Xạ thủ "đa-di-năng" xuất sắc của Bộ đội xe tăng Việt Nam: Súng nào cũng dùng tốt
Trên xe tăng, xe thiết giáp, mỗi thành viên thường chỉ được huấn luyện chuyên sâu về nhiệm vụ của mình.
Chẳng hạn, Trưởng xe thì phải nắm vững chiến thuật, sử dụng thành thạo khí tài thông tin và biết sử dụng các loại vũ khí theo xe; xạ thủ thì chủ yếu là sử dụng thành thạo vũ khí; còn lái xe tất nhiên là phải nắm vững kỹ thuật xe máy và lái xe.
Từ phong trào "Giỏi vị trí mình, biết vị trí khác"
Tuy nhiên, từ các bài học kinh nghiệm rút ra qua thực tế chiến đấu, trong Binh chủng Tăng - Thiết giáp đã phát động phong trào "Giỏi vị trí mình, biết vị trí khác" để có thể thay thế lẫn nhau khi cần thiết.
Không chỉ vậy, các đơn vị còn tổ chức huấn luyện về trang bị vũ khí của địch để khi có thời cơ sẽ lấy xe địch, vũ khí địch diệt địch.
Một trong những tấm gương nổi bật trong học tập làm chủ vũ khí trang bị ở Trung đoàn Bộ binh cơ giới (BBCG) 202 là Đinh Văn Hòe.
Đinh Văn Hoè sinh năm 1950 tại xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Sinh ra ở một miền quê có truyền thống cách mạng, lại đang sôi sục vì chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ nên vừa chớm đủ tuổi, anh đã tình nguyện lên đường nhập ngũ.
Bộ đội Tăng – Thiết giáp quyết tâm lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc năm 1972.
Từ năm 1969 đến năm 1971, anh được biên chế vào Sư đoàn 304, tham gia chiến đấu với cương vị chiến sĩ súng máy cao xạ 12,7mm, trực tiếp chiến đấu 3 trận, cùng đơn vị bắn rơi 2 máy bay và diệt 75 tên địch.
Cuối năm 1971, Đinh Văn Hòe được bổ sung về Trung đoàn BBCG 202 với cương vị trung đội phó thuộc Đại đội 2, Tiểu đoàn 66. Sau một thời gian ngắn huấn luyện chuyển binh chủng, tháng 3.1972, anh cùng đơn vị vào chiến trường Quảng Trị chuẩn bị tham gia cuộc Tổng tiến công chiến lược năm 1972.
Từ bộ binh chuyển về Binh chủng Tăng Thiết giáp, Đinh Văn Hòe gặp rất nhiều khó khăn trong việc học tập làm chủ trang bị vũ khí. Trong khi đó, do yêu cầu của chiến trường thời gian huấn luyện rất gấp gáp.
Tuy nhiên, nhờ tinh thần tích cực, chịu khó học hỏi nên mặc dù thời gian rất ngắn, Hòe đã sử dụng thành thạo tất cả vũ khí, trang bị trên xe thiết giáp và tiểu đội bộ binh theo xe.
Xe tăng Lữ đoàn 202 thực hành huấn luyện vượt sông.
Đến xạ thủ "đa-di-năng", súng nào cũng diệt được địch
Tháng 4 năm 1972, Trung đoàn BBCG 202 được đưa vào Vĩnh Linh sẵn sàng tham gia chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị.
Ngày 27-4-1972, Đợt 2 của chiến dịch bắt đầu, Tiểu đoàn BBCG66 có nhiệm vụ cơ động vượt sông Bến Hải, sông Cửa Việt phối thuộc cho Trung đoàn BB 27 tiến công Triệu Phong, Hải Lăng nhằm giải phóng cánh Đông Quảng Trị, đồng thời ngăn chặn địch rút ra biển.
Sau khi cùng tiểu đoàn đánh địch giải phóng Triệu Phong, ngày 1-5-1972, Đại đội của Đinh Văn Hòe nhận nhiệm vụ tăng cường cho Trung đoàn BB 27 tiến công quận lỵ Hải Lăng nhằm cô lập thị xã Quảng Trị.
Lúc này, tàn quân địch từ Đông Hà, Ái Tử, Lai Phước cụm về Hải Lăng khá đông nên đây là một nhiệm vụ rất nặng nề.
