Vụ xả thải tại Kinh Môn, Hải Dương: Nhà máy Thép Hòa Phát đặt nhầm vị trí?
Hàng trăm người chết do ung thư phổi
Báo điện tử Thời đại nhận được thông tin phản ánh của người dân tại xã Hiệp Sơn, huyện Kinh Môn (Hải Dương) về hoạt động xả thải của Công ty CP Thép Hòa Phát gây ô nhiễm môi trường khiến cuộc sống và sức khỏe của hàng trăm hộ dân tại đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đặc biệt, tử đầu tháng 3/2018 tới nay, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày một trầm trọng hơn. Theo phản ánh, vào chiều ngày 20/3/2018, người dân khu vực phát hiện ống khói của nhà máy, từng đụn khói bụi đen sì cuộn cuộn bốc lên. Anh Nguyễn Văn Hào (trú xóm 4 An Cường) cho hay cột khói phụt lên rồi bị gió thổi bạt sang như một vòi rồng đen đậm giữa trời đêm. Khói bụi tỏa vào thôn khiến cho cả làng hoảng hốt.
Khói đen nghi ngút tỏa ra từ nhà máy của công ty thép Hòa Phát
Ông Trương Vinh Kền (Xóm 1, thôn Hiệp Thượng, xã Hiệp Sơn) cho biết: Công ty CP thép Hòa Phát Hải Dương bắt đầu hoạt động từ năm 2008. Trong 10 năm qua, nhà máy của công ty này đã xả thải ra môi trường khiến người dân ở đây vô cùng khổ sở. Thực tế xung quanh nhà máy đã có rất nhiều người dân chết do ung thư phổi.
Tiếp xúc với phóng viên, người dân tại đây cho biết: Ban ngày còn đỡ chứ đêm đến khi dân bắt đầu ngủ là nhà máy xả thải, khói bụi bay mù mịt khắp vùng, khói đen kín lên trời, bụi bay trắng thành lớp dày trên sân.
Ông Nguyễn Văn Thống (Xóm 1, Thôn Hiệp Thượng, xã Hiệp Sơn, Kinh Môn) cho biết, mỗi lần Công ty thép Hòa Phát xả lò là cả một vùng trời đen kịt vì khói bụi và mạt sắt. Vừa nói chuyện với phóng viên, ông Thống vừa chỉ xuống sân nhà với một lớp mạn sắt dày cộp.
Ông Nguyễn Văn Thống cho biết mỗi lần công ty thép xả lò là khói đen và mạt sắt bay mù mịt
Quan sát từ triền đê sông Kinh Thầy ở huyện Kinh Môn, các xã Duy Tân, Hiệp Sơn, huyện Kinh Môn nhiều lúc thấy khói bụi mịt mù. Tiến về xóm 1 và xóm 4 của xã Hiệp Sơn, khu vực giáp nhà máy, có thể thấy cảnh nhiều ống khói từ nhà máy xả ra nghi ngút, tiếng ồn phát ra không ngớt.
Nhiều hộ dân ở đây phản ánh, họ phải chịu hậu quả nặng nề từ khói bụi, mạt sắt bám đầy sân, hiên nhà, mái ngói, cây cối thậm chí đọng lại trong quần áo. Trên nhiều trần nhà, từ tấm tôn đỏ hay mái ngói, trần mái bằng cũng đều bị phủ một lớp bụi dầy cộp.
Anh Nguyễn Văn Thủy (Thôn An Cường, xã Hiệp Sơn) bức xúc: Các cháu nhỏ sinh sống ở xóm 1 và xóm 4 thì thì hầu hết nay ốm mai đau. Bản thân nhà tôi ở sát cạnh nhà máy Thép Hòa Phát thì cứ sáng dậy là tôi phải quét dọn rất nhiều bụi bẩn, mạt sắt bám đầy hiên nhà. Nhà tôi lúc nào cũng phải đóng chặt cửa vì tiếng ồn và bụi bặm. Cũng theo anh Thủy, chỉ tính riêng trong mấy tháng cuối năm 2017, ở xóm 1 đã có 6 người chết trẻ do mắc bệnh ung thư phổi. Rất nhiều người khác bị bệnh, sống cạnh nhà máy trong tâm trạng vô cùng lo sợ, bất an. Người dân ở đây thậm chí còn không dám sử dụng nước mưa vì mấy năm trước bà con phát hiện nước thải đen ngòm từ Công ty thép Hòa Phát đổ ra sông Kinh Thầy.
