Xuất nhập khẩu hàng hoá tốt nhất 4 năm qua
Cụ thể, theo báo cáo, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 8 tháng ước đạt 155,4 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2017, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 152,66 tỷ USD, tăng 11,6%. Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng vẫn duy trì xuất siêu với 2,8 tỷ USD.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm của các năm 2014 - 2018 lần lượt là : 97,5 tỷ USD; 106,4 tỷ USD; 113,2 tỷ USD; 135,7 tỷ USD và 155,4 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu 8 tháng đầu năm của các năm 2014 - 2018 lần lượt là: 94,4 tỷ USD; 110 tỷ USD; 110,9 tỷ USD; 136,8 tỷ USD và 152,7 tỷ USD.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Trong tháng 8, các hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ chủ yếu nhằm ổn định kinh tế vĩ mô; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo... và đã đạt nhiều kết quả khả quan.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng nhẹ, khoảng 0,45% so với tháng trước và CPI bình quân 8 tháng vẫn được kiểm soát ở mức hợp lý, tăng 3,52% so với cùng kỳ, bám sát mục tiêu dưới 4% đã đề ra. Lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng năm 2018 tăng 1,38% so với bình quân cùng kỳ.
Xuất nhập khẩu tại cảng Hải Phòng. Ảnh minh họa.
Dù chịu nhiều sức ép từ tỷ giá và lãi suất của thế giới, nhưng nhờ điều hành linh hoạt các chính sách, thị trường tiền tệ, tín dụng trong tháng 8/2018 đã giữ được sự ổn định. Tín dụng tăng trưởng hợp lý, ở mức 8,18%. Thị trường chứng khoán đã có tín hiệu phục hồi rõ rệt, VN-index ngày 24/8 đạt 987 điểm, tăng 3,2% so với tháng trước.
Thu, chi ngân sách nhà nước cơ bản đáp ứng yêu cầu kế hoạch đề ra. Tính đến hết tháng 8, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước ước đạt 871,8 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 66,1% dự toán, tăng 13,8%. Trong khi đó, tổng chi cân đối ngân sách nhà nước ước đạt 873,5 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 57,3% dự toán, tăng 10,2%.
Giải ngân vốn đầu tư phát triển đã được cải thiện rõ rệt, ước đạt 176,8 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 44,2% dự toán (cùng kỳ năm 2017 đạt 38,4% dự toán). Bộ Kế hoạch và đầu tư đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tích cực, khẩn trương triển khai các giải pháp nhằm phấn đấu giải ngân hết số vốn được giao để chuẩn bị cho công tác lập kế hoạch đầu tư năm 2019.
Vốn đầu tư nước ngoài cũng tăng trưởng khá. Tính đến ngày 20/8/2018, tổng vốn đầu tư đăng ký ước đạt 24,35 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2017, số vốn giải ngân ước đạt 11,25 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Về đầu tư trong nước, trong 8 tháng đầu năm, cả nước có 87.448 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 878.627 tỷ đồng, tăng 2,4% về số doanh nghiệp và tăng 6,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.
Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể tăng khoảng 45,9%, một phần là do công tác rà soát số liệu đăng ký doanh nghiệp, nhưng một phần nguyên nhân là doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức, quá trình thanh lọc của thị trường diễn ra mạnh.
Kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ giữ nhịp tăng trưởng khá. Ảnh minh họa.
Tình hình sản xuất kinh doanh vẫn tiếp nối xu thế tăng trưởng tích cực từ đầu năm trong cả 3 khu vực, cho thấy động lực tăng trưởng xuất phát từ năng lực tăng thêm của các ngành sản xuất đang có xu hướng tăng trưởng tốt. Riêng sản xuất nông nghiệp chịu nhiều bất lợi từ tình hình thời tiết thất thường.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tính chung 8 tháng ước tăng 11,2% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng cùng kỳ (cùng kỳ tăng 8,2%). Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đà tăng cao, đạt 13,3% (cùng kỳ tăng 11,6%).
Các hoạt động dịch vụ, thương mại tiếp tục tăng khá. Tính chung 8 tháng năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 2,86 triệu tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước, duy trì trạng thái tăng trưởng 2 con số. Du lịch tiếp tục khởi sắc, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 8 tháng ước đạt 10,4 triệu lượt, tăng 22,8% so với cùng kỳ, bình quân mỗi tháng ước đạt 1,3 triệu lượt.
Bất chấp những ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc và khủng hoảng tài chính tại Thổ Nhĩ Kỳ, kinh tế Việt Nam được dự báo vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng khá. Nợ công được ổn định, năng lực cạnh tranh được cải thiện, dòng chảy thương mại lành mạnh và tiêu dùng trong nước ở mức cao.
Trọng Sang (t/h)