Xe tăng T-90 Nga nổ tung ở Syria: Thần thánh cũng "đi đứt" như bao anh tài khác
Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có một dòng xe tăng nào được coi là bất bại, kể cả siêu tăng Leopard của Đức được giới truyền thông phương Tây ca ngợi hết lời.
Nơi từ những "tượng đài"...
Những chiếc M1 Abrams đã trở thành "huyền thoại" trong cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ nhất (1991) nhưng khi nằm trong tay quân đội Iraq, chúng không những không phát huy được sức mạnh ở chiến dịch phản công vào thành phố Mosul năm 2014, mà còn bị lực lượng IS thu làm chiến lợi phẩm.
Trên chiến trường Yemen, rất nhiều xe tăng M1A1 của quân đội Arab Saudi đã bị tiêu diệt bởi lực lượng dân quân Houthi.
Tại chiến trường Syria, Thổ Nhĩ Kỳ lúc đầu chỉ triển khai xe tăng M60 Patton và phiên bản nâng cấp là M60T Sabra nhưng sau những cuộc đụng độ ác liệt với lực lượng dân quân người Kurd và IS, dòng tăng này đã bị thiệt hại nặng nề.
Với kỳ vọng giải quyết chiến trường một cách nhanh chóng, người Thổ đã triển khai xe tăng Leopard 2A4 hiện đại nhất có trong lực lượng tăng thiết giáp của họ. Chỉ trong vòng vài ngày tham chiến, đã có từ 8 đến 10 chiếc Leopard 2A4 đã bị lực lượng IS và dân quân người Kurd phá hủy.
... Đến loại xe tăng được kỳ vọng nhất của Nga đều bị lật đổ
Năm 2015, khi Moscow can thiệp vào cuộc chiến chống khủng bố ở Syria, lúc này lực lượng tăng thiết giáp của quân đội Syria đã bị thiệt hại nặng nề sau 4 năm nội chiến. Đặc biệt, sau khi phiến quân nhận được tên lửa chống tăng TOW-2A của Mỹ vào năm 2014 thì số lượng xe tăng, xe bọc thép của quân đội chính phủ Syria bị bắn cháy ngày càng nhiều.
Để trợ giúp đồng minh của mình có thể trụ vững, Nga đã cấp tốc viện trợ một số lượng lớn xe tăng các loại, trong đó phần lớn là T-62 (phiên bản cải tiến), T-72 và cả phiên bản T-90.
Xe tăng T-90 là loại tăng hiện đại nhất trong biên chế của quân đội Nga trước khi có T-14 Armata. Hiện nay, quân đội Nga có khoảng 550 chiếc T-90 ở tất cả các phiên bản.
T-90 được phát triển vào cuối những năm 1990, kết hợp phần thân của T-72 cộng với một tháp pháo hiện đại hơn. Ưu điểm nổi bật của T-90 là hệ thống bảo vệ với lớp giáp hỗn hợp cùng hệ thống bảo vệ chủ động - đây là những điểm mạnh so với chiếc M1A2 và cả Leopard-2.
Xe tăng T-90 trên chiến trường Syria
Những chiếc T-90 mà Nga viện trợ cho quân đội Syria được trang bị cho Lữ đoàn "Diều hâu Sa mạc" và lực lượng Đặc nhiệm Tiger Force, chuyên về các hoạt động tấn công.
Tuy nhiên, theo trang mạng discussio.ru, T-90 cũng không phải là mẫu xe tăng bất bại. Tháng 2/2016, trong trận tiến công vào thành phố Aleppo, phiến quân Syria đã công bố đoạn video cho thấy chiếc T-90 bị một tên lửa chống tăng TOW bắn trúng.
Một quầng lửa bùng lên nhưng khi khói tan, chiếc xe tăng vẫn an toàn. Trong trường hợp này, T-90 đã may mắn thoát nạn nhờ hệ thống giáp phản ứng nổ Kontakt-5, nhưng hệ thống phòng hộ gây nhiễu hồng ngoại hỏa lực TSHUL-7 ở hai bên sườn bị tê liệt, không phát huy tác dụng. Đây cũng là lời cảnh báo với những chiếc T-90 tham chiến trên tử địa Syria.
