Việt Nam tăng cường sự hiện diện tại các diễn đàn kinh tế thế giới
Chiều 22/2, Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đã có cuộc làm việc với ông Joo-ok Lee - Giám đốc Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Trần Xuân Hà đánh giá cao Diễn đàn kinh tế thế giới và cho rằng, diễn đàn là nơi kết nối các cơ quan Chính phủ với khối tư nhân cũng như giải pháp, sáng kiến mang tính toàn cầu, khu vực.
Về tham gia của Chính phủ Việt Nam, Thứ trưởng cho biết, nhiều năm qua, Chính phủ Việt Nam đã tham gia rất tích cực, trách nhiệm trong Diễn đàn kinh tế thế giới cũng như khu vực châu Á. Việt Nam đã chuyển đến diễn đàn thông điệp mạnh mẽ, cam kết hội nhập, phát triển đồng thời sẵn sàng chia sẻ, tham gia ý kiến của mình để cùng giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính Trần Xuân Hà tiếp Giám đốc WEF khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Ảnh: Thời báo Tài chính Việt Nam |
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trần Xuân Hà đã nêu ra một số vấn đề về tài chính quan trọng để Giám đốc WEF khu vực châu Á - Thái Bình Dương tham khảo trong xây dựng chương trình hợp tác và các cuộc đối thoại trong khuôn khổ Hội nghị thường niên diễn đàn.
Cụ thể, vấn đề đầu tiên là nguồn lực tài chính triển khai chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế sau đại dịch. Quốc hội Việt Nam đã quyết định miễn, giảm một số sắc thuế, đầu tư từ ngân sách cho một số chương trình, dự án. Trong năm 2022, Quốc hội đã giảm 2% thuế giá trị gia tăng với một số ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.
Việt Nam cũng tập trung nguồn lực triển khai một số cơ sở hạ tầng quan trọng như: giao thông, điện lực, năng lượng, y tế dự phòng, chuyển đổi số... Bên cạnh đó sẽ phối hợp với ngân hàng hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp đầu tư vào ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho rằng, đây là chương trình lớn của Quốc hội, Chính phủ Việt Nam nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó phục hồi nền kinh tế phát triển sau đại dịch.
Vấn đề tiếp theo được Việt Nam quan tâm đó là về huy động nguồn lực ứng phó với biến đổi khí hậu, chống phát thải nhà kính. Trong Hội nghị COP 26, Chính phủ Việt Nam có cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức với Việt Nam. Trong đó có việc chuyển đổi sử dụng năng lượng than đá hóa thạch sang năng lượng sạch là nội dung quan trọng. Bên cạnh đó, Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều của biến đổi khí hậu như: nước biển dâng, sạt lở đê điều, bờ sông... từ biến đổi khí hậu. Do đó, cần nguồn lực tài chính cho các dự án này.
Vấn đề thứ ba Việt Nam quan tâm đó là chiến lược tăng trưởng xanh. Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết, tăng trưởng xanh tác động đến tất cả các ngành lĩnh vực, trong đó, ngành Tài chính cũng phải có giải pháp phát triển tài chính xanh để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh.
Ông Joo-ok Lee đánh giá cao sự tham gia của Chính phủ Việt Nam và các bộ, ngành vào các cam kết quốc tế. Ông Joo-ok Lee cho biết, hội nghị thường niên năm nay (dự kiến tổ chức vào cuối tháng 5) sẽ quy tụ nhiều nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo doanh nghiệp, tổ chức tham gia trực tiếp để cùng trao đổi để tìm giải pháp ứng phó với đại dịch và các giải pháp hậu Covid-19.
Cũng theo ông Joo-ok Lee, ngoài chia sẻ kinh nghiệm đã thực hiện ở các nước, hội nghị cũng sẽ nghiên cứu các giải pháp ứng phó với các dịch bệnh khác có thể xảy ra trong tương lai.