Việt Nam duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu sang Ấn Độ
Hàng hóa xuất, nhập khẩu qua cảng Hải Phòng. Ảnh minh họa: An Đăng/TTXVN |
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại New Delhi về thực tế tình hình trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ trong năm qua, ông Bùi Trung Thướng nhấn mạnh thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ trong năm 2023 vẫn tiếp tục duy trì bất chấp tình hình kinh tế thế giới có rất nhiều biến động, xung đột địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. Đặc biệt, xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đã lần đầu tiên đạt 8,5 tỷ USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước, trong khi tổng thương mại toàn cầu trong năm 2023 giảm khoảng 10%.
Bên cạnh đạt được những thành tích trên, ông Bùi Trung Thướng đã chỉ ra 2 yếu tố dẫn đến những khó khăn và thách thức cho thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ. Thứ nhất là yếu tố khách quan như xung đột địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa do chiến tranh. Thứ hai là yếu tố chủ quan. Gần đây, nền kinh tế Ấn Độ đã vươn mình phát triển mạnh mẽ. Ấn Độ nhận thấy tiềm năng nội địa còn rất lớn. Trước đây, Ấn Độ vốn đã không hoàn toàn mở cửa với bên ngoài và thời gian gần đây lại có xu hướng đóng hơn. Ấn Độ đã áp dụng nhiều biện pháp về rào cản thương mại hoặc phòng vệ thương mại để hạn chế những mặt hàng nhập khẩu mà họ cho là hàng giá rẻ gây ảnh hưởng hoặc có nguy cơ gây thiệt hại đến ngành sản xuất trong nước. Theo đó, cơ quan tiêu chuẩn Ấn Độ đã ban hành hơn 2.000 tiêu chuẩn mới đối với hàng nhập khẩu. Chính vì vậy, trong thời gian qua, một số hàng Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn trong việc xin cấp mới hoặc gia hạn chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng (BIS). Khó khăn tiếp theo là sự tương đồng của hàng hóa Việt Nam và Ấn Độ. Hai nước có khí hậu khá tương đồng nên chủng loại hàng nông sản thực phẩm cơ bản giống nhau. Ví dụ, Ấn Độ là nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới còn Việt Nam luôn duy trì trong Top 3 nước xuất khẩu gạo.
Để vượt qua khó khăn, thách thức, ông Bùi Trung Thướng nhấn mạnh đến 3 khía cạnh: Thứ nhất là, các cơ quan quản lý bộ ngành hai nước cần tích cực trao đổi hợp tác với nhau hơn nữa bằng cách trao đổi đoàn hoặc thăm viếng lẫn nhau để tạo sự tin cậy và tháo gỡ những khó khăn. Thứ hai là, các cộng đồng doanh nghiệp hoặc hiệp hội ngành hàng cũng cần chủ động hơn nữa trong việc tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại để tìm ra nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh hơn nữa, qua đó có nhiều điều kiện để mở rộng xuất khẩu hàng hóa. Mấu chốt thứ 3 và là cuối cùng vẫn phụ thuộc vào doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động vươn ra thị trường quốc tế. Gần đây, Chính phủ Ấn Độ đặt tham vọng trở thành siêu cường về kinh tế trong thời gian tới. Do vậy, Ấn Độ áp đặt những luật chơi. Nếu các doanh nghiệp không thay đổi, không thích ứng với những thay đổi của Ấn Độ thì rất khó có thể thâm nhập thị trường Ấn Độ.
Bên cạnh đó, ông Bùi Trung Thướng cũng đã chỉ ra những điểm sáng cho trao đổi thương mại Việt Nam - Ấn Độ. Chính phủ Ấn Độ đã có những điều chỉnh về chính sách, theo đó một số mặt hàng bị siết chặt về xuất nhập khẩu trong khi một số mặt hàng được khuyến khích sản xuất. Mới đây, tập đoàn VinFast đã lần đầu tiên công bố dự án đầu tư ở Ấn Độ có trị giá lên đến 2 tỷ USD. Trong giai đoạn 5 năm đầu tiên, VinFast sẽ đầu tư khoảng 500 triệu USD. Đây là cơ sở rất quan trọng để thúc đẩy thương mại 2 nước. Bởi vì một dự án đầu tư lớn sẽ kéo theo việc di chuyển hàng hóa, nguyên phụ liệu từ Việt Nam sang Ấn Độ. Khi những mặt hàng của Việt Nam đã có thương hiệu ở Ấn Độ và thông qua một hoặc hai điển hình thì đó là nền tảng để các doanh nghiệp Việt Nam khác vươn lên mạnh mẽ.
Thứ hai là, trong thời gian qua, việc kết nối hàng không đã giúp cho việc di chuyển hàng hóa và con người giữa 2 nước thuận tiện hơn. Sắp tới, việc các hãng hàng không tích cực mở thêm đường bay thẳng hoặc nâng cấp lên các máy bay thân rộng có dung lượng chở người, hàng hóa lớn hơn là những nhân tố rất quan trọng để thúc đẩy thương mại hàng hóa.
Thứ 3 là giữa Việt Nam và Ấn Độ đang tích cực mở cửa thị trường nông sản. Với việc kết hợp với hàng không, việc di chuyển các mặt hàng nông sản rất phù hợp. Do vậy, nếu hai nước nhanh chóng mở cửa những mặt hàng nông sản chiến lược, có thế mạnh xuất khẩu của nhau, thương mại hai nước sẽ tiếp tục giữ được đà tăng trưởng trong thời gian tới.
Theo Ngọc Thúy - Tiến Hiến (TTXVN)
https://baotintuc.vn/kinh-te/viet-nam-duy-tri-da-tang-truong-xuat-khau-sang-an-do-20240409211154237.htm
Doanh nghiệp Ấn Độ tìm hiểu cơ hội hợp tác sâu rộng với Việt Nam Ấn Độ là khách mời danh dự tại Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam lần thứ 33 (VIETNAM - EXPO 2024) do Bộ Công thương tổ chức từ ngày 3-6/4/2024 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế Hà Nội, số 91 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. |
Lực lượng Bảo vệ bờ biển Ấn Độ thăm hữu nghị Việt Nam Trong khuôn khổ chuyến thăm hữu nghị tại Việt Nam, chiều 2 và sáng 3/4 đoàn sĩ quan tàu Samudra Paheredar của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Ấn Độ do ông Sudhir Ravindran làm Trưởng đoàn đã đến dâng hoa viếng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh; chào xã giao UBND TP. Hồ Chí Minh, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3. |