Vì sao đường ống dẫn nước Sông Đà lại hay bị vỡ ở giữa?
Các lực lượng khắc phục sự cố vỡ đường ống nước sông Đà lần thứ 11 (Ảnh: Nhật Quang/VNE)
Vừa qua, tối 22/7, đường ống dẫn nước Sông Đà đã gặp sự cố lần thứ 12. Đáng chú ý, lần gặp sự cố này chỉ cách lần vỡ ống trước đó 3 ngày (ngày 21/7).
Vì liên quan đến hàng loạt sự cố trên tuyến đường ống này, cách đây không lâu, cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với 9 cán bộ thuộc Ban quản lý dự án xây dựng đường ống nước sạch Sông Đà và các đơn vị tư vấn giám sát vì tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.
Tuy nhiên, những băn khoăn về việc liệu đường ống này có tiếp tục xảy ra sự cố trong thời gian tới không phải là không có. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn TS. Nguyễn Văn Lạng - nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ về vấn đề này.
Thưa tiến sĩ, dưới góc độ một nhà khoa học, ông có ý kiến như thế nào về việc xử lý đường ống dẫn nước Sông Đà sau khi xảy ra hàng loạt sự cố như vậy?
TS. Nguyễn Văn Lạng - nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ. Ảnh TL
- TS Nguyễn Văn Lạng: Về vấn đề này tôi đã từng nói khi đường ống này vỡ trước đó. Tôi đã nói rằng đường ống sẽ còn bị vỡ nữa. Theo tôi nguyên nhân chính của các sự cố này là việc chọn vật liệu làm đường ống là có vấn đề. Ống được sử dụng làm từ vật liệu composite có cốt là sợi thủy tinh.
Nếu mọi người để ý sẽ thấy đường ống vỡ chủ yếu ở giữa hai địa điểm Sông Đà - Hà Nội. Việc này xuất phát từ yếu tố chênh lệch độ cao giữa đầu nguồn với Hà Nội: từ 50 - 60 mét. Đây là một sự chênh lệch rất cao. Chính vì sự chênh lệch này đã dẫn đến một áp suất nén cực kỳ lớn lên đường ống.
Tôi cho rằng vật liệu sử dụng cốt sợi thuỷ tinh là không đủ khả năng để chịu đựng. Nếu ống nước bằng thép thì sẽ không có vấn đề gì cả.
Với tình trạng ống như hiện nay thì nó sẽ còn bị vỡ và sẽ bị vỡ ở giữa chứ không phải bị vỡ ở hai đầu. Tần suất vỡ sẽ cao hơn.
Xin tiến sĩ có thể giải thích rõ hơn vì sao ống dẫn nước này lại chỉ bị vỡ ở giữa?
- Tôi xin nhắc lại, độ cao giữa đầu nguồn với Hà Nội: từ 50 - 60 mét. Các đoạn đầu phía Hà Nội, nước được chia ra đến người sử dụng nên áp suất sẽ được giải toả. Ở đầu nguồn phía Sông Đà, ban đầu áp suất lên đường ống cũng không cao.
Còn đoạn ở giữa thuộc địa phận huyện Thạch Thất và Quốc Oai. Đây là những địa điểm có độ cao tương đương với Hà Nội nên có thể coi là các điểm cuối của đoạn dốc. Do đó, khi nước chảy về đến các địa điểm này thì áp suất từ nước lên đường ống sẽ lớn nhất.
Tôi nghĩ vấn đề nền chỉ là một phần. Nền có thể có ảnh hưởng nhưng nếu như sử dụng ống thép tại những vị trí có vấn đề về nền thì đường ống cũng không bị ảnh hưởng bao nhiêu. Nguyên nhân chính là do vật liệu làm ống dẫn thôi. Tôi nghĩ là cần phải giám định, đánh giá chất lượng đường ống này.
Nếu ống nước bằng thép thì sẽ không có vấn đề gì cả. Ảnh TL
Nếu cho rằng nguyên nhân dẫn đến sự cố đối với đường ống là do vật liệu làm ống thì có ý kiến cho rằng đối với mỗi đoạn ống bị vỡ thì có thể dùng ống thép để thay thế. Ông đánh giá như thế nào về ý kiến này?
- Theo tôi nghĩ thì cơ quan chức năng cũng có thể thay ống thép vào được. Tuy nhiên hiện nay, đã có một đường ống khác song song với đường ống này. Nếu như đường ống thứ 2 hoàn toàn bằng thép và đi vào sử dụng thì áp suất lên đường ống hiện nay sẽ được chia ra. Và như vậy sẽ đỡ hơn về tần suất xảy ra sự cố.
Đây là một công trình lớn có liên quan đến cuộc sống của nhiều người dân. Dưới góc độ của một người từng làm quản lý, sự việc liên quan đến đường ống này cho chúng ta những bài học gì trong công tác khảo sát, thiết kế, chọn nhà thầu, thi công các công trình tương tự?
- Tôi nghĩ rằng bắt đầu thì phải từ khâu thiết kế. Việc thiết kế phải được giao cho những cơ quan có kinh nghiệm, có trách nhiệm, có tâm, đức tốt. Thứ hai là người thẩm định những dự án kiểu như thế này phải là các hội đồng chuyên gia thẩm định độc lập có uy tín, trách nhiệm, có kinh nghiệm.
Cuối cùng là trách nhiệm của người phê duyệt cũng rất quan trọng. Chúng ta chưa bao giờ sử dụng vật liệu composite cốt sợi thuỷ tinh để làm ống dẫn nước với quy mô lớn như vậy. Theo tôi, trong việc này, yếu tố trách nhiệm cần phải đặt cao hơn yếu tố kinh nghiệm trong việc lựa chọn công nghệ, vật liệu quyết định đến chất lượng của công trình.
Xin trân trọng cảm ơn TS về cuộc phỏng vấn!
Theo Một Thế Giới