Việt Nam tăng trưởng tài sản nhanh nhất thế giới
Theo báo cáo này, tốc độ tăng trưởng của cải của Việt Nam trong giai đoạn 2007 – 2017 là 210%. NWW nhận định, Việt Nam sẽ tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng 200% trong 10 năm tới.
Hầu hết sự tăng trưởng mạnh mẽ này xuất phát từ việc gia tăng nhanh chóng những cá nhân sở hữu khối tài sản ròng siêu cao (đạt ít nhất 30 triệu USD). Những người này phải có tài sản có thể đầu tư từ 30 triệu USD trở lên, không tính tài sản cá nhân, nơi ở, đồ sưu tầm và hàng tiêu dùng dài hạn.
Bảng xếp hạng tốc độ tăng trưởng của cải giai đoạn 2007 - 2017 của NWW
Theo Báo cáo Thịnh vượng của Knight Frank năm 2017, Việt Nam có 200 người siêu giàu, tăng 30 người so với năm trước đó. Trong một thập kỷ tới, Việt Nam cũng được dự báo là quốc gia có tốc độ tăng người siêu giàu nhanh nhất thế giới với 170%, lên 540 người.
Các nhà phân tích chỉ ra chi phí lao động thấp và lực lượng lao động chuyên môn hóa cao là chìa khóa đưa Việt Nam lên top đầu chuỗi cung ứng tại Đông Nam Á, đồng thời thu hút lượng FDI lớn.
Việt Nam cũng đang nhanh chóng trở thành điểm đến hấp dẫn đối với người nước ngoài. Đà Nẵng vừa lần đầu tiên lọt top 10 điểm đến tốt nhất để sinh sống ở nước ngoài do International Living bình chọn.
Xếp ngay sau Việt Nam trong báo cáo của New World Wealth là Trung Quốc, với tốc độ tăng tài sản 198% giai đoạn 2007 – 2017. Xét về số người siêu giàu, số liệu này tại Trung Quốc tăng 281% giai đoạn 2000 – 2016.
Ngược lại, Venezuela là nước đứng đầu bảng xếp hạng những nước có số lượng người siêu giàu sụt giảm mạnh nhất (48%). Có khá nhiều nước châu Âu trong danh sách này như Hy Lạp (37%), Italy (19%) và Tây Ban Nha (195). Nguyên nhân khá dễ hiểu khi các nước này đã trải qua cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng năm 2008.
Minh Anh