Việt Nam nỗ lực thực thi Công ước CERD, đảm bảo quyền cho người dân tộc thiểu số
Ra đời từ năm 1965, Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) là Công ước của Liên hợp quốc lên án nạn phân biệt chủng tộc và xác lập nghĩa vụ cho các quốc gia thành viên phải áp dụng mọi biện pháp cần thiết và không trì hoãn các chính sách nhằm loại trừ các hình thức phân biệt dựa trên chủng tộc, màu da, dòng dõi, dân tộc hoặc gốc người thiểu số. Gia nhập Công ước CERD vào năm 1982, Việt Nam đã 04 lần đệ trình Báo cáo quốc gia về thực hiện Công ước vào các năm 1983, 1993, 2000 và 2012. Điều này cho thấy Việt Nam luôn coi trọng và nghiêm túc triển khai các khuyến nghị của Ủy ban Công ước CERD đã nêu ra.
Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện Công ước CERD, đặc biệt là việc đảm bảo quyền của các dân tộc thiểu số. (Ảnh minh họa: Báo Dân tộc) |
Việt Nam cũng luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền cho người dân tộc thiểu số (DTTS) đặc biệt là từ khi Việt Nam gia nhập Công ước CERD. Hệ thống văn bản pháp luật, chính sách của Việt Nam được xây dựng và phù hợp với các quy định trong luật pháp quốc tế. Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực phát triển bảo đảm bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào DTTS. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa.
Nhằm thực thi tốt hơn nữa Công ước CERD tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta kiên định chủ trương đã được xác định trong Điều 5 Hiến pháp 2013 ”Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc” (Khoản 2) và “Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước” (Khoản 4).
Việt Nam cũng tuân thủ các nguyên tắc, quy định chính của Công ước, nội luật hóa và hiện thực hóa các nguyên tắc và tiêu chuẩn về quyền phổ biến và đặc thù của DTTS trong quản lý nhà nước và trong các Chương trình phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của quốc gia.
Trong những năm qua, Đảng và nhà nước, các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị đã dành sự quan tâm đặc biệt; đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hệ thống cơ sở hạ tầng KTXH được đầu tư khá đồng bộ; giáo dục, y tế được quan tâm, an sinh xã hội được đảm bảo; công cuộc xóa đói giảm nghèo đạt được kết quả to lớn, đời sống của nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được nâng lên rõ rệt; kinh tế, xã hội phát triển, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, vị thế đất nước trên trường quốc tế được nâng lên, niềm tin của nhân dân nhất là đồng bào DTTS đối với Đảng và nhà nước không ngừng được cùng cố và tăng cường.
Điểm nhấn có tính lịch sử là Bộ Chính trị chỉ đạo Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua Đề án tổng thể (Nghị quyết số 88/2019/QH14) và phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Nghị quyết số 120/2020/QH14) (sau đây gọi tắt là CTMTQG). Sự kiện này là mốc son đỏ trong lịch sử công tác dân tộc, được cán bộ, đảng viên và đồng bào DTTS đón nhận như một luồng sinh khí mới, kỳ vọng sẽ tạo nên bước ngoặt đột phá mới trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước nhằm bảo đảm thực hiện tốt nhất quyền của người DTTS trong tình hình mới.
Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng tiến bộ; các dân tộc không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ phát triển cao hay thấp, đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội và được bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp luật. Điều này đã được thể hiện rõ ràng và tập trung trong CTMTQG.
Với quan điểm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào DTTS, tăng cường đồng thuận xã hội để hòa nhập, phát triển cùng với đất nước. CTMTQG là chương trình tổng thể, toàn diện mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội, bảo đảm các quyền con người cơ bản cho đồng bào DTTS.
Trong những năm qua, Đảng và nhà nước, các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị đã dành sự quan tâm đặc biệt; đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. (Ảnh minh họa: Báo Dân tộc) |
Về phạm vi, CTMTQG thực hiện ở địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trong đó tập trung ưu tiên đầu tư cho địa bàn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Về đối tượng của CTMTQG tập trung vào xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hộ gia đình, cá nhân người DTTS; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở xã, thôn ĐBKK. Điều này đã thể hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta phù hợp với nguyên tắc của Công ước CERD về không phân biệt đối xử đối với người DTTS và người thuộc dân tộc đa số mà đều hướng tới mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Các nội dung của CTMTQG đều tập trung phát triển toàn diện các lĩnh vực KTXH phù hợp với cam kết của Việt Nam thực thi các quyền KTXH tại điều 5 và điều 7 Công ước CERD.
Để đảm bảo các quyền kinh tế cho người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi, CTMTQG tập trung vào khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, đổi mới sáng tạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập so với bình quân chung của cả nước; quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KTXH đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển. Với các mục tiêu cụ thể về thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020 (đến năm 2025) và bằng ½ bình quân chung của cả nước (đến năm 2030); Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm trên 3% (đến năm 2025) và giảm xuống dưới 10%, cơ bản không còn các xã thôn ĐBKK; 70% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới (đến năm 2030); 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 70% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào;… (đến năm 2025); Trên 85% số xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân (đến năm 2030);…
Với 4 nhóm nhiệm vụ giải pháp đầu tiên tập trung vào phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên các lĩnh vực nông, lâm ngư nghiệp, công nghiệp, xây dựng và thương mại, du lịch, dịch vụ, CTMTQG đã thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số và miền núi một cách bền vững và căn cơ… Việc thực hiện tốt quyền phát triển kinh tế cho người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn tác động tích cực đến việc thực hiện các quyền văn hóa, xã hội, các quyền dân sự chính trị, bảo đảm ổn định vùng phên dậu của đất nước.
Về đảm bảo các quyền tiếp cận giáo dục cho người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi: CTMTQG đưa ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ học sinh mẫu giáo 5 tuổi đến trường trên 98%, học sinh trong độ tuổi học tiểu học trên 97%, học trung học cơ sở trên 95%, học trung học phổ thông trên 60%; người từ 15 tuổi trở lên đọc thông viết thạo tiếng phổ thông trên 90% và với nhiệm vụ phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được đưa lên đầu tiên trong các nhiệm vụ và giải pháp lĩnh vực xã hội đã thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong bảo đảm quyền được tiếp cận giáo dục cho người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Chăm sóc sức khỏe và đảm bảo tiếp cận các dịch vụ y tế, đảm bảo quyền văn hóa cho người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi là một trong những ưu tiên của Đảng và Nhà nước ta. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho người DTTS, trong đó có các chính sách bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm cho người DTTS gặp nhiều khó khăn do người DTTS thường sống tại các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa; số cán bộ, trang thiết bị và kinh phí tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn hạn chế.
CTMTQG cũng đưa ra nhiệm vụ tăng cường hợp tác quốc tế, đối ngoại quân sự, đối ngoại biên phòng, đối ngoại công an với các nước Lào, Campuchia, Trung Quốc để đấu tranh với các hoạt động ly khai, tự trị dân tộc, vượt biên trái phép; đảm bảo an ninh, trật tự tuyến biên giới; phòng chống tội phạm về ma túy, “buôn bán người”; phòng chống khủng bố...
Phù hợp với thông lệ quốc tế, CTMTQG đưa ra mục tiêu Cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra trong Mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững đến năm 2030 trong đó các mục tiêu về quyền của người DTTS được chú trọng với 15/17 mục tiêu có liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.