Xe tăng T-90 bị trúng tên lửa ở Syria tháng 2/2016
Trên lý thuyết, lớp đầu tiên trong hệ thống bảo vệ của T-90 là các hệ thống bảo vệ chủ động, các thiết bị cảm biến sẽ phát hiện những mối nguy hại từ tên lửa chống tăng đang phóng đến, từ đó kích hoạt các hệ thống bảo vệ như đạn khói hay đèn hồng ngoại.
Nếu tên lửa vượt qua được lớp bảo vệ trên, tên lửa sẽ gặp lớp giáp phản ứng nổ Kontakt-5, qua lớp giáp này mới có thể đến lớp giáp chính của xe.
Có như công bố của nhà sản xuất?
Lớp giáp phản ứng nổ Kontakt-5 và hệ thống phòng vệ chủ động Shtora có đảm bảo cho T-90 chống lại được tên lửa chống tăng? Câu trả lời là KHÔNG.
Đã có 5 hoặc 6 trong số 30 chiếc T-90A thuộc biên chế quân đội chính phủ Syria (SAA) bị thiệt hại trong hai năm 2016 và 2017.
Hầu hết những xe bị thiệt hại là nạn nhân của tên lửa chống tăng TOW-2A, trong đó đáng chú ý là một số xe tăng bị phá hủy không thể sửa chữa, 4 chiếc khác bị trúng đạn nhưng tình trạng hỏng hóc chưa được xác định, và rất có thể còn có những thiệt hại khác nhưng không được công khai thông tin.
Ngoài ra, phiến quân IS đã chiếm được 2 chiếc T-90 và sử dụng chúng trong chiến đấu (một chiếc vào tháng 6/2016 và chiếc còn lại vào tháng 10/2017)
Tháng 6/2016, IS, với tên lửa chống tăng TOW-2, đã tiến hành phục kích một chiếc T-90A tại chiến trường Aleppo.
Đoạn video được máy bay không người lái quay lại cho thấy chiếc T-90 đã rẽ ngoặt và lao vào nơi trú ẩn. Rõ ràng, kíp xe nhận thấy tên lửa TOW đang tấn công mình. Tuy nhiên, quả tên lửa vẫn đánh trúng xe tăng vào bên hông hoặc giáp phía sau.
Một chiếc T-90 của quân đội Syria đang ở vị trí ẩn nấp.
Quả tên lửa phát nổ, khiến những mảnh vỡ tung lên không trung, nhưng nó chưa đủ sức hạ gục chiếc xe tăng. T-90 vẫn tiếp tục lăn bánh vào nơi ẩn nấp. Trong trường hợp này, hệ thống phòng vệ chủ động Shtora đã không phát huy được tác dụng - đó là lái quả tên lửa đi chệch mục tiêu.
Nhưng một chiếc T-90A khác đã không được may mắn như trên. Trong cuộc chiến tại Khanasir, nó bị tên lửa TOW-2A phá hủy. Kíp xe may mắn thoát ra ngoài trước khi đạn tăng trong khoang làm chiếc xe nổ tung.
Đây cũng là điểm yếu của các loại xe tăng Nga (và Liên Xô) từ đời T-90A trở về trước, khi đạn được chứa xung quanh xe, chứ không có chỗ để đạn riêng biệt như mẫu M1A1 của Mỹ.
Xe tăng T-90 được gia cố bằng bao cát trong tay khủng bố.
Bên cạnh đó, còn có 2 chiếc T-90 bị phiến quân "tóm sống" rồi giấu trong một nhà máy gạch bỏ hoang ở tỉnh Idlib. Vào tháng 4/2017, một chiếc T-90A chiến lợi phẩm được lực lượng nổi dậy gia cố thêm bao cát để hỗ trợ cuộc tấn công trên hướng Maadan.
Tuy nhiên, cuộc tiến công bị quân chính phủ đẩy lùi, chiếc T-90 chiến lợi phẩm của phiến quân đã bị xe tăng T-72 của quân đội Syria hạ gục bằng một viên đạn xuyên giáp vào bên hông xe.
Chiếc T-90 trong tay khủng bố bị xe tăng T-72 của Quân đội chính phủ Syria hạ gục.
