Vi phạm về tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo có thể chịu phạt 10-20 triệu đồng
Theo dự thảo, các hành vi vi phạm về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo sẽ chịu xử phạt hành chính với từng trường hợp như sau:
Trường hợp tổ chức lễ hội tín ngưỡng định kỳ nhưng không thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định sẽ phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Ảnh minh họa
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Tổ chức lễ hội tín ngưỡng lần đầu, lễ hội tín ngưỡng được khôi phục sau thời gian gián đoạn hoặc lễ hội tín ngưỡng định kỳ nhưng có thay đổi về quy mô, nội dung, thời gian, địa điểm mà không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Tổ chức lễ hội tín ngưỡng định kỳ, lễ hội tín ngưỡng lần đầu, lễ hội tín ngưỡng được khôi phục sau thời gian gián đoạn hoặc lễ hội tín ngưỡng định kỳ nhưng có thay đổi về quy mô, nội dung, thời gian, địa điểm mà không được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tổ chức lễ hội tín ngưỡng định kỳ, lễ hội tín ngưỡng lần đầu, lễ hội tín ngưỡng được khôi phục sau thời gian gián đoạn hoặc lễ hội tín ngưỡng định kỳ nhưng có thay đổi về quy mô, nội dung, thời gian, địa điểm gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm một trong các hành vi này, mức phạt sẽ là từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất việc phạt cảnh cáo đối với các hành vi: Kỳ thị, phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; mua chuộc người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo. Trong đó, quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Vi phạm có tổ chức; dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác ép buộc, cản trở người khác thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo nào.
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo xâm phạm hoặc lôi kéo, kích động người khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để bịa đặt, xuyên tạc dưới mọi hình thức nhằm chống lại Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bộ Nội vụ cũng đề xuất áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động tôn giáo từ 12 tháng đến 24 tháng đối với chức sắc, chức việc, nhà tu hành trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm một trong các hành vi quy định…
M.Duy