Vì sao Ấn Độ đang tạo nên cơn địa chấn ngầm trong ngành dược Mỹ?
Đối với nhiều người, nhất là các bệnh nhân, ngành dược có lẽ là một thị trường màu mỡ khi các công ty thuốc thu lời lớn từ loại sản phẩm mà khách hàng không thể không mua. Tuy nhiên, những hãng dược phẩm Mỹ, các công ty được mệnh danh là những con đỉa hút máu nạn nhân khi đã từng nâng giá thuốc vô tội vạ lại đang phải đau đầu với một cuộc chiến mới về giá và hung thủ không ai khác ngoài những đồng nghiệp Ấn Độ.
Tháng 8 vừa qua, tập đoàn dược Teva Pharmaceutical Industries đã phải cắt giảm cổ tức trong khi hãng dược Milan NV phải hạ mức lợi nhuận dự kiến. Thậm chí công ty dược nổi tiếng Ấn Độ, Sun Pharmaceutical Industries cũng đã thông báo thua lỗ trong quý I/2017, điều lần đầu tiên xảy ra trong 12 năm qua.
Nguyên nhân chính của tất cả sự việc trên là sự bùng nổ của những tập đoàn dược gia đình trị ở Ấn Độ cũng sự cạnh tranh khốc liệt về giá khi quá trình toàn cầu hóa được mở rộng, qua đó đẩy giá thuốc đi xuống.
Trong khi những hãng dược nhỏ của Ấn Độ bắt đầu trỗi dậy, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cố gắng tăng cường cạnh tranh nhằm thúc đẩy phát triển cũng như hạ giá thuốc cho người bệnh bằng cách giải phóng nhiều bằng sáng chế hơn nữa cho các công ty dược để họ có thể tự do sản xuất và kinh doanh.
Tăng trưởng doanh thu của các hãng dược lớn Mỹ đi xuống (ngày 9/2/2014 làm mốc)
Thị phần béo bở
Động thái của FDA là có cơ sở khi Ấn Độ đã trở thành nước xuất khẩu thuốc gốc, loại thuốc đã hết thời gian bảo hộ bản quyền và có giá rẻ hơn, lớn nhất thế giới với 16,4 tỷ USD doanh thu năm 2016. Trong nửa đầu năm 2017, số liệu của FDA cho thấy các hãng dược Ấn Độ đã chiếm tới 40% tổng số cấp phép bản quyền mới từ các công ty Mỹ, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước.
“Với ngày càng nhiều các công ty tham gia thị trường thuốc, sự cạnh tranh trong ngành đang dần một tăng lên. Ngành thuốc gốc hiện nay đang thực sự bị giảm giá”, Chủ tịch Pankaj Patel của hãng Cadila Healthcare nói.
Số liệu của chính phủ Ấn Độ cho thấy nước này hiện có khoảng 6.000 nhà sản xuất thuốc nhưng thị trường nội địa dường như không đáp ứng được nhu cầu khi bị kiểm soát về giá, bệnh nhân có thu nhập thấp trong khi mảng bảo hiểm không phát triển. Hệ quả là những thị trường nước ngoài như Mỹ trở nên béo bở hơn rất nhiều với các hãng dược Ấn Độ.
Với lợi thế cực lớn về chi phí sản xuất, các hãng dược Ấn Độ sẵn sàng chiết khấu hoặc chi hoa hồng đến 90% cho các nhà phân phối để giành thị phần với những tập đoàn lớn. Trước tình hình này, các công ty dược nội địa Mỹ đã buộc phải giảm giá nhưng tăng sản lượng sản xuất để đối phó với những nhà cạnh tranh mới.
Trong nửa đầu năm 2017, khoảng 32 công ty dược Ấn Độ đã nhận được giấy phép kinh doanh thuốc gốc mới ở Mỹ, tăng 100% so với cách đây 2 năm trước. Số liệu của Bernstein cũng cho thấy thị phần của 10 hãng dược hàng đầu Ấn Độ đã tăng từ 14% năm 2010 lên 24% hiện nay.
Hai hãng dược Ấn Độ hàng đầu là Aurobindo Phẩm và Cadila là những công ty được cấp phép nhiều nhất dù họ mới tiếp cận thị trường Mỹ thời gian gần đây. Tổng mức vốn hóa của 2 công ty này tương ứng đạt 6,8 tỷ USD và 8,2 tỷ USD.
Các hãng dược Ấn Độ ngày càng được cấp phép kinh doanh thuốc nhiều tại Mỹ
Thậm chí ngay cả những hãng dược nhỏ Ấn Độ giờ đây cũng đang hướng ra thị trường nước ngoài. Công ty dược Macleods Pharmaceutical không phải là hãng dược to lớn nhất ở Ấn Độ nhưng lại chủ động tiếp cận thị trường Mỹ từ năm 2012 với 12 giấy phép kinh doanh thuốc. Từ đầu năm đến nay, hãng tiếp tục nhận được 8 giấy phép bản quyền kinh doanh thuốc gốc.
Trong khi đó hãng Ajanta với tổng giá trị vốn hóa 1,6 tỷ USD và chỉ nhận được 2 giấy phép từ Mỹ năm 2014 thì đã nhận được 9 giấy phép kinh doanh thuốc gốc vào năm 2016.
Ngành dược Mỹ trước cơn bão tố
Việc các hãng dược Ấn Độ tham chiến khiến giá thuốc giảm đang tạo nên một cơn địa chấn với ngành thuốc tại Mỹ. Tăng trưởng doanh thu chậm lại đã khiến tập đoàn Mylan phải tăng cưởng mua bán, sáp nhập (M&A) những hãng dược nhỏ hơn để sở hữu quyền kinh doanh các loại thuốc mới giá rẻ.
Trong khi đó, tình hình thu nhập suy giảm trong khi các khoản nợ ngày một nhiều do M&A đã khiến hãng dược Teva buộc phải cắt giảm lao động và có nguy cơ rời bỏ một số mảng thuốc. Số liệu của hãng tin Bloomberg cho thấy thuốc gốc tại Mỹ đã giảm giá 8% trong quý II/2017 nhưng doanh số lại tăng 4%.
Trước đây, những loại thuốc đặc trị ở Mỹ thường bị đẩy giá lên mức quá cao và hứng chịu sự chỉ trích dữ dội từ công chúng cũng như các chính trị gia. Cuộc điều tra của Chính phủ cũng như cam kết hạ giá thuốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ khiến việc thu lời lớn từ tăng giá thuốc độc quyền sẽ khó xảy ra hơn.
Bởi vậy, các hãng dược đang khá quan tâm đến cuộc chiến thuốc gốc khi họ không còn nhận được những khoản lợi lớn từ các loại thuốc tự phát triển và thuốc chưa hết hạn bản quyền.
Nghiên cứu của hãng Motilal Oswal Securities cho thấy sự can thiệp giá thuốc của các hãng dược Ấn Độ để giành thị phần có thể làm suy giảm 50% doanh thu của các công ty dược Mỹ.
Thông thường, những hãng dược trong nước sẽ dùng hàng rào bảo hộ hoặc các tiêu chuẩn chất lượng để tạo thế độc quyền trên thị trường. Tuy nhiên, với sự thay đổi chính sách từ chính quyền Tổng thống Trump, một cơn địa chấn mới có thể sẽ xảy ra với ngành dược Mỹ.
BT