Việt Nam nỗ lực gỡ "thẻ vàng" thủy sản
Trong hơn 5 năm qua, Việt Nam đã quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU, thực hiện các khuyến nghị của EC. Đó là từng bước hoàn thiện khung pháp lý, trong đó có sự ra đời của Luật Thủy sản 2017; Công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên đội tàu ngày càng được tích cực đẩy mạnh, đạt tỷ lệ cao, cùng với đó là sự chuyển biến về cơ sở vật chất, truy xuất nguồn gốc thủy sản...
Trong 3 đợt kiểm tra trước đó về tình hình triển khai các khuyến nghị, khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác, EC khẳng định Việt Nam đã đi đúng hướng và có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, EC đến nay vẫn chưa gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với hải sản của Việt Nam. Nguyên nhân là do một số địa phương thiếu sự quyết liệt trong thực hiện các khuyến nghị cần thực hiện, còn để xảy ra tình trạng tàu cá xâm phạm ngư trường nước ngoài.
Việt Nam quyết tâm gỡ “thẻ vàng” trong năm 2023. (Ảnh minh họa) |
Thời gian tới, EC sẽ thực hiện kiểm tra lần thứ 4. Nhằm chuẩn bị trước và để tháo gỡ vướng mắc, ngày 13/2/2023, Chính phủ đã thông qua Quyết định số 81/QĐ-TTg ban hành “Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4”.
Cụ thể, Chính phủ Việt Nam cho rằng việc ngăn chặn, loại bỏ khai thác IUU là trách nhiệm của mỗi quốc gia có biển để bảo vệ nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái biển bền vững, ổn định sinh kế bền vững của người dân, đảm bảo quốc phòng an ninh trên các vùng biển và thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Việt Nam quyết tâm gỡ “thẻ vàng” trong năm 2023.
Mặc dù Đoàn Thanh tra Ủy ban châu Âu (EC) đã hoãn và chuyển lịch kiểm tra gỡ “thẻ vàng” của EC với thủy sản Việt Nam sang tháng 10/2023, thay vì vào cuối tháng 5/2023 như lịch thông báo trước đó, nhưng các giải pháp nhằm gỡ “thẻ vàng” vẫn phải triển khai quyết liệt, gấp rút.
Đây là thời gian phía Việt Nam cần cấp bách triển khai các giải pháp khắc phục những hạn chế còn tồn. Kinh nghiệm thành công nhất để gỡ “thẻ vàng” thuộc về Hàn Quốc (2 năm) và Philippines (1 năm). Họ đều có điểm chung là khung pháp lý mạnh mẽ, tức những quy định cao ngang mức một bộ luật, thiết lập trung tâm kiểm soát chặt chẽ, yêu cầu ứng dụng thiết bị thời gian thực.
Theo số liệu thống kê của Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến ngày 30/4/2022, cả nước có 86.820 chiếc tàu đánh bắt hải sản, trong đó, tàu có chiều dài dưới 15m là 56.799 chiếc; tàu có chiều dài trên 15m là 30.091. Hiện cả nước có hơn 4.200 tổ đội sản xuất trên biển với sự tham gia của gần 29.600 phương tiện, gần 180.000 lao động trên các vùng biển.
Để ngành thủy sản phát triển bền vững, muốn “thẻ vàng” của EC sớm được gỡ, các địa phương sẽ tiếp tục thông tin, truyền thông, tuyên truyền, tập huấn, vận động cộng đồng ngư dân ven biển và các tổ chức, cá nhân có liên quan tuân thủ các quy định pháp luật về IUU, phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan kịp thời phát hiện, tố giác, xử lý các hành vi khai thác IUU. Ngoài ra, Việt Nam cần xử lý 100% tàu vi phạm vùng biển nước ngoài. Với các tàu vi phạm quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), cũng cần xử lý 100% tàu vi phạm.
Theo các chuyên gia, một việc khác cần thực hiện là phải nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác và nâng giá trị chế biến, đầu tư cho chế biến chuyên sâu, giảm chế biến thô…
Các địa phương cũng phải kịp thời có các giải pháp chuyển đổi nghề, tạo sinh kế bền vững cho ngư dân. Muốn tạo sinh kế phải tái tạo nguồn lợi từ biển Việt Nam, quản lý tốt môi trường và khu bảo tồn biển,... Tức là không chỉ gỡ “Thẻ vàng”, mà còn phải xây dựng nghề cá bền vững, phát triển kinh tế biển xanh.
Theo thuật ngữ quốc tế, IUU (Illegal, Unrepoted and Unregulated Fishing) nghĩa là hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý. Quy định IUU được Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra để nhận diện nguồn gốc thủy sản nhập khẩu, từ đó phân loại các quốc gia xuất khẩu thủy sản vào liên minh này bằng hệ thống các thẻ màu bao gồm xanh, vàng, đỏ, và nghiêm trọng nhất là ngừng giao dịch. Và đến giờ đã có 27 quốc gia bị phạt thẻ này. Theo quy định của EU, các quốc gia bị cảnh cáo “thẻ vàng” phải tìm cách cải thiện tình hình. Nếu không làm được, họ sẽ đối mặt với lệnh cấm xuất khẩu sang thị trường EU, tức là nhận “thẻ đỏ”. Các nước có những cải cách cần thiết sẽ được xóa “thẻ vàng” để nhận “thẻ xanh”.
|
Bắc Giang: Nỗ lực triển khai công tác người Việt Nam ở nước ngoài Trong 6 tháng đầu năm 2023, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Bắc Giang đã có nhiều nỗ lực triển khai công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Đáng chú ý là hoạt động thành lập Ban Liên lạc người Bắc Giang ở nước ngoài và Hội đồng hương tỉnh Bắc Giang tại Nhật Bản... |
Xây dựng chuỗi cung ứng nông, thủy sản Việt Nam - Vân Nam (Trung Quốc) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm Trưởng đoàn ngày 31/5 đã tham dự Diễn đàn kết nối giao thương nông lâm thủy sản Việt Nam – Trung Quốc qua tỉnh Vân Nam. |