Việt Nam chế tạo tổ hợp pháo - tên lửa phòng không tự hành tầm thấp
Pháo phòng không tự động ZU-23-2 được Liên Xô chế tạo từ thập niên 1960, ưu điểm của vũ khí này nằm ở tốc độ bắn nhanh, khả năng xoay trở linh hoạt, ổn định khi vận hành... chính vì vậy mà nó vẫn được tin dùng trong Quân đội Nga cũng như nhiều lực lượng vũ trang khác trên thế giới.
Ngoài chức năng chính là phòng không tầm thấp, chuyên diệt các phương tiện bay trong tầm cao 2,5 km trở lại, ZU-23-2 còn có thể hạ nòng để bắn mục tiêu mặt đất trong tầm bắn hiệu quả 2 km.
Pháo phòng không ZU-23M1 của Quân đội Nga
Tuy nhiên do ra đời đã lâu cho nên vũ khí này cũng cần được hiện đại hóa, đã có nhiều biến thể nâng cấp của ZU-23-2 ra đời, trong đó xu thế nổi bật là lắp đặt hệ thống ngắm bắn mới (với thiết bị đo xa laser, kính ngắm quang học, kính ngắm vô tuyến hồng ngoại) và hệ thống điều khiển điện tử, đáng kể nhất là tích hợp thêm tên lửa phòng không vác vai.
Toàn bộ cụm tác chiến còn có thể lắp đặt trên khung gầm xe tải việt dã hoặc xe thiết giáp lội nước bánh xích, tạo ra một tổ hợp pháo - tên lửa phòng không tự hành tầm thấp rất lợi hại.
Pháo phòng không ZU-23-2 của Ba Lan trên khung gầm xe tải việt dã bánh lốp
Nhận thấy những ưu điểm của cách làm trên, các cán bộ, kỹ sư thuộc Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự đã thực hiện đề tài nghiên cứu chế tạo xe cơ sở để lắp đặt tổ hợp pháo - tên lửa phòng không tầm thấp.
Đây là đề tài có tính ứng dụng cao, dễ vận hành, nâng cao tính cơ động cho pháo, giảm tối đa sức lực của bộ đội khi triển khai và thu hồi pháo, công trình này đã tiết giảm được đáng kể ngân sách quốc phòng.
Module tác chiến pháo - tên lửa phòng không tầm thấp do Việt Nam tự nghiên cứu chế tạo. Ảnh: Truyền hình Quốc phòng Việt Nam.
Cấu hình vũ khí do Việt Nam sản xuất về cơ bản không khác biệt nhiều so với sản phẩm cùng loại của nước ngoài, tuy nhiên dễ nhận thấy là nó chưa được tích hợp thêm những thiết bị ngắm bắn điện tử tinh vi, đây là điều cần được tiếp tục nâng cấp, cải tiến trong tương lai.
Tổ hợp pháo - tên lửa phòng không tự hành ZSU-23-4M-5 do Belarus chế tạo
Ngoài ra, đề tài trên còn có thể tiếp tục phát triển dưới hình thức nghiên cứu lắp đặt tên lửa vác vai cho pháo phòng không tự hành ZSU-23-4, kết nối với hệ thống điều khiển hỏa lực của xe, nhằm tạo ra sức sống mới cho vũ khí đã có phần lạc hậu này.
Xem video: Phát huy sức trẻ ở Viện cơ giới kỹ thuật quân sự. Nguồn: Truyền hình Quốc phòng Việt Nam.
Phát huy sức trẻ ở Viện cơ giới kỹ thuật quân sự
Sao Đỏ