Doanh nghiệp xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc cần kiểm soát chặt dịch hại từ gốc
Thông Cục Xúc tiến Thương mại Quốc tế (Bộ Thương mại Thái Lan), Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện lệnh cấm nhập khẩu nhãn từ Thái Lan do phát hiện rệp sáp trong nhãn xuất khẩu của nước nay. Hiện tại, phía Thái Lan cũng đang tìm cách trì hoãn lệnh cấm, nếu các cuộc đàm phán không thành công thì xuất khẩu nhãn của Thái Lan sẽ bị ảnh hưởng vì 70% đến 80% tổng số nhãn xuất khẩu của nước này sẽ tới Trung Quốc.
Trung Quốc cấm nhập khẩu nhãn từ Thái Lan do phát hiện nhiễm rệp sáp - Ảnh minh họa |
Nắm được động thái trên, trong buổi làm việc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) với 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mới đây, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) nhận định, hiện nay trái cây của Việt Nam được xuất khẩu đi nhiều nước nhưng thị trường chính vẫn là Trung Quốc. Thời gian gần đây, nước này siết chặt kiểm dịch hàng hóa, gây khó khăn cho xuất khẩu trái cây.
Ông Trung nhấn mạnh, các địa phương, ngành nông nghiệp, doanh nghiệp, người dân phải tuyệt đối thực hiện nghiêm các yêu cầu phía bạn đưa ra. Cần nghiêm túc thực hiện tốt việc kiểm soát các đối tượng dịch hại, loại bỏ các sinh vật gây hại ngay từ gốc. Đặc biệt là đối với nhãn, thanh long không để bị nhiễm các đối tượng dịch hại, nhất là đối với rệp sáp. Việc này nhằm duy trì hoạt động xuất khẩu trái cây của nước ta một cách thông suốt sang thị trường Trung Quốc.
Lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật lưu ý, đối với các vùng trồng đã được cấp mã số có nguy cơ cao về nhiễm dịch hại, cần chủ động tạm dừng việc xuất khẩu trái cây sang thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý vùng trồng, giám sát vùng trồng, nhất là các vùng trồng cây ăn quả đã được cấp mã số để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Về phía Cục, sẽ chỉ đạo hệ thống chuyên ngành kiểm dịch thực vật siết chặt các biện pháp kiểm dịch thực vật đối với các lô hàng trái cây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, bao gồm từ các vùng trồng tới cơ sở đóng gói, các doanh nghiệp trước khi xuất khẩu cũng như kiểm dịch tại cửa khẩu…
“Nếu chúng ta không có giải pháp, không làm cương quyết, đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thì có khả năng sẽ bị mất thị trường hoặc các lệnh cấm nhập khẩu sẽ thiệt hại nặng nề cho nông dân. Việc đàm phán mở lại thị trường là rất khó”, ông Hoàng Trung nói.
Thời gian tới, Cục đề nghị các địa phương và hệ thống ngành bảo vệ thực vật phải thường xuyên kiểm tra, giám sát vườn trồng để phát hiện rệp, đẩy mạnh áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) để quản lý rệp và các loại sinh vật gây hại trên vườn cây ăn quả xuất khẩu. Kiểm tra, kiểm dịch chặt chẽ các lô quả tươi xuất khẩu để đảm bảo đáp ứng quy định của nước nhập khẩu…
Được biết trước đó, hoạt động xuất khẩu ớt của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc từ tháng 5/2020 cũng đang gặp vướng mắc về kiểm nghiệm, kiểm dịch. Hiện trong thời gian chờ họ làm phân tích nguy cơ dịch hại, Trung Quốc đồng ý cho Việt Nam tạm thời xuất khẩu ớt trở lại sang nước này. Tuy nhiên, Việt Nam cần đáp ứng được một trong hai điều kiện. Một là ớt sẽ phải được sản xuất từ những vùng không nhiễm ruồi đục quả. Hai là phải được xử lý kiểm dịch thực vật trước khi xuất khẩu.