Việt Nam nằm trong số các quốc gia dẫn đầu phát triển kinh tế bền vững
Việt Nam đã thể hiện vị thế tiềm năng của mình trên trường quốc tế với tư cách là một trong những quốc gia dẫn đầu toàn cầu về phát triển kinh tế bền vững.
Ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham đưa ra đánh giá trên tại lễ ra mắt Sách trắng 2022/2023 do EuroCharm tổ chức ngày 16/2.
Lãnh đạo EuroCham đồng thời nhận định trong hai đến ba năm tới, nền kinh tế Việt Nam có triển vọng phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
37% doanh nghiệp châu Âu chia sẻ đã tăng dòng vốn FDI vào Việt Nam vào cuối năm 2022 (Ảnh minh họa, Nguồn: TTXVN). |
Doanh nghiệp nước ngoài gia tăng dòng vốn
Để hiểu rõ hơn về thị trường Việt Nam, EuroCham đã mời gần 1.300 thành viên cung cấp thông tin cập nhật hàng quý về môi trường kinh doanh và dự báo về hoạt động của họ tại Việt Nam.
Theo đó, báo cáo mới nhất của EuroCham công bố chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) của Việt Nam trong quý 4/2022 tiếp tục suy giảm 14,2 điểm so với quý 3 và 25 điểm so với quý 1.
Tuy nhiên sang đến năm 2023, 30% các doanh nghiệp đã cho biết có dự cảm tích cực về triển vọng kinh doanh trong quý đầu của năm. Ngoài ra, các doanh nghiệp này cũng kỳ vọng kế hoạch đầu tư, đơn đặt hàng và doanh thu sẽ tương đối ổn định so với quý 4/2022.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), 37% doanh nghiệp chia sẻ đã tăng dòng vốn FDI vào Việt Nam vào cuối năm 2022. Một phần tư các công ty nước ngoài cho hay đã chuyển hoạt động của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam, cụ thể 2% trong số họ đã chuyển một phần đáng kể hoạt động và 42% chuyển một lượng vốn nhỏ vào Việt Nam.
Theo ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham, các công ty nước ngoài xác định việc cắt giảm bộ máy hành chính và phát triển cơ sở hạ tầng nhiều hơn là đòn bẩy chính để Việt Nam thu hút thêm vốn FDI.
Cũng theo ông Alain Cany, tại thời điểm tháng 12/2022, đánh dấu hơn hai năm thực thi Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA), 63% doanh nghiệp tin tưởng đã có đủ hiểu biết về EVFTA.
EVFTA góp phần thúc đẩy kinh tế xanh
Ông Giorgio Aliberti, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam nhấn mạnh những bước phát triển tích cực của hoạt động thương mại và kinh tế đạt nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc mở cửa nền kinh tế, cải thiện tính minh bạch và nâng cao hiệu quả, hiệu lực của nền hành chính công. Và, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU rõ ràng đóng một vai trò không thể thiếu trong tiến trình này.
“EVFTA không đơn thuần là một hiệp định thương mại tự do mà nó có thể đưa nền kinh tế lên một tầm cao mới. Trong khi gần như 100% các dòng thuế đang được dần xóa bỏ, là mức độ tự do hóa thương mại hàng hóa sâu nhất có thể, Hiệp định cũng bao gồm cả thương mại dịch vụ và tạo điều kiện tiếp cận thị trường mạnh mẽ cho các nhà đầu tư châu Âu,” ông Giorgio Aliberti nói.
Theo ông Giorgio Aliberti, EVFTA vạch ra con đường tắt để thúc đẩy phát triển dựa trên các sáng kiến xanh có thể được theo đuổi với một vai trò tích cực của cộng đồng doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp châu Âu-những công ty đi tiên phong trong công nghệ xanh sẽ là những đối tác thích hợp nhất, cho thấy hiệu quả trong hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh này.
Phân tích sâu hơn về vấn đề này, ông Tomaso Andreatta, Chủ tịch Tiểu ban Phát triển xanh thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, chỉ ra khi nền kinh tế Việt Nam phát triển, mức độ ô nhiễm cũng tăng theo do sự phức tạp của sản phẩm của các ngành công nghiệp và sự gia tăng tiêu dùng của các gia đình giàu có.
