Vọng bái những linh hồn đại nghĩa
Theo lời kể của ông Phong: Trong kháng chiến chống Mỹ, tại chiến trường Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng trên đất nước Triệu Voi đã diễn ra nhiều trận chiến bi tráng. Khu vực đồi Năm Mỏm, lính ta còn gọi với tên khác là phu Coong Le, nằm ở trung tâm Cánh đồng Chum. Đó là một dãy đồi bát úp có năm mỏm liên hoàn, mỏm Một cao nhất (1.324m), các mỏm khác thấp dần. Địa hình nơi đây tạo thành thế đứng chân khá vững cho các bên tham chiến. Nếu ai làm chủ được Năm Mỏm sẽ có lợi thế khống chế, uy hiếp các địa hình phụ cận và liên kết với phu Keng, phu Tâng tạo thành một thế trận phòng ngự liên hoàn vững chắc trên cao nguyên Cánh Đồng Chum. Do vậy việc giành giật tranh chấp giữa các bên thường diễn ra rất quyết liệt.
Trong trận đánh ngày 1/9/1972, nhiều đồng đội của ông Phong đã hy sinh anh dũng để đồi Năm Mỏm trụ vững.
Ông Trần Đắc Phong (thứ hai, từ phải qua) cùng những người bạn chiến đấu tìm về trận địa cũ làm lễ vọng bái các anh hùng liệt sĩ (Ảnh: NVCC). |
Năm nay không có dịp sang Lào, ông Phong lần giở những bức ảnh được ghi lại năm ngoái khi ông và những người bạn chiến đấu tìm về trận địa cũ. Chỉ vào bức ảnh những người cựu binh già đang chắp tay vọng bái các anh hùng liệt sĩ dưới chân đồi Năm Mỏm, ông Phong cho biết: Đó là chiều 23/7/2022, trên cao nguyên Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng đầy nắng và gió, nhóm chúng tôi gồm 7 cựu chiến binh quân tình nguyện Trung đoàn 866, 355 ra trận địa năm xưa làm lễ vọng bái những đồng đội đã ngã xuống cách đây 50 năm.
Đồ lễ được chuẩn bị dân dã theo kiểu lính xưa, gồm: thịt hộp, cá hộp, bánh kẹo, lương khô, thuốc lá, chè Thái... Người cựu binh già Ngô Công Nghiễn mang rượu nút lá chuối, lạc rang, hơn chục quả bơ, thanh long hái trong vườn nhà ở Gia Lai, đặc biệt là hai gói giò lợn. Ông bảo: Nghe tin được tham gia đoàn thăm lại chiến trường xưa, ông mổ lợn gói giò để mang cúng đại đội trưởng đồng thời là người bạn đồng hương Nguyễn Cao Đại.
Lễ bày dưới khoảng đất sạch lót tấm nylon, bìa hộp xốp thay mâm cúng các liệt sĩ hy sinh tại đồi Năm Mỏm và các cứ điểm như phu Keng, phu Huội Xạng, phu Thoong, Vành Khăn, phu Mộc, cao điểm 1433 - Long Chẹng, phu Xa Coi, phu Noong, phu Keo Bó, phu Tâng, bản Khổng, cánh đồng Căng Xẻng, nậm Mô, nậm Ngừm...
Là người cao tuổi nhất, ông Nghiễn được phân công làm chủ lễ khấn trước. Ông quỳ xuống đất, lật giở tờ giấy viết sẵn bài khấn được chuẩn bị từ khi còn ở Gia Lai rồi lầm rầm khấn. Trong không gian yên tĩnh, tiếng thầm thì kéo dài dưới làn khói hương tỏa bốn phương tám hướng...
"Chúng tôi gọi tên các các anh Nguyễn Cao Đại, Nguyễn Văn Tiệm, Nguyễn Thông Chung, Phan Văn Quang, Nguyễn Văn Ơn, Nguyễn Tấn Cận, Nguyễn Đào Ngọ, Bạch Thanh Bình, Nguyễn Hồng Luyến, Nguyễn Hữu Thi, Tống Văn Tuyển... cùng các đồng đội trên khắp chiến trường Lào đã ngã xuống 50 năm trước. Chúng tôi thỉnh cầu cho các anh được siêu thoát, an lạc trên cao nguyên Cánh đồng Chum, trên đại ngàn đất nước Triệu Voi huyền bí và linh thiêng", ông Phong kể.
Điều ông và các cựu binh vui mừng nhất là Khu Điện thờ các anh hùng liệt sĩ Việt Nam - Lào ở bản Nhuôn, huyện Pẹc, tỉnh Xiêng Khoảng đã được xây dựng. Tháng 7/2022, giai đoạn 1 của dự án hoàn thành theo đúng kế hoạch và đại lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ, đồng bào Việt Nam - Lào tử nạn trong cuộc chiến chống kẻ thù chung đã được cử hành. Hiện dự án đang tiếp tục xây dựng các hạng mục khác.
"Khu Điện thờ sẽ là mái ấm đi về của hơn 15.000 linh hồn đại nghĩa, những người đã hy sinh trên các mặt trận Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, Viêng Chăn, Xay Sổm Bun... 50 năm trước. Đồng bào, đồng chí, thân nhân các liệt sĩ có thể đến đây để phần nào sưởi ấm hương linh các liệt sĩ và giúp thế hệ trẻ hai nước hiểu biết hơn về giá trị của hòa bình, sự hy sinh của quân đội Việt Nam giúp cách mạng Lào", ông Phong cho biết.