Vụ ĐH Đông Đô: 203 người mua bằng giả, 10 người bị đề nghị truy tố
Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra bổ sung vụ Đại học Đông Đô cấp hàng trăm bằng cử nhân giả.
Kết quả điều tra bổ sung của Bộ Công an xác định: Ngoài 193 người được Đại học Đông Đô cấp văn bằng 2 tiếng Anh giả đã nêu trong kết luận trước đó, còn có 10 cá nhân khác được trường này cấp bằng giả.
Theo danh sách mới, có 5 trường hợp đã sử dụng bằng giả để học nghiên cứu sinh tại đại học Sư phạm Hà Nội, 2 người dùng giấy tờ giả để học nghiên cứu sinh ở đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM.
Ba trường hợp khác dùng thủ đoạn tương tự để học nghiên cứu sinh tại học viện Cán bộ TP.HCM và học viện Khoa học xã hội. Ngoài ra, một trường hợp bị phát hiện sử dụng văn bằng giả do đại học Đông Đô cấp để thi thăng hạng viên chức tại UBND tỉnh Thái Bình.
Mẫu bằng cấp cho học viên tốt nghiệp của đại học Đông Đô (Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến) |
Bộ Công an đã lập danh sách, cung cấp cho VKSND Tối cao (kèm theo hồ sơ vụ án) 203 trường hợp được đại học Đông Đô cấp bằng giả.
Cơ quan điều tra cũng đã kiến nghị đơn vị chủ quản của các cá nhân sử dụng văn bằng và cơ sở giáo dục mà họ dùng bằng giả để làm hồ sơ học thạc sĩ, tiến sĩ xử lý sai phạm, khắc phục hậu quả.
Với những trường hợp là cán bộ Nhà nước đã nhận bằng giả nhưng không sử dụng, cơ quan công an cũng gửi thông báo cho nơi chủ quản để làm căn cứ xử lý.
Giai đoạn điều tra bổ sung, Bộ Công an đã thu hồi 127 văn bằng giả trong số 203 trường hợp bị phát hiện. Cơ quan điều tra xác định 24 cá nhân chưa nhận bằng. Những người còn lại đã nhận giấy tờ giả nhưng làm mất, thất lạc hoặc tự tiêu hủy.
Ba trong số 10 bị can của vụ án (Ảnh: Bộ Công an) |
Cũng theo kết luận điều tra bổ sung, mặc dù không được cấp phép đào tạo văn bằng 2, song từ năm 2017, trường Đại học Đông Đô đã gửi thông báo tuyển sinh văn bằng 2 tiếng Anh tới các cơ sở, cá nhân, đồng thời ký hợp đồng hỗ trợ tuyển sinh, đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh với 15 cơ sở đào tạo.
Qua đó, đã tuyển sinh được 3.527 học viên, nộp cho trường số tiền hơn 24 tỷ đồng. Tuy nhiên nhiều khoản chi trong số tiền này không thể hiện rõ trên hóa đơn chứng từ, trường chỉ cung cấp danh sách 2.500 người (không có địa chỉ cụ thể) đã nộp hơn 18 tỷ.
Ngoài ra, trong số 203 người bị xác định nhận bằng giả, cơ quan điều tra chỉ có tài liệu xác định Đại học Đông Đô đã thu hơn 2,6 tỷ đồng của 166 cá nhân.
Cơ quan Điều tra xác định trong vụ án này, ông Trần Khắc Hùng (48 tuổi, Chủ tịch HĐQT trường đại học Đông Đô) có vai trò chủ mưu, chỉ đạo các bị can trong vụ án thực hiện hành vi phạm tội.
Tuy nhiên, do ông Trần Khắc Hùng bỏ trốn nên Cơ quan Điều tra đã tạm đình chỉ điều tra vụ án, tạm đình chỉ điều tra bị can đối với Hùng, khi bắt được sẽ xử lý sau.
Danh sách 10 bị can bị đề nghị truy tố Dương Văn Hòa (cựu Hiệu trưởng Đại học Đông Đô), Trần Kim Oanh và Lê Ngọc Hà (cùng là cựu Hiệu phó), Trần Ngọc Quang (cựu Trưởng phòng Đào tạo), Nguyễn Thị Huệ (cựu Trưởng phòng Tài vụ), Nguyễn Thị Ngọc Thái, Phạm Vân Thùy, Lê Thị Thanh Tâm, Lê Thị Lương và Ngô Quang Hiển (cùng là cán bộ nhà trường). |
Bộ GD&ĐT khẳng định sẽ xử lý cá nhân, tập thể có liên quan đến vụ bằng giả ở ĐH Đông Đô Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra để xác minh thông tin và xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật, đúng thẩm quyền, những trường hợp đã sử dụng bằng giả của Trường Đại học Đông Đô; đồng thời cũng sẽ xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân liên quan nếu có sai sót, vi phạm. |
Sau vụ ĐH Đông Đô cấp văn bằng sai, Bộ GD&ĐT đổi đơn vị cấp phôi bằng Đơn vị cấp phôi bằng, chứng chỉ sẽ chuyển từ Văn phòng Bộ GD&ĐT sang Cục Quản lý Chất lượng. |
Vì sao Chủ tịch HĐQT Đại học Đông Đô Trần Khắc Hùng bị truy nã? Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định truy nã Trần Khắc Hùng - Chủ tịch HĐQT kiêm Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục Trường Đại học Đông Đô, về tội danh "Giả mạo trong công tác". |