Việt Nam lồng ghép giáo dục về quyền con người trong sách giáo khoa
Liên quan đến nội dung thực hiện nghĩa vụ theo các công ước và triển khai các cam kết, hợp tác quốc tế khác liên quan đến quyền con người, theo Báo cáo giữa kỳ tự nguyện của Việt Nam thực hiện các khuyến nghị chấp thuận tại cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III, cho đến nay Việt Nam đã tham gia 7/9 công ước quốc tế cơ bản về quyền con người. Việc triển khai các công ước đã đạt được những kết quả toàn diện, được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ bằng hành lang pháp lý và hệ thống chính sách đồng bộ.
Việt Nam được đánh giá cao khi đưa quyền con người vào giáo dục. Ảnh minh họa: Internet |
Với việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về việc áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể (năm 2019) và Công ước số 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức (năm 2020), tính đến nay Việt Nam đã tham gia 25 công ước quốc tế về quyền lao động của ILO, trong đó có 7/8 công ước cơ bản. Năm 2019, Việt Nam cũng đã thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi với nhiều quy định mới bảo đảm tốt hơn quyền của người lao động, tương thích với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, bao gồm các công ước của ILO và Liên hợp quốc về quyền con người mà Việt Nam là thành viên cũng như các Hiệp định CPTPP và EVFTA. Việc nghiên cứu gia nhập Công ước số 87 của ILO về Tự do hiệp hội và bảo vệ quyền tổ chức theo lộ trình đề ra tại Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 24/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện CPTPP, với mục tiêu trình gia nhập vào năm 2023.
Việt Nam đang nghiên cứu, xem xét khả năng gia nhập một số công ước quốc tế về quyền con người như Công ước về bảo vệ quyền của tất cả những người lao động di cư và các thành viên gia đình họ (CRMW), Công ước về bảo vệ tất cả mọi người khỏi bị mất tích cưỡng bức (CPED), Nghị định thư Công ước Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), Công ước số 97 của ILO về Di cư vì việc làm và Công ước số 143 về Lao động di cư trong giai đoạn 2026-2030, Công ước 1954 về quy chế người không quốc tịch, Nghị định thư về chống đưa người di cư trái phép bằng đường bộ, đường biển và đường không, bổ sung Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia…
Việt Nam đã nộp Báo cáo quốc gia lần thứ năm về việc thực thi Công ước CERD (tháng 01/2021); đã nộp Báo cáo giữa kỳ về việc thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban CAT vào tháng 10/2020 và Ủy ban Nhân quyền vào tháng 3/2021; hiện đang xây dựng Báo cáo thực hiện Công ước CEDAW lần thứ 9.
Việt Nam luôn chủ trương coi trọng việc đối thoại, hợp tác với các nước, đối tác trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Tại các diễn đàn đa phương như Đại hội đồng Liên hợp quốc, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, ASEAN, Việt Nam đã tích cực tham gia đóng góp vào quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, đề xuất các sáng kiến, hợp tác trao đổi với các nước, các cơ chế liên quan, được các nước ghi nhận, đánh giá cao. Ở cấp độ song phương, Việt Nam tiếp tục tiến hành các cuộc ddối thoại nhân quyền và trao đổi định kỳ về vấn đề nhân quyền với các đối tác quan tâm.
Việt Nam tiếp tục tăng cường trao đổi, hợp tác với Liên hợp quốc và các thủ tục đặc biệt trong các khóa họp thường kỳ của Hội đồng Nhân quyền cũng như thường xuyên có trả lời đối với các đề nghị cung cấp thông tin của các thủ tục đặc biệt. Việt Nam đã mời Báo cáo viên đặc biệt về quyền phát triển vào thăm Việt Nam từ năm 2019, tuy nhiên chuyến thăm chưa thực hiện được do điều kiện dịch bệnh.
Năm 2020, với vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN, Việt Nam đã đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) với ưu tiên thúc đẩy quyền của nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch. Cùng các nước ASEAN, Việt Nam đã dẫn dắt, triển khai Quỹ ASEAN để ứng phó dịch Covid-19; xây dựng Quy chế hoạt động của Kho dự trữ vật tư y tế khu vực; hình thành Khung chiến lược ASEAN trong tình huống khẩn cấp y tế công cộng… để bảo đảm quyền, sức khỏe cho hơn 650 triệu người dân trong khu vực.
Việt Nam đã ban hành các biện pháp triển khai Luật Đặc xá năm 2018, có hiệu lực từ ngày 01/7/2019 trong đó có các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng, thực hiện quyền và lợi ích chính đáng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Dự kiến năm 2023, Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị cán bộ quản lý trại giam khu vực châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 43, trong đó sẽ triển khai hoạt động chia sẻ kinh nghiệm về Luật Đặc xá và tái hòa nhập cộng đồng.
Các dự án, chương trình hợp tác nâng cao năng lực kỹ thuật trong lĩnh vực quyền con người tiếp tục được Việt Nam và một số nước, đối tác phát triển trao đổi, xây dựng và triển khai; trong quá trình đó, sự tham gia của các cơ quan, địa phương và các bên liên quan luôn được bảo đảm.
Lồng ghép giáo dục về quyền con người trong sách giáo khoa tiểu học
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tăng cường giáo dục về quyền con người, trong đó tích cực triển khai Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, xác định mục tiêu đến năm 2025, 100% các cơ sở giáo dục, đào tạo các cấp tổ chức giáo dục quyền con người cho người học; triển khai các hoạt động nghiên cứu về quyền con người; xây dựng các chương trình, kế hoạch nhằm tuyên truyền và phổ biến pháp luật về quyền con người tại các trung tâm nghiên cứu và cơ sở đào tạo chuyên sâu.
Giáo dục về quyền con người và Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em (CRC) đã được lồng ghép trong sách giáo khoa giáo dục tiểu học; đồng thời, môn Giáo dục công dân trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 cũng đã lồng ghép các nội dung, chủ đề về quyền con người và quyền trẻ em trong giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và pháp luật. Các kiến thức về quyền con người được gắn liền với bối cảnh sinh hoạt hàng ngày, phù hợp với nhận thức xã hội của học sinh qua từng độ tuổi.
Đối với cấp đại học và sau đại học, đặc biệt tại các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo ngành Luật như Viện Nghiên cứu quyền con người (thuộc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh), Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Luật Hà Nội (với tổng số gần 25.000 sinh viên), một số khóa đào tạo và các môn học cụ thể đã tích hợp, lồng ghép vấn đề quyền con người; khuyến khích học viên nghiên cứu, tìm hiểu và đào tạo chuyên sâu về vấn đề quyền con người. Hiện Việt Nam cũng đang xây dựng tài liệu giáo dục quyền con người cho sinh viên các cơ sở giáo dục đại học.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang tiếp tục đẩy mạnh đào tạo kiến thức về quyền con người cho các cán bộ công chức, viên chức Nhà nước và địa phương nhằm tăng cường nhận thức, năng lực và hiệu quả ở cơ sở thông qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng.