WWF tăng cường bảo tồn voi hoang dã ở Việt Nam
Hội thảo đã quy tụ được nhiều chuyên gia bảo tồn voi châu Á hàng đầu thế giới đến từ WWF, IUCN, Ấn Độ và Việt Nam nhằm chia sẻ các bài học kinh nghiệm và các khuyến nghị hữu ích cho Việt Nam để tìm ra những biện pháp phù hợp và cụ thể nhất cho việc bảo tồn những quần thể voi hoang dã còn sót lại tại Việt Nam, đặc biệt là xử lý tận gốc tình trạng xung đột voi – người. Ngoài ra có các đại diện ở cấp trung ương gồm Ban chỉ đạo quốc gia về Kế hoạch bảo tồn voi đến 2020, đại diện của các vụ, cục có liên quan của Tổng cục Lâm nghiệp, PACCOM, đại diện của Ban quản lý Dự án Bảo tồn voi cấp tỉnh của tỉnh Đắc Lắc, Đồng Nai và Nghệ An, cùng các sở ban ngành có liên quan của tỉnh Đắc Lắc: Sở NNPTNT, Chi cục Kiểm Lâm, Sở ngoại vụ, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Liên hiệp các hội khoa học tỉnh, đại diện Kiểm Lâm, Bộ đội, UBND huyện Ea Súp, Huyện Buôn Đôn và các xã, công ty TNTH Lâm nghiệp Một thành viên ở Ea Sup và Ea H’leo nơi thường xảy ra xung đột voi người.
Quần thể voi hoang dã tại Việt Nam không còn nhiều. Theo số lượng thống kê từ các tỉnh, Đắk Lắk còn khoảng 60-65 cá thể, Đồng Nai còn 14 cá thể và Nghệ An còn 5 cá thể. Suy giảm quần thể voi rừng tại Việt Nam có nhiều nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên, hiện nay vấn đề xung đột lợi ích giữa voi và người đang là vấn đề cấp bách, khiến các nhà bảo tồn và quản lý mất nhiều công sức nhất để tìm phương án giải quyết.
Xung đột voi người (HEC) xảy ra ở tất cả mọi nơi có voi trên thế giới, tồn tại khách quan và rất khó xử lý. Xung đột sẽ trở nên gay gắt nhất ở những nơi voi và con người cùng chia sẻ những nguồn tài nguyên ít ỏi để tồn tại. Sự bùng nổ dân số và nhu cầu phát triển của con người gây áp lực lớn đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên như đất, nước, đặc biệt là rừng khiến môi trường sống của voi bị thu hẹp, suy thoái hoặc mất đi.
Tại Việt Nam, HEC ngày càng trở nên nghiêm trọng và là một trong những nguyên nhân gây suy giảm số lượng cá thể trong các quần thể voi vốn đã rất nguy cấp, đặc biệt là ở Đắk Lắk, Đồng Nai và Nghệ An. Tại Đắk Lắk, ghi nhận từ những năm 2005 tới nay, HEC xảy ra tại nhiều xã của 3 huyện Buôn Đôn, Ea Súp và Ea H’Leo. Hầu hết các HEC xẩy ra đều liên quan tới việc suy giảm diện tích rừng, rừng bị phân mảnh, voi mất hành lang di chuyển kiếm ăn và kiếm nước uống. Chỉ riêng từ năm 2009 đến tháng 6 năm 2016, Đắc Lắc đã mất 21 cá thể voi hoang dã. Tỷ lệ voi non chết do bị sa lầy và không rõ nguyên nhân vào mùa khô tăng cao (15/21 cá thể chiếm 71%), nhất là ở vùng hồ Ea Súp Thượng. Ngược lại, hoa màu, lán trại của người dân cũng bị voi tàn phá, thậm chí tính mạng của người dân cũng bị đe doạ.
Một chú Voi và nhân viên chăm sóc tại trung tâm Bảo Tồn Voi Dak Lak
“Bất cứ nơi nào có voi và người cùng sinh sống, nơi đó sẽ xảy ra xung đột. Đây là điều không thể tránh khỏi. Voi là loài vật thông minh và có khả năng học và thay đổi rất nhanh. Để giảm thiểu tối đa xung đột, chúng ta phải nghiên cứu và tìm hiểu tập tính của từng đàn voi cần bảo vệ để đưa ra biện pháp phù hợp nhất.” tiến sỹ Vivek Menon, Giám đốc Quỹ Bảo tồn voi Ấn Độ chia sẻ.
Việt Nam đã có đầy đủ các quy định về pháp luật và các văn bản dưới Luật liên quan tới bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn động vật hoang dã nói chung có liên quan tới voi cũng như nhiều chính sách liên quan tới bảo tồn voi được ban hành. Tuy nhiên, hoạt động bảo tồn voi mới chỉ thật sự bắt đầu từ năm 2010 và chủ yếu ở 3 tỉnh còn voi phân bố nhiều nói trên. Do đó, hiểu biết về voi, tập tính của chúng, các phương pháp bảo tồn hiệu quả hiện vẫn còn hạn chế tại Việt Nam. Chính vì vậy, việc giải quyết HEC tại Việt Nam vẫn còn chưa được thực hiện hiệu quả, việc giải quyết mâu thuẫn chỉ mới chú trọng tới thiệt hại về người và tài sản chứ chưa có giải pháp ngăn ngừa, đối phó và giảm nhẹ HEC.
Phan Phú, anh chàng chăm sóc Voi ở trung tâm Bảo Tồn Voi Dak Lak
Những vấn đề cấp bách và trăn trở đó đã được các đại biểu nêu lên và thảo luận trong hội thảo. Mặc dù con đường bảo tồn voi phía trước còn rất gian nan, nhưng những giải pháp được đưa ra trong hội thảo sẽ là những kế hoạch hành động quan trọng cho ba tỉnh trong công cuộc bảo tồn voi của tỉnh nhà. Mỗi tỉnh sẽ có kế hoạch hành động khác nhau dựa vào tình trạng đàn voi và sinh cảnh của tỉnh.“Nếu Việt Nam để mất đi loài vật đẹp đẽ này, chúng ta sẽ khó có thể kêu gọi sự đầu tư của chính phủ và các tổ chức tài trợ nước ngoài khác cho bảo tồn. Vì vậy, đây là cuộc chiến không chỉ nhằm bảo vệ loài voi mà còn bảo vệ thiên nhiên và các loài của Việt Nam” ông Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc WWF-Việt Nam cho biết.
“Sự cam kết và nhiệt huyết trong bảo tồn voi là điều kiện tiên quyết để bảo tồn voi. Chúng ta không thể ngồi chờ các dự án được phê duyệt, chờ sự giúp đỡ từ bên ngoài mà phải thực hiện ngay từ bây giờ mới có thể cứu được voi hoang dã Việt Nam”, ông Đỗ Quang Tùng, giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn kết luận.
Hoàng Vũ