Việt Nam sẽ lọt top 10 nhà xuất khẩu lớn nhất hành tinh vào năm 2050
Trong báo cáo mới nhất có tên “Những làn gió thương mại”, Ngân hàng HSBC nhận định châu Á được kỳ vọng là yếu tố thúc đẩy một thập kỷ tăng trưởng thương mại toàn cầu. Đây cũng là nhân tố được kỳ vọng sẽ mở đầu cho thời kỳ xuất khẩu thế giới tăng tốc gấp 4 lần, đạt mức 68,5 nghìn tỷ USD vào năm 2050.
Thương mại nội vùng chính là động lực đưa tỷ lệ thương mại của châu Á trong thương mại toàn cầu từ mức 17% hiện tại đạt mức 27% vào năm 2050.
Phần đóng góp của châu Á - Thái Bình Dương trong xuất khẩu toàn cầu được dự báo tăng từ khoảng một phần ba trong năm 2015 lên 46% vào năm 2050. Phần của Tây Âu sẽ giảm từ 34% xuống còn 22%, và Bắc Mỹ giảm từ 11% xuống 9%.
Triển vọng tỷ trọng thương mại toàn cầu tính đến năm 2050. Nguồn: Oxford Economics/HSBC
Mức tăng này cũng đánh dấu làn sóng toàn cầu hóa thứ ba với yếu tố chính thúc đẩy là công nghệ mới và sự hội nhập kinh tế gia tăng.
Mạng lưới các công ty đa quốc gia quy mô nhỏ linh hoạt, tự tạo ra các chuỗi giá trị của mình sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy sự phồn thịnh, theo phân tích của bản báo cáo do Oxford Economics thực hiện theo yêu cầu của HSBC.
Báo cáo xác định ba làn sóng phát triển của thương mại thế giới. Làn sóng đầu tiên từ năm 1865 tới năm 1913, làn sóng thứ hai từ năm 1950 tới năm 2007 và làn sóng thứ ba từ năm 2015 tới 2050.
Bản đồ thương mại thế giới được xác lập bởi làn sóng toàn cầu hóa thứ ba này có thể sẽ rất khác với bản đồ đang có trong hiện tại, HSBC dự đoán.
Trong làn sóng thứ ba này, Việt Nam sẽ tăng cường vị thế và trở thành quốc gia xuất khẩu lớn thứ mười của thế giới vào năm 2050 với xuất khẩu đạt 1.437 tỷ USD, bên cạnh các quốc gia như Trung Quốc, Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mexico, Pháp, Nhật Bản và Singapore.
Trung Quốc sẽ tăng cường vị trí dẫn đầu trong xuất khẩu của thế giới, với ảnh hưởng gia tăng tại châu Á được hỗ trợ bởi những dự án như "Một vành đai, một con đường" dưới ảnh hưởng của Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB).
Ấn Độ cũng sẽ có nhiều tiềm năng tăng trưởng mạnh và được dự báo sẽ vượt qua Trung Quốc. Báo cáo kỳ vọng tăng trưởng trong xuất khẩu hàng hóa thương mại từ Ấn Độ sẽ đạt trung bình 6% một năm trong giai đoạn 2025–50, so với mức chưa tới 5% một năm của Trung Quốc.
Trong tương lai, báo cáo dự đoán bốn làn gió thương mại sẽ thúc đẩy cơ hội cho các nhà lãnh đạo kinh doanh. Một là tốc độ phát triển của công nghiệp hóa và sự dịch chuyển sang phục vụ hàng loạt theo nhu cầu; Hai là giá vận chuyển và dịch vụ hậu cần giảm; Ba là chính sách thương mại ngày càng tự do hóa và Bốn là sự trỗi dậy của những mô hình kinh doanh linh hoạt.
Theo Bizlive