Viện phí ở 16 tỉnh thành tăng
Theo Bộ Y tế, bắt đầu từ ngày 12/10, 16 địa phương bao gồm: Hà Nam, Long An, Hải Dương, Phú Yên, Quảng Trị, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Bắc Ninh, Hà Nội, Bình Dương, Gia Lai,, Kom Tum, Trà Vinh, Quảng Bình, Đắk Nông, Đắk Lăk sẽ thực hiện điều chỉnh tăng viện phí.
Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, viện phí ở 16 tỉnh này sẽ tăng thêm khoảng 18% so với trước và chỉ áp dụng cho các bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), những bệnh nhân chưa có thẻ vẫn áp dụng theo mức giá cũ.
Viện phí tiếp tục tăng từ ngày 12/10 ở 16 tỉnh, thành phố. (Ảnh minh họa)
Từ tháng 3/2016 đến nay, viện phí đã điều chỉnh 2 lần đối với nhóm có thẻ BHYT. Dự kiến, từ nay đến cuối năm sẽ còn 3 đợt điều chỉnh giá với các địa phương còn lại.
Theo Bộ Y tế, việc đưa ra giá mới có tính đủ các chi phí, là thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Hơn nữa, viện phí không chỉ là giá để người dân trả cho bệnh viện, mà chính là cơ sở để bảo hiểm xã hội thay mặt người dân thanh toán cho bệnh viện, là quyền lợi của người dân được hưởng khi tham gia BHYT.
Để hạn chế ảnh hưởng của viện phí tăng đến người bệnh, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh/ thành chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn trích một phần chênh lệch thu lớn hơn chi vào Quỹ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh; đồng thời xây dựng, bổ sung quy chế hỗ trợ của Quỹ trong chi tiêu nội bộ của đơn vị để hỗ trợ những trường hợp người bệnh có chi phí điều trị lớn và không có khả năng chi trả.
Bộ Y tế đề nghị các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc chính sách viện phí này, nếu có khó khăn, vướng mắc phải báo cáo ngay bằng văn bản về Bộ để tháo gỡ, giải quyết. Riêng đối với những người bệnh đang có đợt điều trị nội trú hoặc ngoại trú, bắt đầu trước và kết thúc sau ngày thực hiện mức giá viện phí mới này (ngày 12-10) thì vẫn được áp dụng mức giá hiện đang thực hiện cho đến khi người bệnh ra viện hoặc kết thúc đợt điều trị.
Bộ Y tế sắp tăng viện phí với người không thẻ BHYT. Theo đó, việc điều chỉnh giá đối với hơn 1.900 dịch vụ y tế sẽ thực hiện theo 2 lộ trình. Cụ thể: Từ ngày 1/1/2017: Tính thêm các chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù. Từ ngày 1/7/2017: Cộng tiếp các chi phí tiền lương nhân viên y tế.
Đối với người chưa có bảo hiểm y tế, (khoảng 20%) Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn các địa phương chuyển phần ngân sách đang cấp tiền lương cho các bệnh viện hiện nay để hỗ trợ người cận nghèo tham gia. Bên cạnh đó, nâng mức hỗ trợ người làm nông nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, lâm nghiệp có mức sống trung bình để họ tham gia BHYT (hiện hỗ trợ tối thiểu 30%).
Hà Linh