Vĩnh biệt người bạn Venezuela bắt trung tá Mỹ, đổi mạng Nguyễn Văn Trỗi
Ông Martinez, được mọi người biết đến với cái tên thân mật Tư lệnh Ruiz, là một trong nhóm 4 du kích Venezuela tham gia bắt cóc Smolen - tùy viên quân sự Đại sứ quán Mỹ tại Venezuela khi đó. Tới trước khi ông Martínez mất vào ngày 21/2 vừa qua, ông là người du kích cuối cùng còn sống từng tham gia vụ bắt cóc nổi tiếng nói trên.
Báo Venezuela đưa tin về ông Martinez. (Ảnh: albaciudad.org)
Vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, phong trào đấu tranh du kích phát triển khắp Venezuela, trong đó mạnh nhất là nhóm UTC mang tên Livia Gouverneur, thuộc Binh đoàn hoạt động nội thành số 1 do Lui Correa làm Tư lệnh (ông Lui Correa cũng là một trong 10 người Venezuela đầu tiên sang Việt Nam từ năm 1965 để học kinh nghiệm đánh Mỹ). Toàn bộ lực lượng này trực thuộc tổ chức Các lực lượng Vũ trang giải phóng Quốc gia (FALN). Với những du kích quân Venezuela, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam đã có sức khích lệ, cổ vũ họ rất nhiều.
Tháng 8/1964, Tư lệnh Luis Correa thông báo cho mọi người biết là ở Việt Nam có một người tên là Nguyễn Văn Trỗi đã đánh bom bất thành vào Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert Mc. Namara. Anh Trỗi bị bắt và chính quyền Việt Nam Cộng hòa sẽ mang anh ra xử bắn. Ông Luis Correa giao cho tổ chức hành động của UTC có 12 người phải tổ chức bắt cóc Smolen nhằm đòi Nhà Trắng trả tự do cho anh Nguyễn Văn Trỗi.
Tổ hành động chia 12 người ra làm 4 nhóm. Một nhóm đi bắt, một nhóm áp giải chuyển đi, nhóm giam giữ và nhóm trao đổi. Do hoạt động bí mật nên nhóm nào biết việc nhóm ấy, thậm chí còn không biết cả tên những người của nhóm khác. Ông Martinez được giao nhiệm vụ đi bắt Smolen cùng với 3 người khác là Noel Quintero, chỉ huy cả nhóm, Raul Rodique và Carlos Rey. Nhận nhiệm vụ, ông Martinez tổ chức đi trinh sát và tìm hiểu quy luật hoạt động của Smolen.
Sau khi bắt giữ, tổ du kích của ông Martinez giam tùy viên quân sự Mỹ này tại khu căn cứ còn một nhóm khác đã gửi thư cho Cơ quan đại diện quân sự Mỹ, Tổng thống Raul Leoni và một số tờ báo lớn, đặt điều kiện: Phải thả ngay Nguyễn Văn Trỗi ở Việt Nam và nếu chính quyền Sài Gòn xử bắn anh Trỗi thì 3 giờ sau, họ sẽ hành quyết Smolen. Ngay sáng hôm sau, thông tin về cuộc "mạng đổi mạng" này tràn ngập báo chí Venezuela.
Cơ quan quân sự Mỹ ở Venezuela lập tức ra tuyên bố đồng ý với điều kiện của FALN và đề nghị phía du kích cho thêm thời gian nhưng thực chất để mở chiến dịch săn lùng với quy mô toàn quốc. Do không nắm được thông tin chính xác lại luôn phải chạy trốn trước sự săn đuổi của cảnh sát và quân đội nên các du kích tuyên bố sẽ thả Smolen và mong muốn chính quyền Mỹ cũng sẽ thả anh Nguyễn Văn Trỗi. Tuy nhiên chỉ 3 ngày sau Smolen được thả, chế độ ngụy quyền Sài Gòn đã ra lệnh xử bắn anh Nguyễn Văn Trỗi.
Nguyễn Văn Trỗi trên nền những bài báo chấn động một thời. (Ảnh: ĐSQ Venezuela)
Còn ông Martinez, sau khi biết tin Smolen đã được thả, ông lập tức lên đường chạy về miền Đông Venezuela. Nhưng đến nửa đường thì ông bị bắt. Tối ngày 15/10/1964, một tên cai ngục vào phòng giam và mang theo một chiếc đài bán dẫn. Hắn mở to cho ông nghe bản tin thời sự tối. Tin đầu tiên là thông báo về việc xử bắn Nguyễn Văn Trỗi. Nghe tin, ông Martine bật khóc... Sau 3 tháng bị tra tấn dã man, đầu năm 1966, ông bị tòa án quân sự xét xử và kết án 12 năm tù.
Ông Martínez từng chia sẻ với báo giới rằng anh Nguyễn Văn Trỗi không bao giờ chết, anh sẽ sống mãi và nếu được làm lại ông vẫn sẽ làm như vậy. Với du kích quân Venezuela, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam là nguồn cổ vũ, động viên vô cùng to lớn. Ông từng khẳng định việc bắt cóc sĩ quan Mỹ là hành động thể hiện tình đoàn kết với Việt Nam, với thế giới tiến bộ.
Những hình ảnh của các du kích Venezuela sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình, trong đó có ông Martínez, vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta sẽ còn sống mãi trong trái tim của mỗi người Việt Nam.
An Nhi (t/h)