Việt Nam tiếp tục cải tiến xe tăng T-55, tự hành hóa pháo - cối cỡ nòng lớn
Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự là một trong những đơn vị dẫn đầu về công tác khoa học - công nghệ và xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện của Tổng cục Kỹ thuật. Trong thời gian qua, Viện đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng ghi nhận.
Ngoài những dự án nghiên cứu cải tiến vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự đã được nhắc tới nhiều như: tích hợp lựu pháo 105 mm, pháo phòng không 23 mm, súng máy hạng nặng 12,7 mm lên xe tải quân sự; diesel hóa xe thiết giáp BTR-152; tự động hóa điều khiển giàn phóng pháo phản lực BM-21... thì còn một vài chương trình rất đáng chú ý vừa mới được công bố.
Một mẫu xe tăng T-55 nâng cấp của Việt Nam, ảnh bìa tạp chí Kỹ thuật & Trang bị số tháng 9/2016
Nổi bật nhất có lẽ là dự án thiết kế hệ thống nạp đạn bán tự động cho xe tăng T-55, ưu điểm của thiết bị trên là giải phóng bớt sức lao động của chiến sĩ nạp đạn, từ đó giúp tăng tốc độ tác xạ cho chiếc chiến xa.
Hiện nay trong các gói nâng cấp dành cho T-54/55, chỉ có T-55AGM của Ukraine là được lắp đặt thiết bị nạp đạn tự động, những mẫu khác dù cho giữ nguyên pháo 100 mm hay thay thế bằng pháo 105 mm thì thao tác nạp đạn vẫn hoàn toàn thủ công. Nếu hoàn thiện và sớm đưa vào trang bị thì đây sẽ là sản phẩm độc đáo mang đậm chất trí tuệ của các kỹ sư quân sự Việt Nam.
Lựu pháo tự hành Jupiter III cỡ 122 mm của Cuba
Nối tiếp thành công của việc đưa lựu pháo M101 cỡ nòng 105 mm lên xe tải Ural 375D, Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự còn huy động các nhà khoa học và đầu tư nghiên cứu thiết kế, tích hợp pháo 122 mm lên xe tải KrAZ.
Cách làm trên đã được người bạn lớn của Việt Nam là Cuba triển khai từ nhiều năm nay, họ đã thành công trong việc gắn kết lựu pháo D-30 cỡ 122 mm do Liên Xô chế tạo lên xe tải KrAZ 255B 6x6, mang lại sức mạnh vượt trội và sức sống mới cho một vũ khí cổ tưởng như đã rất lạc hậu và khó phát huy đầy đủ tính năng trong môi trường tác chiến hiện đại.
Xe thiết giáp chở quân BTR-60PB của Việt Nam
Ngoài hai dự án trên, Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự còn đang nghiên cứu thiết kế, lắp đặt các hệ thống dẫn động tháp súng bằng điện và quan sát, ngắm bắn đêm trên xe thiết giáp chở quân BTR-60PB; tích hợp cối 100 mm lên xe UAZ; chế tạo xích xe tăng PT-76 có lắp guốc cao su...
Với việc lực lượng pháo binh, tăng thiết giáp của Quân đội Nhân dân Việt Nam tiếp tục nhận được sự quan tâm, đầu tư hiện đại hóa, hy vọng rằng hai binh chủng này nói riêng cũng như Lục quân Việt Nam nói chung sẽ sớm tiến lên hiện đại để sánh ngang với Phòng không - Không quân và Hải quân.
Từ bỏ Nga, Trung Quốc chế tạo "tên lửa chống hạm số 1 thế giới" theo thiết kế Mỹ
Sao Đỏ