Việt Nam: Chỉ số phát triển con người 116/182, sử dụng rượu bia là 29/182
Đứng thứ 10 Châu Á và 29 thế giới
Theo bà Hạnh, chỉ số phát triển con người Việt Nam (HDI) đứng thứ 116/182 trên thế giới. Còn Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long thì đưa thông tin, chỉ số sử dụng rượu bia của Việt Nam đang đứng ở vị trí 29. Và, những con số trên khiến nhiều người dự hội thảo thấy giật mình đến bất ngờ vì tốc độ gia tăng đến chóng mặt của rượu, bia trong đời sống xã hội.
Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, số lượng người tử vong do sử dụng rượu bia và cấp cứu ở Bệnh viện Bạch Mai tăng đột biến. Có ngày, có hơn 30 ca cấp cứu liên quan đến ngộ độc rượu và theo các bác sỹ thì toàn ca nặng, nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh.
Ảnh minh họa
Năm 2017, sản lượng bia chạm mốc 4 tỷ lít, tăng 10,4% so với năm 2016 và bình quân mỗi người dân Việt tiêu thụ 42 lít bia/năm. Sản lượng rượu thủ công năm 2016 là 188 triệu lít trong đó sản lượng rượu thủ công sản xuất nhằm mục đích kinh doanh được cấp phép năm 2016 là 32 triệu lít. Chi phí cho tiêu thụ bia của Việt Nam khoảng 3,4 tỷ USD/năm, gần 3% số thu ngân sách của cả nước, bình quân khoảng hơn 300 USD người/năm.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thì, tình hình tiêu thụ rượu, bia tại Việt Nam đang rất báo động. “Việt Nam đứng thứ hai thuộc các nước Đông Nam Á, đứng thứ 10 châu Á và đứng thứ 29 trên toàn thế giới”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cung cấp con số.
Bà Vũ Thị Minh Hạnh đưa ra những con số rất quan ngại, giai đoạn 2003-2005, mức độ tiêu thụ số cồn trung bình 3,8 lít/năm nhưng đến 2005-2008 đã tăng gấp đôi là 6,6 lít. Trong khi đó, thế giới tăng rất chậm, chỉ từ 6,1 lên 6,2% giai đoạn 15 năm. “Dự tính của Việt Nam, vào năm 2025, Việt Nam tăng mức độ tiêu thụ số cồn khoảng 7 lít cồn/năm, nhưng thực tế, WTO cho biết, Việt Nam sẽ phải chạm mốc 8,6 lít cồn/năm. Đây là con số quá cao so với dự kiến, báo động về thực trạng sử dụng rượu, bia tại Việt Nam”, bà Hạnh nói.
Theo Bộ Y tế, trung bình nam giới trên 15 tuổi tiêu thụ 27,4 lít đồ uống có cồn/năm. Năm 2015, 80,3% nam giới cho biết có sử dụng rượu bia trong vòng 30 ngày qua. “Mức tiêu thụ đồ uống có cồn bình quân của người trên 15 tuổi chủ yếu là từ rượu bia đã tăng 75% sau năm năm, trong đó tỷ trọng tiêu thụ cồn nguyên chất từ bia gia tăng nhanh hơn nhiều so với rượu”, bà Hạnh cảnh báo.
Đặc biệt, các nhà làm luật cho rằng, xu hướng trẻ hóa tuổi sử dụng rượu, bia đang gia tăng đáng quan ngại, tăng gần 10% số trẻ vị thành niên/thành niên có sử dụng đồ uống có cồn này sau năm năm, với tỷ lệ nam chiếm 79,9% và nữ chiếm 36,5%. Tỷ lệ sử dụng rượu, bia trong độ tuổi pháp luật không cho phép khá cao, tới 47,5%.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định, bia rượu là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông (60%); gây bạo lực gia đình, mất an toàn trật tự xã hội (30%). Thứ trưởng nói “Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai chịu tác động rượu bia rất lớn đến 70%, tác động trực tiếp và gián tiếp cho 200 loại bệnh. Thiệt hại của rượu bia lớn hơn gấp nhiều lần so với giá trị kinh doanh của rượu bia mang lại”.