Để chuẩn bị cho trận đánh, ngày 1-5- 972, đại đội tổ chức một bộ phận đi trinh sát thực địa. Trên đường đi, gặp một tốp máy bay địch đang quần thảo và bắn phá vào những vị trí nghi ngờ quanh quận lỵ Hải Lăng.
Thấy một chiếc xe bọc thép M113 bị hỏng bên đường, Đinh Văn Hoè nhảy lên kiểm tra, anh phát hiện trên xe còn một khẩu đại liên M50 và một dây đạn còn nguyên.
Nhờ đã nắm vững nguyên lý hoạt động chung của các loại súng nên chỉ sau một lát mày mò, anh đã lắp được đạn và đưa được đạn lên nòng. Tiếp đó, anh hướng nòng súng vào chiếc máy bay gần nhất ngắm kỹ rồi xiết cò.
Sau một điểm xạ dài, chiếc trực thăng bốc cháy thành một bó lửa đâm đầu xuống bãi cát. Thấy tình hình như vậy, số còn lại phải lảng ra xa và bay về quận lỵ Hải Lăng.
Trung đoàn BBCG 202 tấn công vào sân bay Quảng Trị, ngày 1/5/1972. Ảnh tư liệu.
Hôm sau, ngày 2-5-1972, Hòe cùng đơn vị tham gia trận đánh vào quận lỵ Hải Lăng cùng với Trung đoàn Bộ binh 27. Trong quá trình chiến đấu, mũi tiến công của anh bất ngờ gặp khó khăn.
Mũi có 2 xe chiến đấu thì một xe bị trúng đạn, xe thiết giáp của Đinh Văn Hòe thì bị sa lầy. Trong khi đó, bọn địch từ trong quận lỵ được sự chi viện của trực thăng vũ trang và xe tăng phản kích điên cuồng.
Trước tình thế nguy hiểm đó, Đinh Văn Hòe xác định nếu không xử trí linh hoạt có thể bị địch tràn ngập trận địa, người và xe của ta sẽ rơi vào tay địch. Vừa chỉ huy anh em cứu kéo xe, Đinh Văn Hoè vừa sử dụng súng B41 tiêu diệt được một xe tăng. Tiếp đó, anh dùng súng 14,5mm trên xe bắn rơi một máy bay trực thăng vũ trang của địch.
Mũi phản kích của địch bị chùn lại, Đinh Văn Hòe hạ lệnh dùng lựu đạn khói nguỵ trang cho kíp xe tiếp tục tổ chức cứu kéo. Ít phút sau, chiếc xe bị sa lầy được kéo lên và tiếp tục tham gia chiến đấu. Trong quá trình chiến đấu giải phóng quận lỵ Hải Lăng, Đinh Văn Hòe đã hy sinh anh dũng.
-
Nga tung 3 cú đấm "thôi sơn", Mỹ tối tăm mặt mũi: Hạ knock out ngay trong tuần này
-
Mỹ phải “tái mặt” khi biết Iran dùng thứ này không kích ác liệt ở Syria bằng bom, tên lửa?
-
Israel sẽ không làm điều "điên rồ" này với tên lửa S-300 Syria: Cái giá phải trả rất đắt?
Đến 10 giờ ngày 2-5-1972, ta làm chủ hoàn toàn quận lỵ Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị được giải phóng hoàn toàn. Trên chiến trường Trị Thiên, lần đầu tiên có lực lượng bộ binh cơ giới tham gia đã gây được tiếng vang lớn.
Hoạt động tác chiến của Bộ đội Tăng Thiết giáp trên chiến trường có nhiều đổi mới, khả năng phối hợp tốt giữa xe tăng và bộ binh đã góp phần vào thắng lợi to lớn của chiến dịch.
Tấm gương chiến đấu và hy sinh anh dũng của Đinh Văn Hoè đã tiếp thêm sức mạnh cho bộ đội Tăng Thiết giáp trong chiến đấu, thực hiện quyết tâm "Mỗi xe là một mũi tiến công, mỗi chiến sĩ xe tăng là một dũng sĩ diệt Mỹ".
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, liệt sĩ Đinh Văn Hoè đã được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 23-9-1973.
Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt