Vun đắp đặc trưng văn hóa trong phát triển, hội nhập
PV: Nghị quyết 98 được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá quan trọng cho TP Hồ Chí Minh đẩy nhanh tốc độ phát triển theo mục tiêu xây dựng thành phố văn minh-hiện đại-nghĩa tình. Dưới góc nhìn của chuyên gia văn hóa, giáo dục, hội nhập, bà đánh giá vấn đề này như thế nào?
PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân. |
PGS, TS Phan Thị Hồng Xuân: Trong đường lối, chiến lược phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta đã xác định rõ, phải đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội trong xây dựng, phát triển đất nước cả trên phương diện lý luận và thực tiễn chính là yếu tố bảo đảm cho mục tiêu phát triển ổn định, bền vững, trong đó văn hóa giữ vai trò “soi đường cho quốc dân đi”. Như vậy, khi TP Hồ Chí Minh triển khai thực hiện cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98, chúng ta cần chú trọng vai trò của văn hóa. Cơ chế đặc thù không chỉ là những chủ trương, chính sách vượt trội dành cho TP Hồ Chí Minh về hành lang pháp lý, mà nó là tổng hòa của các hình thức, giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra. Muốn vận hành hiệu quả cơ chế đặc thù, phải coi trọng xây dựng, vun đắp, khai thác những đặc trưng văn hóa.
Người dân và du khách trải nghiệm cuộc sống kháng chiến tại Khu di tích Rừng Sác, Cần Giờ. Ảnh: HÀ HƯƠNG |
PV: Đặc trưng văn hóa trong cơ chế đặc thù được thể hiện như thế nào, thưa bà?
PGS. TS Phan Thị Hồng Xuân: Nói đến văn hóa là nói đến chiều sâu lịch sử. Độ lùi của thời gian càng sâu, bề dày của lịch sử càng lớn thì sắc thái, bản sắc văn hóa càng có giá trị to lớn. TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức các hoạt động kỷ niệm 325 năm hình thành, phát triển Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định-TP Hồ Chí Minh và 47 năm TP Sài Gòn-Gia Định vinh dự chính thức mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lịch sử khai khẩn, lập ấp, đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; đổi mới và hội nhập từ hơn 3 thế kỷ qua đã hun đúc nên những phẩm chất vô cùng cao quý của con người Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh. Những nét đặc trưng tiêu biểu là phẩm chất phóng khoáng, anh dũng, hào hiệp, nghĩa tình... Trong giai đoạn đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, TP Hồ Chí Minh luôn là nơi khởi phát các mô hình, phong trào hành động cách mạng cho cả nước.
Con người và đời sống xã hội ở TP Hồ Chí Minh luôn thể hiện sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, đổi mới để phát triển. Đây là những giá trị văn hóa đặc trưng của thành phố. Chúng ta cần tiếp tục khai mở, khơi dậy, phát huy mạnh mẽ bằng phong trào thi đua yêu nước, thông qua truyền thông chính sách, công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục... Hiện nay, thành phố đang đẩy mạnh thực hiện, phát huy giá trị mô hình "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh".
Tất cả giải pháp về tư tưởng, văn hóa đều hướng đến mục tiêu làm cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và toàn thể công dân thành phố nhận thức sâu sắc về niềm tự hào, tinh thần trách nhiệm, bổn phận và nhiệt huyết cống hiến để đưa thành phố vượt qua thách thức, khó khăn, phát triển nhanh, mạnh, bền vững.
PV: Bà có nhiều năm làm công tác nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các quốc gia khu vực Đông Nam Á, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng với các nước ASEAN. Theo bà, đâu là những giá trị văn hóa đặc trưng, tương đồng giữa chúng ta với các nước trong khu vực?
PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân: Bản chất của văn hóa là sự giao thoa, tiếp biến, tiếp thu, sàng lọc và đào thải. Trong môi trường hội nhập quốc tế, chúng ta tiếp nhận, giao lưu, giao thoa với tất cả nền văn hóa và những hình thức văn hóa của các quốc gia trên thế giới, nhất là các nước trong khu vực ASEAN. Chính sự gần gũi, quan hệ thân thiết từ lâu đời và sự tương đồng về khí hậu, thổ nhưỡng đã tạo nên những nét tương đồng về văn hóa giữa các nước trong khu vực, nhất là truyền thống văn hóa lúa nước, văn hóa nông nghiệp, văn hóa lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo...
Mặc dù có sự tương đồng, giao thoa nhưng các nước Đông Nam Á đều có nền văn hóa tiêu biểu đặc trưng của quốc gia, dân tộc mình, không bị ảnh hưởng, pha trộn. Trong quá trình hội nhập, thúc đẩy quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực, chúng ta luôn đề cao yếu tố truyền thống, coi trọng, phát huy lợi thế từ sự tương đồng, hiểu biết lẫn nhau.
PV: Hội Hữu nghị Việt Nam-Đông Nam Á TP Hồ Chí Minh có những chương trình, hoạt động như thế nào để góp phần vun đắp đặc trưng văn hóa, thúc đẩy thành phố hội nhập, phát triển?
PGS, TS Phan Thị Hồng Xuân: Đại hội Hội Hữu nghị Việt Nam-Đông Nam Á TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2022-2027 đã xác định phương châm hoạt động nâng cao trách nhiệm tự giác của mỗi cá nhân và tập thể, hướng tới xây dựng Hội Hữu nghị Việt Nam-Đông Nam Á TP Hồ Chí Minh đoàn kết, năng động, sáng tạo, phát triển, hội nhập.
Bên cạnh đó, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo nguồn nhân lực ASEAN thời gian qua cũng đã tổ chức, tham gia nhiều hoạt động liên hoan, giao lưu, kết nối doanh nghiệp, ngày hội việc làm, hợp tác nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực...
Hiện nay, chúng tôi đang triển khai chương trình phối hợp với Thời báo Văn học Nghệ thuật của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tổ chức các cuộc thi như: “Khởi nghiệp các dự án về văn hóa, văn học, nghệ thuật dành cho giới trẻ ASEAN”; thi viết về chủ đề “Bảo tồn văn hóa ASEAN” dành cho sinh viên Việt Nam và sinh viên các nước ASEAN đang học tập, nghiên cứu tại Việt Nam.
Những hoạt động này nhằm góp phần bồi đắp các giá trị văn hóa truyền thống cho giới trẻ, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho sinh viên, góp phần giữ gìn, vun đắp mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước ASEAN, trong đó TP Hồ Chí Minh giữ vai trò là đô thị đầu tàu của phát triển và hội nhập.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!