Việt Nam đạt nhiều thành tựu về bảo đảm, thúc đẩy quyền con người
Các quyền dân sự, chính trị của con người được Việt Nam bảo đảm một cách chủ động trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật.
Cụ thể, Điều 24 Hiến pháp 2023 quy định: Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo và có hệ thống tín ngưỡng vô cùng phong phú. Có hơn 58.000 chức sắc, 148.000 chức việc, 29.800 cơ sở thờ tự, trên 50.000 cơ sở tín ngưỡng trong đó khoảng 3.000 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, một số loại hình tín ngưỡng và di tích được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là di sản thế giới. Cùng với quá trình đổi mới đất nước, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam đã có nhiều diễn biến mới, nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo tăng lên. Số người tin theo tín ngưỡng, tôn giáo gia tăng. Hoạt động tôn giáo được tạo điều kiện, bảo đảm theo đúng quy định pháp luật. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân ngày càng được bảo đảm tốt hơn.
Nghi thức tắm Phật. (Ảnh: KT) |
Các tổ chức tôn giáo cũng tích cực tham gia các hoạt động xã hội hóa về y tế, giáo dục và từ thiện nhân đạo, góp phần đáng kể vào công tác an sinh xã hội, giảm gánh nặng cho Nhà nước. Bên cạnh đó, hoạt động quốc tế của các tổ chức tôn giáo tại Việt Nam ngày càng được mở rộng. Hàng năm có nhiều đoàn, tổ chức, cá nhân, tôn giáo tham gia hoạt động tôn giáo ở nước ngoài. Nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế được tổ chức thành công ở Việt Nam. Nổi bật là việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2019 với trên 3.000 đại biểu chính thức tham dự, trong đó có 570 đoàn/1.650 đại biểu quốc tế đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ, 250 kiều bào từ hơn 40 quốc gia và nhiều nguyên thủ các quốc gia tham dự.
Bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền được thông tin cho mọi người dân là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam. Các quyền này đã được quy định rõ trong Hiến pháp, pháp luật; được bảo đảm ngày càng tốt hơn nhờ sự phát triển nhanh chóng, đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung của các phương tiện thông tin đại chúng.
Sự phát triển nhanh chóng, đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung của các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian qua là minh chứng sinh động về tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin ở Việt Nam. Tính đến tháng 12/2022, Việt Nam có 816 cơ quan báo chí trong đó: 230 báo, tạp chí thực hiện hai loại hình báo chí in và báo chí điện tử, 557 báo và tạp chí chỉ thực hiện loại hình in, 29 báo và tạp chí chỉ thực hiện loại hình điện tử.
Không chỉ phát thanh, truyền hình bằng tiếng Việt, các cơ quan báo chí được Nhà nước đầu tư hạ tầng, công nghệ, nhân lực để sản xuất, phát sóng các chương trình bằng tiếng các dân tộc ít người nhằm nâng cao chất lượng tiếp cận và thụ hưởng thông tin của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Đài Tiếng nói Việt Nam phủ sóng 99,5% diện tích lãnh thổ và phủ sóng qua vệ tinh tới nhiều nước trên thế giới.
Việt Nam cũng bảo đảm quyền của người bị giam giữ được đối xử nhân đạo và tôn trọng nhân phẩm; quyền tự do hội họp, lập hội, biểu tình của công dân. Các hội ở Việt Nam phát triển đa dạng với quy mô, phạm vi, tính chất hoạt động khác nhau và có nhiều đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước; thể hiện vai trò là cầu nối giữa các hội viên với cơ quan chính quyền. Qua đó phản ánh nguyện vọng của hội viên, hỗ trợ hội viên trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ giải quyết các tranh chấp thương mại, cung cấp thông tin tư vấn về sản xuất và thị trường…
Đồng thời chủ động phát huy, có nhiều sáng kiến mở rộng quan hệ với đối tác mới, công tác hội ở nước ngoài và hỗ trợ phụ nữ, thanh niên trong các giao dịch có yếu tố nước ngoài…; đưa nội dung liên quan đến hội nhập quốc tế vào nội dung giáo dục chính trị - tư tưởng, sinh hoạt đoàn, hội tạo điều kiện cho các đoàn, hội tham gia các diễn đàn, hội thảo quốc tế.
Đối với các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, Việt Nam bảo đảm quyền hưởng thụ các thành tựu phát triển kinh tế, an sinh xã hội cho người dân; quyền có việc làm và phát triển thị trường lao động; quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa; quyền của người dân tộc thiểu số...
Tháng 10/2022, Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Đây là lần thứ hai Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền. Điều này khẳng định vị thế Việt Nam không ngừng được củng cố, nâng cao trên trường quốc tế, là sự ghi nhận của thế giới đối với Việt Nam trong nỗ lực bảo đảm quyền con người. |