Do đó, ông Tomaso Andreatta nhấn mạnh Chính phủ cần có hành động khẩn cấp để giải quyết những vấn đề cấp thiết về khí hậu và môi trường và hợp tác toàn cầu là điều bắt buộc.
Để thực hiện quá trình chuyển đổi xanh, Việt Nam cần có nguồn ngân sách đáng kể với sự tham gia của cả nguồn lực tư và công. Trong Báo cáo Quốc gia về Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam (CCDR), Ngân hàng Thế giới ước tính từ nay đến năm 2040, Việt Nam sẽ cần đầu tư khoảng 6% GDP mỗi năm để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Theo ông Tomaso Andreatta, lượng khí thải carbon dioxide (CO2) đã tăng gần gấp bốn lần từ năm 2000 đến năm 2015, khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có lượng phát thải khí nhà kính bình quân đầu người tăng nhanh.
Lượng khí thải ngày càng tăng khiến ô nhiễm không khí lên mức độc hại và đe dọa khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường toàn cầu đối với sản phẩm chế tạo và nông sản. Theo ước tính, Chính phủ cần đầu tư tổng cộng 700 tỷ USD để tài trợ cho hoạt động thích ứng và phục hồi vào năm 2040 cũng như cần có 10-17 tỷ USD để khử carbon cho nền kinh tế (tương đương với 6,8% GDP toàn cầu).
Ông Tomaso Andreatta cho rằng nếu không hành động ngay, tổn thất do biến đổi khí hậu có thể lên tới 15% GDP.
Đại diện Tiểu ban Phát triển xanh khuyến nghị Việt Nam cần đẩy nhanh việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường 2014, đặc biệt về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí. Các mục tiêu và quy định chính sách đưa ra cần cụ thể về kiểm soát chất lượng không khí và khí thải.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần tăng thuế đối với các nhà máy điện than, nhà máy xi măng và các nhà máy gây ô nhiễm chính khác theo tác động ước tính đến kinh tế xã hội và sức khỏe; đưa không khí sạch vào làm KPI mức cao cho các công ty năng lượng, bắt đầu từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); đầu tư vào các hệ thống lọc và các thiết bị khác để giảm ô nhiễm, bắt đầu từ các trạm phát điện; Đẩy mạnh phát triển giao thông công cộng không gây ô nhiễm môi trường không khí.
"Nhiều nhà đầu tư châu Âu chọn Việt Nam"
Trao đổi về những mục tiêu hợp tác trong tương lai, ông Thibaut Giroux, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp (CCIFV) nhấn mạnh với lợi ích của EVFTA và cả EVIPA (đang trong quá trình phê chuẩn), nhiều nhà đầu tư châu Âu đang lựa chọn Việt Nam, quốc gia có Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh, đón đầu những thay đổi cần thiết cho quá trình chuyển đổi bền vững.
“Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp đang hỗ trợ việc mở rộng này đồng thời hỗ trợ các công ty châu Âu, Pháp và Việt Nam tiến thêm một bước trong việc xây dựng các mối quan hệ kinh doanh,” ông Thibaut Giroux nói.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tây Ban Nha, ông Javier Méndez nhận định năm 2023 sẽ là một năm đầy thách thức, đặc biệt trong bối cảnh thị trường toàn cầu phải đối mặt với những trở ngại kinh tế, do sự suy giảm nhu cầu quốc tế và sự thắt chặt các điều kiện tài chính.
Tuy vậy, ông Javier Méndez đánh giá nền kinh tế Việt Nam vẫn cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ với các số liệu kinh tế hợp lý, đây là dấu hiệu tích cực trong những tháng tới so với các quốc gia khác.
“Trên cơ sở đó, Hiệp hội Doanh nghiệp Tây Ban Nha sẽ thúc đẩy kinh doanh và thương mại giữa hai nước với mục tiêu tạo điều kiện cho các công ty phát triển thương mại song phương, áp dụng hiệu quả EVFTA và lấy tính bền vững làm động lực, từ đó giảm thiểu các rào cản hành chính và cùng xây dựng các điều kiện hợp đồng công bằng cho các bên,” ông Javier Méndez chia sẻ.