Việt Nam vẫn là điểm đến ưa chuộng cho dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
Theo đánh giá của các chuyên gia HSBC, Việt Nam có những nền tảng cơ bản thuận lợi để giữ vững vị thế của một điểm đến FDI rất tốt, vượt trội hơn các nước ASEAN khác.
Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào Việt Nam 7 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vốn đăng ký cấp mới 10,764 tỷ USD, vốn đăng ký tăng thêm 4,968 tỷ USD và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 2,269 tỷ USD.
Ảnh minh họa. |
Trong số 62 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 7 tháng năm 2024, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 4,55 tỷ USD, chiếm 42,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) 1,31 tỷ USD, chiếm 12,1%; Trung Quốc 1,22 tỷ USD, chiếm 11,3%...
Vốn FDI thực hiện trong 7 tháng đầu năm cũng được ghi nhận đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của bảy tháng trong 5 năm qua.
Mặc dù có nhiều lợi thế trong thu hút FDI, song cũng có ý kiến cho rằng, sự thiếu hụt nhân công có chuyên môn, cộng với chi phí logistics, vận tải cũng ảnh hưởng đến thu hút FDI của Việt Nam.
Theo HSBC, sự quan tâm của các tập đoàn đa quốc gia đối với Việt Nam tăng mạnh nhờ nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến chi phí cạnh tranh và các chính sách hỗ trợ FDI. So sánh chi phí lao động trong khu vực châu Á, mức lương nhân công sản xuất ở Việt Nam thấp hơn dù người dân có trình độ giáo dục phổ thông vững vàng.
Các chi phí khác, chẳng hạn như năng lượng cần thiết cho vận hành nhà máy, dầu diesel vốn được sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp đều cho thấy lợi thế cạnh tranh về giá.
Ngoài ra, Việt Nam đã đạt được tiến độ đáng kể trong việc thiết lập những thỏa thuận kinh tế khác nhau với các đối tác thương mại, như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Những bước tiến này đã hỗ trợ và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, sự hỗ trợ tích cực từ phía Chính phủ thông qua hệ thống thuế cũng đang kích thích dòng vốn FDI. Việt Nam hiện có vị thế cạnh tranh so với các quốc gia khác nhờ mức thuế thu nhập doanh nghiệp theo luật định 20%. Một số doanh nghiệp có thể tận dụng các đợt miễn và giảm thuế kéo dài để giảm thêm mức thuế suất thực tế phải chịu.