Vì sao Lính dù Trung Quốc bất ngờ tập trận tại căn cứ sát Triều Tiên?
Tờ PLA Daily, cơ quan ngôn luận của Quân ủy trung ương Trung Quốc, hôm 15/6 đăng tải loạt ảnh một đơn vị thuộc lực lượng Lính dù nước này tổ chức tập trận bằng trực thăng chiến đấu WZ-10.
Lực lượng này đã tổ chức bay huấn luyện và bắn đạn thật tại cơ sở không quân ở thị xã Công Chủ Lĩnh, tỉnh Cát Lâm, vùng Đông Bắc Trung Quốc.
Hồi tháng trước, chuyên mục quốc phòng của Đài phát thanh trung ương Trung Quốc (CNR) cũng đề cập đến "một lữ đoàn Lính dù tại Chiến khu miền Bắc", nhưng không nêu cụ thể hoạt động hay vị trí của nhóm này.
Các báo cáo trong nước của Trung Quốc nói rằng, cơ sở không quân Công Chủ Lĩnh từng là địa điểm đặt các máy bay Nanchang Q-5, máy bay cường kích dựa vào nền tảng của máy bay tiêm kích thế hệ thứ 2 Liên Xô MiG-19.
Hiện nay, cơ sở này được chuyển giao làm căn cứ trực thăng cho Lính dù, cho thấy Lữ đoàn lính dù thuộc Chiến khu miền Bắc của Trung Quốc nhiều khả năng đã được triển khai trong địa phận tỉnh Cát Lâm, bao gồm bố trí ngay tại Công Chủ Lĩnh.
Địa điểm trên nằm cách biên giới Trung Quốc-Triều Tiên gần 400 km, được cho là nằm trong phạm vi tác chiến của trực thăng WZ-10; và cách địa điểm Hàn Quốc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) không tới 900 km, cũng nằm trong phạm vi tác chiến của các lực lượng Lính dù.
Trang Sina cho hay, hiện nay Lính dù Trung Quốc sử dụng chủ yếu vận tải cơ cỡ lớn IL-76 có vận tốc khoảng 800 km/h, và vận tải cơ cỡ vừa như Y-8, Y-9, vận tốc khoảng 550 km/h, cho phép tiến hành nhảy dù ở Triều Tiên hoặc Hàn Quốc sau 1-2 tiếng đồng hồ nếu xuất phát từ cơ sở Công Chủ Lĩnh.
Sự hiện diện của các đơn vị Lính dù Trung Quốc ở gần bán đảo Triều Tiên được cho là để đề phòng các tình huống bất ngờ xảy ra nếu căng thẳng leo thang.
Không lâu sau khi sinh viên Mỹ Otto Warmbier được Bình Nhưỡng trả tự do qua đời hôm 19/6, không quân Mỹ đã điều động 2 máy bay ném bom chiến lược B-1B từ căn cứ quân sự tại Guam tới bán đảo.
Các máy bay B-1B xuất phát từ căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam, bay qua hải phận phía Nam của đảo Jeju, Hàn Quốc trước khi tiến vào vùng biển phía Đông bán đảo và thực hiện ném bom giả định trong 2-3 tiếng vào cuối ngày 20/6 ở phía Đông Hàn Quốc.
Để đáp trả, Triều Tiên ngày 21/6 đã thử nghiệm động cơ tên lửa được cho là một phần trong chương trình phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có khả năng bắn tới lãnh thổ Mỹ - theo lời các quan chức Mỹ.
Hải Võ