Vì sao toà hoãn xét xử phúc thẩm bác sĩ Hoàng Công Lương?
Luật sư bào chữa của Hoàng Công Lương vắng mặt trong phiên phúc thẩm
Sáng nay, 13/5 Toà án Nhân dân (TAND) tỉnh Hoà Bình mở phiên xét xử phúc thẩm đối với Hoàng Công Lương (nguyên bác sĩ Bệnh viện đa khoa Hòa Bình), Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc Bệnh viện), Hoàng Đình Khiếu (nguyên Phó giám đốc Bệnh viện), Trần Văn Thắng (nguyên Trưởng phòng vật tư) và Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn).
Hoàng Công Lương trong phiên xeta xử phúc thẩm sáng nay, 13/5. |
Ngoài 5 người kháng cáo, hai phạm nhân trong vụ án là Trần Văn Sơn (nguyên cán bộ phòng vật tư) và Bùi Mạnh Quốc (giám đốc công ty Trâm Anh) cũng bị dẫn giải đến toà, dù không kháng cáo
Đại diện của 18 bệnh nhân, ông Hoàng Công Tình (trưởng khoa hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình), điều dưỡng Đinh Tiến Công... có mặt tại tòa theo triệu tập với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Khoảng 8h15, phiên toà phúc thẩm được bắt đầu.
Trong phần thủ tục, Hoàng Công Lương cho biết, ông Hoàng Văn Hướng, luật sư bào chữa cho mình nộp đơn xin hoãn phiên tòa và xin vắng mặt.
Hội đồng xét xử đã hội ý khoảng 20 phút, quyết định dời phiên xét xử phúc thẩm sang 8h ngày 12/6/2019
Bộ Y tế: Hoà Bình lúng túng khi 3 lần thay đổi tội danh của Hoàng Công Lương
Trước phiên xét xử phúc thẩm Hoàng Công Lương 3 ngày, Bộ Y tế đã có công văn gửi TAND tỉnh Hoà Bình về những điểm còn chưa phù hợp khi xác định tội danh đối với cựu bác sĩ Hoàng Công Lương.
Trong công văn này, Bộ Y tế nhấn mạnh, việc TAND tỉnh Hoà Bình xác định Hoàng Công Lương về tội “Vô ý làm chết người” không đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Nếu phiên phúc thẩm vẫn kết luận tội danh này cho Hoàng Công Lương thì sẽ tạo tiền lệ vô cùng nguy hiểm, rất xấu cho ngành y, tạo tâm lý bát an cho các nhân viên y tế trong nước.
Theo công văn này, việc Cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Hòa Bình 3 lần thay đổi tội danh của Hoàng Công Lương từ: "Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác", "Tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" cho đến "Tội Vô ý làm chết người" cho thấy cơ quan này khá lúng túng trong việc xác định tội danh do không đủ cơ sở để buộc tội.
Trước đó, vụ án 9 bệnh nhân tử vong khi chạy thận ở Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Hoà Bình đã gây nhiều tranh cãi. Vụ án kéo dài gần một năm khi phiên sơ thẩm bị hoãn hai lần và một lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.
Ngày 30/3, TAND Hoà Bình tuyên án sơ thẩm với 7 bị cáo. Lương bị phạt 42 tháng tù, Quốc 54 tháng tù do phạm tội “Vô ý làm chết người”. 5 người còn lại nhận 30-42 tháng tù cùng về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Từ khi bị khởi tố đến lúc đưa ra xét xử sơ thẩm, Hoàng Công Lương liên tục kêu oan cho rằng đã làm tròn trách nhiệm của một "bác sĩ chữa bệnh cứu người chứ không phạm tội như bị truy tố".
Bị cáo ba lần bị thay đổi tội danh, từ “Vi phạm quy định về khám chữa bệnh” sang “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và giờ là “Vô ý làm chết người”.
Tháng 5/2017, 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đột ngột có dấu hiệu bất thường.
Trong đó, 9 người lần lượt tử vong, 10 người được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai điều trị. Hơn 100 bệnh nhân đang chạy thận tại bệnh viện phải về các bệnh viện Hà Nội hoặc đến Bệnh viện Đa khoa thành phố Hòa Bình để lọc máu theo chu kỳ.
Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân khiến 8 bệnh nhân tử vong là nguồn nước cung cấp cho việc lọc thận, chạy thận nhân tạo; các thiết bị được bảo dưỡng và đưa vào hoạt động không kiểm định đúng quy trình.
Vì sao điều dưỡng Công thay đổi lời khai về bác sĩ Hoàng Công Lương? |