Xe điện và cái chết của động cơ đốt trong
Trong 1 thế kỷ qua, động cơ đốt trong và những chiếc xe hơi chạy xăng đã ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, xã hội của con người cũng như vươn lên thống trị trong ngành vận tải. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của ắc quy công nghệ mới và xe điện đang khiến sự thống trị này bị đe dọa nghiêm trọng.
Vào năm 1894, những chiếc xe với động cơ đốt trong đã được thử nghiệm nhằm thay thế cho sức ngựa nhưng không một chiếc xe điện nào được xây dựng. Nguyên nhân chính là do giới hạn về công nghệ và người ta phải thay ắc quy mỗi 30km. Dẫu vậy, sự phát triển của ắc quy sử dụng Lithium đã làm thay đổi tất cả. Mẫu xe điện Chevy Bolt đã chạy được 383km cho mỗi lần sạc, con số này thậm chí lên đến hơn 1.000km cho mẫu Model S của Tesla.
Theo dự đoán của ngân hàng UBS, chi phí để sở hữu và vận hành một chiếc xe điện sẽ tương đương với 1 chiếc ô tô chạy xăng vào năm 2018, qua đó tác động vô cùng lớn đến ngành xe hơi truyền thống. Ngân hàng này cũng dự đoán thị phần xe điện sẽ đạt 14% trên toàn cầu vào năm 2025, cao hơn nhiều so với mức 1% hiện nay.
Rất nhiều công ty và các chuyên gia cũng đã dự đoán về sự chiếm ngôi của xe điện nhưng họ liên tục phải nâng mức dự báo bởi sự phát triển và cải tiến không ngừng trong mảng ắc quy. Với mức giá ngày 1 rẻ hơn và chất lượng được nâng cao, xe điện nhanh chóng trở thanh trào lưu mới cho các ông lớn sản xuất ô tô ngày nay. Năm 2010, bình quân mỗi Kwh tốn khoảng 1.000 USD ắc quy thì hiện nay con số này đã giảm xuống 130-200 USD.
Thậm chí, nhiều quốc gia cũng đang hướng tới một thị trường vận tải không khói. Sau động thái cấm kinh doanh xe chạy xăng vào năm 2040 của Pháp và Anh, đến lượt Trung Quốc xem xét lên thời hạn cấm xe chạy xăng. Hàng loạt các quốc gia khác như Na Uy, Hà Lan, Đức hay cả Ấn Độ cũng đang dự thảo kế hoạch hướng tới một thị trường xe hơi thân thiện với môi trường.
Xem thêm:
Không phải vàng, đây mới là kim loại sẽ được thèm khát nhất trong tương lai
Những hệ lụy to lớn
Việc động cơ chạy xăng và những chiếc xe hơi truyền thống sắp bị thay thế bởi xe điện sẽ tác động vô cùng to lớn đến kinh tế, xã hội con người. Những khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng, những trung tâm thương mại hay các nhà hàng thiết kế cho khách hàng vận chuyển bằng xe hơi, những tầng lớp lao động phụ thuộc vào phương tiện giao thông… tất cả những yếu tố trên sẽ thay đổi vì xe điện.
Thống kê mới nhất cho thấy khoảng 85% số lao động Mỹ có tương tác hoặc sử dụng ô tô. Những công ty sản xuất xe hơi cũng đóng góp lớn cho nền kinh tế và tạo ra được vô vàn công ăn việc làm cho tầng lớp trung lưu.
Tại Mỹ, khoảng 1 tỷ chiếc xe với động cơ chạy xăng đang lưu hành trên các cung đường. Nếu như tất cả các xe hơi tại Mỹ đều đang vận hành thì chúng có thể sản sinh được mức năng lượng cao gấp 10 lần nhu cầu điện năng trên toàn quốc. Trong khi đó, văn hóa ô tô đã ảnh hưởng đến nhiều thế hệ Mỹ. Từ âm nhạc, phim ảnh, thể thao cho đến nhiều loại hình sinh hoạt tinh thần khác.
Xe điện tiết kiệm hơn xe chạy xăng
Rõ ràng, xe hơi và động cơ đốt trong đã ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, xã hội của con người, nhất là từ sau Thế chiến II. Tuy nhiên, cũng tương tự như câu chuyện điện thoại di động khi Nokia đang ở thời đỉnh cao và Apple không hiểu từ đâu xuất hiện với chiếc iPhone, ngành ô tô chạy xăng đang phải đối mặt với rủi ro như vậy.
Trên thực tế, Tesla và nhiều công ty nghiên cứu công nghệ xe điện ngày nay không phải là những chuyên gia trong ngành sản xuất ô tô. Thay vào đó, họ thiên hướng về công nghệ điện tử hơn. Bởi vậy, những chiếc xe điện thời nay khá đơn giản và không cần quá nhiều thiết bị, chúng trông giống như những chiếc máy tính 4 bánh hơn là 1 chiếc ô tô.
