đất nước, ngăn ngừa và sẵn sàng đánh thắng các loại hình chiến tranh xâm lược của kẻ thù trong mọi hoàn cảnh; kiên quyết không để bị động, bất ngờ, nhất là trước khả năng địch tấn công từ trên không, trên biển; bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa. Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân đối với nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng, vun đắp tinh thần quốc tế cao cả “giúp bạn là tự giúp mình".
Bốn là, nhạy bén nắm bắt tình hình thế giới, khu vực, tăng cường hợp tác, đối ngoại với các nước, nhất là các nước láng giềng.
Quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển của Đảng; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, nhất là với các nước láng giềng, giữ vững môi trường hoà bình để xây dựng và phát triển đất nước. Trong quan hệ đối ngoại cần hết sức tỉnh táo, giữ vững nguyên tắc chiến lược, mềm dẻo, linh hoạt về sách lược; tích cực chuyển hóa đối tượng thành đối tác, gắn chặt lợi ích đối tác với lợi ích quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền đất nước.