Việt Nam gửi công thư đề nghị Trung Quốc dỡ bỏ hạn chế nhập khẩu nông sản
Theo nội dung công thư, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết trước tình hình dịch Covid-19 với biến chủng Delta đang diễn biến phức tạp, hoạt động giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu tại cửa khẩu biên giới tiếp tục được đảm bảo an toàn tuyệt đối phòng chống dịch, không làm phát sinh bất cứ ca lây nhiễm nào qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ “lấy làm tiếc” khi nhận được thông tin Sở Thương mại Vân Nam thông báo tạm dừng nhập khẩu thanh long từ Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới trên địa bàn từ tháng 7/2021 do lo ngại tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam.
Đến trung tuần tháng 8, thanh long nói riêng và nhiều loại trái cây, nông sản khác của Việt Nam nói chung cơ bản không thể xuất khẩu đi Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới với tỉnh Vân Nam. Trong khi đó, hoạt động nhập khẩu rau củ, nông sản từ Vân Nam qua các địa phương biên giới Việt Nam vẫn đang diễn ra thuận lợi với trung bình khoảng 400 xe mỗi ngày.
Ảnh minh họa |
Bộ trưởng Công Thương bày tỏ “hiểu và chia sẻ” mối quan tâm về công tác phòng chống dịch bệnh của phía Trung Quốc, nhưng theo ông, chỉ cần cơ quan chức năng cửa khẩu và doanh nghiệp hai bên tiếp tục tuân thủ nghiêm quy trình thông quan hàng hóa đã được khẳng định hiệu quả trong hơn một năm qua, thì công tác phòng chống dịch bệnh sẽ được đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Công Thương Việt Nam đề nghị Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc quan tâm, chỉ đạo tỉnh Vân Nam khẩn trương dỡ bỏ biện pháp hạn chế nhập khẩu nông sản qua các cửa khẩu biên giới với Việt Nam. Đồng thời phối hợp với các địa phương biên giới Việt Nam tiếp tục thực hiện vừa phòng chống dịch, vừa duy trì ổn định lưu thông hàng hóa.
Trong Công thư gửi tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đưa ra đề nghị tương tự.
Trước đó, ngày 20/8, Bộ Công Thương đã đưa ra khuyến nghị với các doanh nghiệp chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa đi thị trường Trung Quốc sang hình thức chính ngạch.
Bộ Công Thương lưu ý trong trường hợp vì lý do khách quan nên chưa chuyển ngay sang xuất khẩu chính ngạch, đề nghị chỉ vận chuyển hàng lên biên giới khi đã có thỏa thuận với khách mua hàng (địa chỉ tiêu thụ rõ ràng).
Cụ thể, đối với nông sản, cần phối hợp với bên mua để phân loại, đóng gói, sử dụng bao bì, nhãn mác phù hợp với yêu cầu của thị trường nhập khẩu ngay tại khâu sản xuất, đáp ứng các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và mã số vùng trồng để giúp đẩy nhanh tiến độ thông quan.
Được biết, ngày 18/8, phía Trung Quốc cũng đã có thông báo yêu cầu thay đổi quy trình giao nhận hàng qua Cửa khẩu Tân Thanh với lý do để nâng cấp công tác phòng chống dịch của Trung Quốc.
Theo đó, tuyệt đối không cho lái và chủ hàng đưa xe hàng sang bên Trung Quốc và phải giao xe hàng để lái xe của họ đưa đến nơi giao hàng, sau khi hết hàng trên xe họ đánh xe không ra bãi trao trả. “Những thay đổi đáng kể này, sẽ phát sinh một số khó khăn và chi phí cho doanh nghiệp, xuất hàng chậm hơn cũng như sẽ phát sinh một số rủi ro”, đại diện Cục Xuất nhập khẩu nhận định.
Trên cơ sở đó, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị Sở Công Thương các địa phương có khuyến cáo giúp đến các doanh nghiệp để nắm bắt thông tin, chủ động trong việc vận chuyển nông sản xuất khẩu qua Cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn trong thời gian này để tránh thiệt hại cho các doanh nghiệp xuất khẩu.