Vụ đâm chết bạn gái ở Ninh Bình: Những trường hợp nào CSGT được nổ súng?
Thời điểm xảy ra sự việc, Chiến sĩ CSGT có mặt tại hiện trường cố gắng khuyên bảo nam thanh niên và gọi điện thoại cho lực lượng chức năng đến hỗ trợ. |
Liên quan đến vụ việc nam thanh niên dùng kéo đâm chết người yêu ở Ninh Bình, nhiều luồng ý kiến cho rằng, tại thời điểm xảy ra sự việc, một chiến sĩ CSGT đứng đó nhưng “bất lực” nhìn thanh niên liên tiếp đâm vào cô gái.
Cụ thể, khi được người dân thông tin về một vụ tai nạn giữa xe ô tô và chiếc xe máy, chiến sĩ CSGT này đã nhanh chóng đến hiện trường. Tuy nhiên, khi đến thì đã thấy nam thanh niên ngồi và dùng vật nhọn đâm liên tiếp lên người phụ nữ này.
Chiến sĩ CSGT này là đã cố gắng khuyên can nhưng đối tượng vẫn manh động, buông lời đe dọa nếu đến gần sẽ giết cả và tự sát. Thấy vậy, chiến sĩ CSGT này vừa khuyên can, vừa điện thoại cho lực lượng chức năng đến hỗ trợ.
Phòng CSGT Công an tỉnh Ninh Bình đã xác định chiến sĩ CSGT xuất hiện trong clip vụ nam thanh niên đâm chết bạn gái là trung tá Nguyễn Chí Kiều (công tác tại Phòng CSGT Công an tỉnh). Lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh đã yêu cầu trung tá Nguyễn Chí Kiều viết báo cáo tường trình sự việc.
CSGT được nổ súng trong những trường hợp nào?
Hành động của vị chiến sĩ CSGT trong vụ việc lần này đã không nhận được sự đồng tình của dư luận.
Theo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực từ tháng 7/2018 quy định rõ các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự.
Theo đó, người thi hành nhiệm vụ độc lập phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh lời nói hoặc bắn chỉ thiên trước khi nổ súng trong các trường hợp, người đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực hoặc công cụ, phương tiện khác tấn công hoặc chống trả đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác; Người đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực hoặc công cụ, phương tiện khác gây rối trật tự công cộng đe dọa tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác; Khi biết rõ trường hợp đang thực hiện hành vi phạm tội nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng…
Ngoài ra, Luật cũng quy định, người thi hành nhiệm vụ độc lập được nổ súng mà không cần cảnh báo trong trường hợp, người vi phạm đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội khủng bố, giết người, bắt cóc con tin hoặc đang trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ khi vừa thực hiện xong hành vi phạm tội đó; Trường hợp người đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người thi hành công vụ hoặc người khác; đang trực tiếp thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ…
Đặc biệt, Luật cũng nêu rõ, chỉ sử dụng vũ khí quân dụng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà họ không tuân theo hoặc nếu việc sử dụng vũ khí quân dụng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ, người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được sử dụng ngay.
Đối với vụ việc xảy ra tại Ninh Bình, nhiều ý kiến cho rằng, nếu vị chiến sĩ CSGT này có những động thái tích cực, thực tế hơn như nổ súng (nếu mang theo súng bắn đạn cao su như quy định) thì có lẽ sự việc đã không có kết cục như vậy.
Tuy nhiên, theo tường trình của chiến sĩ CSGT chưa rõ thời điểm tới hiện trường có mang theo súng bắn đạn cao su hay các công cụ hỗ trợ khác hay không? Trong khi đó theo clip do người dân quay lại về vụ việc, chiến sĩ CSGT này trong tay có cầm công cụ hỗ trợ.
Hiện, cơ quan Công an tỉnh Ninh Bình vẫn đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ nam thanh niên đâm chết bạn gái rồi tự sát.