Việt Nam - Campuchia: Tình người trong hoạn nạn
Ông Nguyễn Huy Phú, nguyên Trung đội phó thuộc Đại đội 3, tiểu đoàn 7, Trung đoàn 429, Sư đoàn 302, Mặt trận 479 quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia kể: Mùa khô năm 1979, đơn vị tôi hành quân truy quét tàn quân địch ở tỉnh Oddar Meancheay (Campuchia). Nắng chói chang, cái đói cái khát hành hạ những người lính. Những chiếc bi đông đã dốc ngược giọt nước cuối cùng. Thứ nước đỏ quạch trong mấy vũng trâu đầm không đủ giải tỏa cơn khát của người lính.
Cựu quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Phú. (Ảnh: NVCC) |
Khi đoàn quân tới gần một phum, chúng tôi thấy một người dân Campuchia đang múc từng gàu nước tắm cho bò. Sau một hồi vừa ra hiệu vừa chỉ vào giếng nước, người dân ấy vẫn không cho chúng tôi mượn gàu. Anh khoa tay múa chân nói gì đó bằng tiếng Khmer nhưng chúng tôi không hiểu vì không biết tiếng. Sau cùng, lính ta giả vờ trợn mắt lên đạn cái "rộp", người đàn ông vội vã bỏ gàu dắt bò chạy mất. Có gàu, chúng tôi ùa vào giếng nước. Nước múc lên trong xanh, mát rượi, người lấy bát vục, người san sang mũ cối uống no nê, người vội vã đong đầy bi đông rồi lại tranh thủ đổ vào túi gạo sấy chờ ngấm để ăn.
Khi đoàn tiếp tục đi được hơn nửa giờ thì chúng tôi nghe lệnh từ dưới truyền lên: ai còn nước ở giếng thì đổ bỏ, có độc. Lính ta ngơ ngác, vừa đổ nước vừa ấm ức. Đến điểm tập kết, chúng tôi mới biết giếng nước vừa rồi là mồ chôn tập thể của nhiều người dân Campuchia bị Pol Pot sát hại rồi ném thi thể xuống giếng.
"Thì ra sau khi chúng tôi rời đi, một đơn vị khác cũng vào nghỉ chân cạnh giếng. Họ lấy nước rồi sơ ý đánh rơi gàu. Khi cử người lặn xuống giếng mò gàu, gàu đâu không thấy chỉ thấy những vật tròn tròn. Mang lên khỏi mặt nước hóa ra là đầu lâu người. Đi xác minh thì người dân gần đó cho biết giếng là mồ chôn tập thể. Thảo nào người dân chăn bò dùng dằng mãi không muốn cho chúng tôi mượn gàu. Chúng tôi không biết tiếng nên không hiểu ý tốt của anh", ông Phú kể.
Chuyện san sẻ xà phòng cho người dân Campuchia cũng khiến ông Phú không thể nào quên. Đó là vào tháng 1/1979, đơn vị ông hành quân đến gần bờ sông Mekong thuộc tỉnh Kampong Cham thì dừng chân để nấu cơm. Một số người lấy xà phòng xuống sông tắm gội. Đó là loại xà phòng kem chất lượng thấp chuyên để giặt đồ nhưng vì thiếu thốn nên lính tráng thường dùng để tắm gội luôn.
"Khi ấy, có những đoàn người Campuchia đang trở về quê hương sau khi được giải phóng khỏi các công xã. Các công xã này được chính quyền Pol Pot dựng nên. Người dân Campuchia bị cưỡng bức vào đây, phải ăn, ngủ cùng nhau, lao động tập trung dưới chế độ hà khắc.
Chúng tôi phát hiện trong đoàn người một cô gái cứ đứng trên bờ nhìn đám bọt xà phòng trắng xóa trên mặt sông với ánh mắt ngạc nhiên, thèm thuồng. Cô gái mặc bộ quần áo màu đen đầy bụi bẩn, đi chân đất, đầu tóc bù xù. Chúng tôi đưa cho cô một ít xà phòng. Cô mừng rơn, cứ chắp tay, cúi đầu nói vài câu tiếng Khmer. Chúng tôi không hiểu nhưng đoán cô rằng cảm ơn. Cô lại đưa cho chúng tôi quả bầu và nắm củi, sau đó xuống sông thoa xà phòng gội đầu", ông Phú kể lại.
Tháng 2/1979, ông Phú bị thương nặng ở bụng, phải chuyển viện từ Campuchia về biên giới. Trên chuyến xe tải đầy thương binh, ông nằm im lìm trên cáng trong thùng xe. Một bà mẹ Camuchia người gầy yếu đưa cho ông bát nước dừa. Nhìn ông thở khóc nhọc, bà lắc đầu thương xót rồi chầm chậm xoay người chắp tay trước ngực hướng về phía xa nơi có mái chùa cũ lầm rầm khấn vái. "Có lẽ bà cầu nguyện cho tôi được tai qua nạn khỏi", ông Phú xúc động nói.
Gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng những ngày tháng sống, chiến đấu ở đất nước Campuchia, tình quân dân Việt Nam - Campuchia ấm áp vẫn luôn sống động trong tâm trí ông Phú.