Bị trúng tên lửa không có nghĩa là các hệ thống phòng thủ của T-90 không hoạt động. Trong một cuộc tấn công hy hữu cũng được video của phiến quân ghi lại, vào ngày 28/7/2016, chiếc tăng T-90 tại trang trại Al-Mallah gần Aleppo bị trúng tên lửa TOW.
Nhờ vào bộ giáp phản ứng nổ, chiếc xe đã thoát đòn đánh đầu tiên. Khi phiến quân phóng tiếp quả tên lửa TOW thứ 2, chiếc xe tăng vẫn may mắn sống sót nhưng chắc chắn bị thiệt hại không nhỏ. Điều này khẳng định hệ thống phòng hộ chủ động không phát huy được tác dụng như nhà sản xuất công bố.
Trên thực tế, qua 3 năm tham chiến trên chiến trường Syria, hiện chưa có chiếc T-90 nào bị phá hủy bởi vũ khí cận chiến như PRG hoặc M-72. Lý do là vì hiếm khi quân đội Syria sử dụng T-90 trong chiến đấu tầm gần, mà chỉ là phương tiện hỗ trợ hỏa lực từ xa, thay vì làm phương tiện đột kích như tính năng vốn có của nó.
Không thể phủ nhận chiếc T-90 có khả năng bảo vệ vượt trội so với các xe tăng trước đây của Nga. Song trong cuộc chiến tại Syria, chúng chỉ dám tiến công các lực lượng phiến quân từ xa hoặc vào ban đêm nhờ tận dụng hệ thống quan sát quang học và hệ thống nhìn đêm hiện đại Catherine-FS của Pháp.
Và tất nhiên, với một số lượng nhỏ tham chiến trong quân đội Syria, T-90 không thể có tác động đáng kể đến cuộc nội chiến quy mô lớn đã bùng nổ trong nhiều năm. Nhưng các chuyên gia quân sự tin rằng, việc đưa T-90 vào chiến trường Syria giúp Nga tìm ra những điểm yếu để nâng cấp.
May mắn cho T-90 là phiến quân không nhận được tên lửa chống tăng tầm xa tấn công từ trên cao như loại Javelin và TOW-2B. Đây là những vũ khí chống tăng hết sức hiện đại, đủ sức phá hủy T-90 chỉ bằng 1 phát bắn.
-
Những vũ khí Nga chỉ sản xuất 1 bản duy nhất: Vì sao "Quái vật biển Caspian" bị loại biên?
Vấn đề lớn với T-90 (và hầu hết các tăng hiện đại khác) là sự vắng mặt của một hệ thống phòng thủ tích cực để có thể bắn hạ các tên lửa, hệ thống phải có độ bao phủ 360 độ (tối thiểu là 270 độ).
Nếu có một hệ thống như vậy, xe tăng có thể chống được mối đe dọa, không chỉ đối với những vũ khí chống tăng cá nhân trong điều kiện chiến đấu đô thị, mà còn chống lại được tên lửa chống tăng được bắn ở một góc bắn bất ngờ.
Với tầm bắn của tên lửa chống tăng hiện đại thường từ 1.000 đến 3.000 mét thì trong cuộc chiến phi đối xứng, những vũ khí chống tăng có thể tấn công từ xa vào bên sườn hoặc phía sau, dễ gây tổn thất cho xe.
Từ kinh nghiệm tham chiến của T-90 tại chiến trường Syria, Nga dự định nâng cấp những chiếc T-90A lên chuẩn T-90M. Phiên bản này được trang bị giáp phản ứng nổ như của T-14 Armata, hệ thống phòng thủ chủ động kiểu mới và thay pháo chính 2A82 bằng pháo 2A46M có hỏa lực mạnh và chính xác hơn.
Những thiệt hại về xe tăng ở chiến trường Syria chỉ ra rằng, bất kỳ loại xe tăng nào, cho dù T-90, M1A1 hoặc Leopard 2 đi chăng nữa, đều dễ bị tổn thương bởi tên lửa chống tăng. Thứ vũ khí này vẫn là cơn ác mộng đối với cả những loại xe tăng hiện đại nhất của bất kỳ quốc gia nào.
Trịnh Ngọc Tiến