Xúc tiến xuất khẩu chanh, bưởi Việt Nam sang New Zealand
Ngày 6/4, Đối thoại Nông nghiệp cấp cao Việt Nam - New Zealand lần 2 đã được tổ chức trực tuyến tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Quốc Doanh và Giám đốc điều hành Bộ Các ngành Cơ bản New Zealand (MPI) Ray Smith chủ trì buổi Đối thoại.
Các đại biểu tham dự buổi đối thoại. Ảnh: Bộ NN&PTNT |
Tại buổi đối thoại, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh và Ông Ray Smith khẳng định hai nước sẽ tiếp tục thắt chặt hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Việc Thủ tướng hai nước chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược vào tháng 7/2020 đã tạo nền móng vững chắc để đẩy mạnh hợp tác song phương và các kết nối trong lĩnh vực nông nghiệp giữa hai nước.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu: “Nông nghiệp có vai trò thiết yếu trong nền kinh tế của hai quốc gia. New Zealand và Việt Nam đều là những nước sản xuất và xuất khẩu nông nghiệp lớn, với nhiều mặt hàng bổ trợ cho nhau. Hai bên đã ký kết Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược giai đoạn 2021-2024; đề nghị hai bên phối hợp thực hiện chương trình hành động, đưa hợp tác hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, rộng mở và thực chất hơn”.
Bộ Các ngành cơ bản New Zealand hiện đang hỗ trợ một số dự án cho Bộ NN&PTNT trong lĩnh vực kiểm dịch thực vật, dịch tễ học thú y và thành lập hệ thống chứng nhận điện tử dành cho các sản phẩm thực phẩm và nông - lâm nghiệp. Những chương trình này bổ sung cho các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc khuôn khổ chương trình viện trợ phát triển New Zealand tài trợ cho Việt Nam.
Về thương mại nông sản, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết: Cơ quan bảo vệ thực vật hai nước đang tiến hành đàm phán thỏa thuận kiểm dịch và xuất khẩu cho chanh xanh và bưởi Việt Nam. Trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị cơ quan kiểm dịch thực vật hai nước xúc tiến các thủ tục để tiến tới mở cửa thị trường đối với cam, quýt, nhãn của Việt Nam.
Giám đốc điều hành Bộ Các ngành cơ bản New Zealand Ray Smith chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh, mở cửa trở lại, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Ông nhấn mạnh đây là cơ hội tốt để cả hai nước cùng đánh giá những hoạt động có thể hợp tác cùng nhau nhằm phục hồi và thúc đẩy ngành nông nghiệp sau những tác động của đại dịch Covid-19. Hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giúp hai bên phát triển các mối quan tâm chính trong nông nghiệp, bao gồm việc đẩy mạnh thương mại song phương, giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp, tăng cường an toàn thực phẩm.