Điều này đồng nghĩa với việc các hãng xe điện sẽ cần ít nhân công hơn, nhất là khi quá trình tự động hóa đang ngày một phát triển. Thế rồi những nhà cung cấp, hệ thống phân phối, lắp ráp, sản xuất phụ tùng cũng sẽ chịu ảnh hưởng. Những lao động trong các nhà máy sản xuất ô tô bị mất việc làm sẽ ảnh hưởng đến thị trường tiêu dùng. Hàng loạt những cửa hàng độ xe, sửa xe sẽ phải thay đổi vì xe điện.
Thế rồi những giải đua xe, văn hóa chơi xe… tất cả những yếu tố đó đều sẽ chịu tác động khi xe điện trở thành vị vua mới trên thị trường.
Xe điện thân thiện với môi trường hơn
Tồi tệ hơn, với hệ thống lái tự động và những dịch vụ taxi như Grab hay Uber, giới trẻ ngày nay ngày càng có ít nhu cầu sở hữu một chiếc xe. Trong tương lai, sẽ đến lúc vận tải trở thành một ngành dịch vụ chủ chốt và loại bỏ đến 90% những chiếc xe chính chủ trên đường phố.
Bên cạnh đó, số liệu của hội đồng bảo vệ tài nguyên chiến lược Mỹ (NRDC) cho thấy một chiếc xe điện thải khí thải nhà kính thấp hơn 54% so với xe chạy xăng và vô cùng thân thiện với môi trường cũng như tốt cho sức khỏe người dân. Đó là chưa kể đến công nghệ xe điện đang ngày càng hoàn thiện và thân thiện với môi trường hơn. Bởi vậy, chắc chắn chính phủ các nước sẽ thúc đẩy mảng xe điện thay vì tiếp tục sử dụng ô tô chạy xăng và phụ thuộc vào dầu mỏ.
Báo cáo của NRDC cũng cho thấy ô nhiễm không khí là nguyên nhân khiến 3,7 triệu người trên toàn thế giới tử vong hàng năm. Cụ thể khí thải từ xe hơi là nguyên nhân khiến 53.000 công dân Mỹ thiệt mạng mỗi năm, cao hơn con số 34.000 người qua đời do tai nạn xe cộ.
Dấu hiệu suy tàn của vàng đen
Nói đến ô tô chạy xăng thì không thể không nhắc đến dầu mỏ, loại vàng đen gây ra bao cuộc chiến và xung đột cũng như khiến hàng loạt quốc gia trở nên giàu có.
Tại Mỹ, khoảng 2/3 số dầu mỏ được tiêu thụ cho những chiếc ô tô và với sự suy tàn của động cơ đốt trong trên những cung đường, hàng loạt các ngành khai thác, hóa lọc dầu sẽ chịu ảnh hưởng, qua đó tác động ngược lại nền kinh tế.
Ngay cả những nước như Trung Quốc cũng đang hướng đến phát triển xe điện
Mặc dù những công ty khai thác như Royal Dutch dự đoán rằng dầu mỏ vẫn sẽ thống trị ngành vận tải trong 10 năm nữa nhưng rõ ràng không có doanh nghiệp nào muốn bị bỏ lại với những mỏ dầu kém giá trị. Hàng loạt những khoản đầu tư mới sẽ được thực hiện trong khi những mỏ khoan chi phí cao sẽ bị bỏ lại.
Đối với những quốc gia có chi phí khai thác thấp như Ả Rập Xê Út, họ đang cố khai thác nhiều hết mức có thể trước khi dầu mỏ mất giá thêm. Ngay cả chính phủ các nước Trung Đông cũng nhận ra rằng tương lai dầu mỏ không mấy sáng sủa với sự ra đời của xe điện khi chuyển hướng mở rộng đầu tư cho các mảng kinh tế khác ngoài năng lượng.
Mặc dù những nước này vẫn thu được nhiều lợi nhuận nhờ nguồn tài nguyên khí đốt cũng như tác dụng của dầu mỏ trong việc sản xuất nhiều loại nguyên liệu cho thế giới nhưng chắc chắn nhu cầu thị trường sẽ giảm dần. Hệ quả là hàng loạt các quốc gia phụ thuộc quá nhiều vào dầu như Angola, Bigeria hay Venezuela sé phải chịu thiệt hại nặng nề.
Trong tương lai, động cơ đốt trong sẽ biến mất?
Ngược lại, loại nguyên liệu quan trọng của ắc quy là Lithium sẽ trở thành mặt hàng nóng. Giá của mặt hàng này đã tăng từ 4.000 USD/tấn năm 2011 lên hơn 14.000 USD/tấn hiện nay. Rồi những loại nguyên liệu khác như Cobalt được sử dụng cho sản xuất ắc quy cũng lên giá. Nguyên nhân ngoài xe điện, ắc quy còn được dùng cho rất nhiều thiết bị điện tử cũng như là nguồn trữ năng lượng chính cho mảng điện mặt trời, điện gió…
Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng những nước sản xuất Lithium chính như Chile khó trở thành một Ả Rập Xê Út thứ 2 cũng như giá ắc quy sẽ không bị kiểm soát hoặc đẩy lên cao như dầu mỏ khi chúng có thể tái sử dụng.
BT