Anh Nguyễn Văn Thủy ở xóm 1 (Thôn An Cường, xã Hiệp Sơn) cho biết ở đây có hàng trăm người trung tuổi chết do ung thư phổi
Theo quan sát của phóng viên, không chỉ cuộc sống của người dân nơi đây bị ảnh hưởng mà những cánh đồng hoa màu cạnh nhà máy Thép Hòa Phát cũng bị “bức tử”. Rất nhiều ruộng hành của bà con nông dân ở đây bị cháy xém do khói bụi mà mạt sắt, không thể thu hoạch được.
Nhà máy thép Hòa Phát đặt nhầm vị trí?
Khi được hỏi về vấn đề xả thải ra môi trường của Công ty Thép Hòa Phát, ông Trần Văn Chương – Chủ tịch UBND xã Hiệp Sơn, cho biết: Các cột khói từ tháp dập coke bay lên mình gọi là hơi nước chứ không thể là bụi được, còn bụi thì phải cơ quan có thẩm quyền đánh giá. Cũng theo ông Chương, Sở TN&MT tỉnh Hải Dương thì tất cả các thông số liên quan tới vấn đề môi trường của Công ty Hòa Phát đều đạt ngưỡng cho phép.
Tuy nhiên, khi được hỏi sâu về các chỉ số để thấy được vấn đề môi trường của Hòa Phát đạt ngưỡng cho phép thì chính quyền ở đây đã từ chối không trả lời.
Trước thực trạng trên, dư luận không khỏi băn khoăn và đặt câu hỏi: liệu có hay không việc bao che cho Công ty CP Thép Hòa Phát trong việc xả thải ra môi trường? Phải chăng họ đang đánh đổi môi trường để lấy kinh tế?
Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên Công ty Thép Hòa Phát bị người dân sống quanh khu vực nhà máy phản ánh về vấn đề xả thải gây ô nhiễm môi trường. Trước đó, năm 2012, cơ quan chức năng đã bắt qua tang vụ đổ chất tải độc hại từ Công ty CP thép Hòa Phát ra sông. Qua quá trình điều tra, mặc dù công ty này không chịu nhận trách nhiệm (với lý do Hòa Phát đã ký hợp đồng vận chuyển với Cty CP Quang Huy) nhưng các cơ quan chức năng vẫn xác định Công ty CP Thép Hòa Phát không có biện pháp thu gom, quản lý chất thải nguy hại, không thực hiện đúng các nội dung quy định trong báo cáo đánh giá tác động môi trường…
Luyện kim đen tức là sản xuất gang và thép. Hiện, nhà máy chế biến quặng sắt của Công ty thép Hòa Phát có công suất 300.000 tấn tinh quặng/ năm. Còn các nhà máy như luyện gang; luyện thép; cán thép đều có công suất 1.700.000 tấn/năm.Theo quy định số 3733/2002/QĐ-BYT của Bộ Y tế về “tiêu chuẩn khoảng cách bảo vệ sinh thái” thì đối với ngành “luyện kim đen”, nhà máy sản xuất sẽ phải đảm bảo khoảng cách ít nhất là 1.000 mét đối với khu dân cư. Thế nhưng thực tế, nhà máy thép Hòa Phát chỉ cách nhà dân chưa đầy 100 mét. Điều này khiến dư luận không khỏi hoài nghi, phải chăng Nhà máy thép Hòa Phát đang đặt nhầm vị trí?
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về môi trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế, gây ảnh hưởng đến người dân”.
Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra tại xã Hiệp Sơn, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, dường như một vài doanh ngiệp lớn như Công ty CP Hòa Phát đã phớt lờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng - khiến cho người dân địa phương rơi vào cảnh quẫn cùng, thậm chí đối mặt với mối hiểm họa về sức khỏe hàng ngày.
Báo Thời Đại tiếp tục thông tin về sự việc
Nhóm PV