Nấu rượu để sử dụng cũng phải đăng ký
Dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu, bia đã được Bộ Y tế xây dựng nhiều năm qua và dự kiến trình Quốc hội vào tháng 10/2018. Dự thảo có một số nội dung quan trọng như: Nghiêm cấm khuyến mại, rượu bia trực tiếp cho người tiêu dùng; dùng rượu, bia là giải thưởng cho các cuộc thi; cung cấp rượu, bia miễn phí; Nghiêm cấm quảng cáo, giới thiệu rượu, bia từ 15 độ trở lên; Việc quảng cáo bia, rượu dưới 15 độ trên báo hình, báo nói chỉ được thực hiện từ sau 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau; hạn chế hình ảnh uống rượu, bia trong các sản phẩm điện ảnh, truyền hình. Những nội dung được cho là quan trọng trên đã được các đại biểu dự hội thảo đưa ra nhiều ý kiến thiết thực.
Dưới góc nhìn của người làm pháp chế lâu năm, TS Vũ Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế phân tích: “Bất cập nhất hiện nay là quản lý rượu thủ công. Vì thực tế, số lượng giấy phép kinh doanh bán lẻ và giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh được cấp tại các địa phương quá ít so với số lượng thực tế các cơ sở đang hoạt động, khoảng 15% đối với cơ sở sản xuất rượu thủ công và 50% đối với cơ sở bán lẻ. Vì thế, với rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh thì người sản xuất phải kê khai với chính quyền địa phương nơi sản xuất về nguyên liệu, sản lượng, phương pháp sản xuất và cam kết không bán rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh”.
Ảnh minh họa
Còn quy định về địa điểm, phương thức, thời gian không được bán rượu, bia thì sao? Nội dung này nhận được nhiều ý kiến trao đổi nhất. Bộ Y tế đưa ra ba phương án: Phương án 1 chỉ được bán từ 11-14 giờ trong ngày và 17-22 trong ngày, trừ trường hợp bán rượu, bia tại khu vực bay quốc tế và các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch. Phương án 2 là bán từ 6-22 giờ trong ngày. Phương án 3 là thời gian không được bán rượu, bia thực hiện theo lộ trình quy định của Chính phủ.
Về phòng ngừa và xử lý rượu, bia nhập lậu, giả, không bảo đảm an toàn, Bộ Y tế đang đề xuất quy định việc sử dụng chất chỉ thị màu trong cồn công nghiệp (methanol) để phòng ngừa pha chế rượu từ cồn công nghiệp. Luật cũng quy định về nồng độ cồn trong máu không vượt quá 30mg/100ml hoặc 0,15mg/lít khí thở với người tham gia giao thông khi sử dụng xe mô-tô, xe gắn máy.
Thực tế, nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước Châu Âu, việc bán rượu được quy định theo giờ và địa điểm. Không phải nơi nào cũng được bán rượu và bán mọi giờ trong ngày như ở Việt Nam. Chế tài phạt vì bán rượu vi phạm quy định rõ ràng, nặng nên người kinh doanh không dám vi phạm.
Thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phòng chống Chấn thương, Trường Đại học Y tế Công cộng cũng cho thấy, trong 5 năm (2011 - 2015), tỷ lệ sử dụng rượu bia ở nam giới (độ tuổi 24 - 64 tuổi) đã tăng từ 69,6% lên 80,3%; Ở nữ giới tăng từ 5,6% lên 11,2%. Năm 2015, trong số nam giới sử dụng rượu bia có 44,2% sử dụng rượu bia ở mức nguy hại, 47,9% điều khiển phương tiện cơ giới sau khi sử dụng rượu bia. Việt Nam trở thành quốc gia có mức tiêu thụ bia đứng đầu các nước ASEAN và xếp thứ 3 Châu Á.
Phương Hà