Việt Nam hương sắc: 6 món bánh "hớp hồn" các tín đồ ẩm thực
Dưới đây là 6 món bánh Việt được các du khách nước ngoài tán thưởng và thường xuyên khuyến khích bạn bè, người thân nên thử nếu chọn lựa mảnh đất hình chữ S làm điểm đến trong hành trình của mình:
1. Bánh mì
Người Pháp mang bánh mì tới nước Việt, nhưng chính người Việt mới là chủ nhân của các loại bánh mì bổ dưỡng, đầy sáng tạo và có đủ loại mùi vị khác biệt. Ở bất cứ ngõ nhỏ, phố nhỏ nào trên khắp đất nước nhiệt đới này, bạn cũng có thể thưởng thức bánh mì kẹp – một sự kết hợp đa sắc của thịt nướng, trứng chiên, phô-mai, pa-tê, xúc xích, lạp sườn, ruốc bông, thịt nguội, rau củ trộn chua ngọt, dưa chuột, rau mùi và húng tươi non, tương ớt, sốt cà chua – mayonnaise…
Lớp vỏ giòn rụm bên ngoài hòa điệu với phần ruột xốp mềm, thơm ngậy cùng lớp nhân đầy đặn, đậm đà, bùi béo... bên trong như khiến tất cả mọi giác quan cùng hòa vào làm một và đem lại cho thực khách trải nghiệm khó quên. Phải chăng vì thế mà bánh mì Việt Nam luôn có mặt trong Top 10 món ăn đường phố tuyệt nhất thế giới do nhiều tờ báo/kênh truyền thông uy tín quốc tế bình chọn?!!!
2. Bánh xèo
Một chiếc bánh xèo ngon phải giòn tan, phồng căng với nhân thịt lợn, tôm, giá đậu xanh và điểm xuyết một ít rau thơm. Đây cũng là đặc trưng phổ biến của hầu hết các món ăn Việt Nam đích thực.
Cách thưởng thức bánh xèo "đúng điệu" là cắt nó thành những lát vừa miệng, cuộn trong bánh tráng/rau diếp rồi nhúng vào nước chấm.
Tại Huế, món ăn này thường được gọi là bánh khoái và thường kèm với thịt nướng, nước chấm là nước lèo gồm tương, gan, lạc. Tại miền Nam, bánh có cho thêm trứng và người ta ăn bánh xèo chấm nước mắm chua ngọt. Tại miền Bắc, ngoài các thành phần như các nơi khác thì nhân bánh còn thêm củ đậu thái mỏng hoặc khoai môn thái sợi.
Các loại rau ăn kèm với bánh xèo rất đa dạng gồm rau diếp, cải xanh, rau diếp cá, tía tô, rau húng, lá quế, lá cơm nguội non, lá chiết (Cần Thơ), lá bằng lăng (Đồng Tháp), lá xoài non (Vĩnh Long), lá cách (Bạc Liêu)... Cầu kỳ nhất là ở các vùng miền Trung Việt Nam: ngoài rau sống, còn thêm quả vả chát, khế chua... Bởi vậy, dân sành ăn cứ thấy ngờ ngợ như món này thực sự được bắt nguồn từ Huế.
Bánh xèo Phan Thiết khác với bánh xèo ở những nơi khác ở hình dáng nhỏ chỉ bằng cái lòng chén và không cuốn với rau xà lách mà thả vào tô nước mắm.
3. Bánh cuốn
Những lớp mỏng mềm mại bột gạo mịn màng được tráng tỉ mỉ ngon một cách tinh tế, nhất là khi bạn ăn nóng. Sau khi đã được hơi nước làm chín, đầu bếp cuốn lá bánh lại với nhân thịt, mộc nhĩ và nấm hương xào chín rồi dùng thanh tre chia bánh vừa cuốn ra làm 4 khúc ngắn hơn và bày vào đĩa. Ngoài ra, còn có kiểu cuốn bánh tròn lại với độ dài bằng ngón tay giữa hay tráng bột cùng trứng thành bánh cuốn trứng.
Món này thêm phần hấp dẫn khi được bày biện với hành khô phi vàng giòn, ruốc tôm hoặc điểm xuyết bên trên vài cọng rau thơm như bạc hà, mùi..., chấm kèm nước mắm pha chua ngọt có thả ít chả quế/hành phi...
4. Bánh bèo chén
Từng chén bánh bèo nhỏ xinh làm từ bột gạo pha bột năng hấp chín, rải nhân tôm xay nhuyễn, bóng bì chiên, mỡ hành, đậu phộng rang giã nhỏ và đổ nước chấm trực tiếp lên trên.
Thanh đạm và tinh tế, món ăn vặt này có sức mê hoặc khó cưỡng với những "tâm hồn ẩm thực" coi trọng chuyện "ăn cốt để thú, không phải để no".
5. Bánh khọt
Bánh khọt thể hiện rất rõ sự biến đổi mỹ vị của bánh trái Việt Nam: các thành phần thơm ngon giống nhau nhưng sự khác biệt nằm ở kích cỡ. Từng miếng nhỏ bánh khọt có thể làm cho bạn tham lam muốn ăn nhiều thêm mặc dù vị giác thì đã dậy lên đủ mọi hương vị.
Lớp vỏ giòn làm từ bột gạo trộn nước cốt dừa, với nhân gồm tôm tươi, đậu xanh, hành lá và một ít tôm khô hoặc ruốc tôm phía trên.
6. Bánh căn
Nếu như bánh khọt là loại bột gạo "chiên" (vì có dùng dầu mỡ) thì bánh căn là loại bột gạo "nướng". Khi chế biến bánh căn, các hàng quán phải dùng khuôn đúc đặc biệt, thường làm bằng đất nung, và có nhiều lỗ tròn để đặt khuôn. Vì bánh căn nhỏ nên thường tính theo cặp chứ không theo cái, ở giữa có thể quét mỡ hành hoặc đổ trứng. Bánh căn thường ít được dọn cùng rau sống ăn lá, mà thường ăn kèm với xoài xanh bào sợi, hành tây, dưa leo băm sợi.
Nước chấm đi kèm là mắm ngon pha loãng dầm tỏi, ớt... hoặc nước cá kho (thường là cá nục), có thể bỏ thêm xíu mại, mỡ hành để tăng thêm hương vị và dinh dưỡng.
Yên Vũ