Về miền Tây thưởng thức du lịch miệt vườn
Cùng bồng bềnh Chợ nổi “từ nửa đêm về sáng”
“Chợ đã nổi từ nửa đêm về sáng/ Ta vẫn chìm từ giữa bữa hoàng hôn/ Em treo bẹo Cái Răng Ba Láng/ Ta thương hồ Vàm Xáng Cần Thơ/ Ta giang hồ nửa giấc lơ mơ/ Sóc Trăng, Cà Mau, An Giang, Đồng Tháp…”, thơ Nguyễn Kim.
Chợ nổi Cái Răng từ lâu là một trong những điểm tham quan đặc sắc nhất ở Cần Thơ, thu hút rất đông du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Thậm chí nhiều người ví von rằng, đến Cần Thơ mà chưa đi chợ nổi Cái Răng thì kể như chưa biết về đất Tây Ðô này.
Chợ nổi Cái Răng nằm cách trung tâm TP.Cần Thơ khoảng 6 km đường bộ và mất chưa đầy 30 phút nếu di chuyển bằng thuyền từ Bến Ninh Kiều. Đi bằng thuyền du khách có thể hòa mình vào cảnh đẹp hữu tình, cảm nhận được trọn vẹn hơn vẻ đẹp thơ mộng của vùng sông nước hiền hòa. Đây là một trong những điểm đến thú vị nhất của du lịch ĐBSCL.
Chợ nổi Cái Răng từng được Tạp chí Du lịch Rough Guide của Anh bình chọn là 1 trong 10 khu chợ ấn tượng nhất thế giới; được trang Web Youramazingplaces đưa vào danh sách 6 chợ nổi đẹp nhất Châu Á. Đặc biệt, ngày 10/3/2016, Chợ nổi đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Cảnh mua bán, trao đổi hàng hóa diễn ra tấp nập trên chợ nổi Cái Răng từ tờ mờ sáng.
Nét độc đáo của chợ nổi là họp từ tờ mờ sáng với hàng trăm ghe thuyền từ khắp các ngả đường rộn ràng kéo về, mang theo những hàng hóa để mua bán, trao đổi tạo nên một bức tranh đầy màu sắc…
Tiếng rao bán hàng, tiếng cười nói, tiếng máy nổ lạch cạch, tiếng sóng vỗ về, tiếng thuyền khua nhẹ tạo bầu không khí rất nhộn nhịp, tươi vui mang đậm phong vị miền Tây. Điều thú vị là trên các ghe thuyền, ở đầu mũi người ta thường dựng cây sào (hay còn gọi là cây bẹo), nếu bán sản vật gì người bán sẽ treo sản vật đó lên những cây bẹo trước mũi thuyền. Chỉ cần nhìn vào những cây bẹo đó, người mua sẽ biết chủ hàng đó bán những gì.
Mặc dù là chợ trên sông, nhưng chợ nổi Cái Răng hầu như không thiếu bất cứ mặt hàng nào. Ngoài một vài điểm khác biệt thì chợ nổi vẫn có các loại hình dịch vụ như: Cà phê, ăn uống... khá giống ở các chợ truyền thống trên đất liền. Du khách đến chợ có thể tìm ở đây các món ăn dân dã mang đậm chất Nam Bộ như: Bánh tét, bánh cam, bánh ít, bánh canh, đậu hủ, các món bún riêu, bún mắm... với giá cả hết sức bình dân, hương vị rất đậm chất miền Tây.
Người dân sống lâu năm ở đây cho biết, chợ nổi thuở xưa được hình thành là vì đường bộ và phương tiện lưu thông đường bộ chưa phát triển, trong khi đó người dân đều có nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa nên người ta mang hàng hóa bằng các phương tiện như xuồng, ghe… và tụ tập trên một bến sông lớn để trao đổi, mua bán. Dần dần, điều đó làm nên một loại hình giao thương đặc trưng và không thể thiếu của người dân sông nước.
Ngày nay, dù mạng lưới giao thông đường bộ đã phát triển rộng khắp nhưng chợ nổi vẫn tồn tại và phát triển ngày một sầm uất hơn như một cách giữ gìn và phát huy một nét văn hóa đậm bản sắc Nam Bộ.
Đã qua bao năm tháng nhưng chợ nổi Cái Răng vẫn còn giữ nguyên được những nét đặc trưng vốn có của nó. Chính vì thế, khu chợ này đã trở thành điểm đến thú vị cho những ai yêu thích sự khám phá, mới lạ, muốn một lần được tìm hiểu về văn hóa miền sông nước Nam Bộ.
Đến hóa thân “một ngày làm điền chủ”!
Bên cạnh du lịch Chợ nổi Cái Răng, khi đến Tây Đô, du khách còn có thể tham gia trải nghiệm các tour du lịch đặc sắc “Bữa cơm điền chủ”, “Một ngày làm điền chủ”, “Đại gia đình điền chủ” tại Khu Du lịch Mỹ Khánh (huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ). Khi tham gia tour “Đại gia đình điền chủ” (2 ngày, 1 đêm), tại đây du khách sẽ được “hóa thân” là “điền chủ”, được tái hiện lại khung cảnh sinh hoạt “Đại điền chủ” miền Tây vào thập niên 30 của thế kỷ trước.
Vừa đến cổng chào du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên vì một nhóm “tá điền”, thầy cai Nam Bộ xưa cầm dù, lộng ra đón chào “gia đình điền chủ”. Ngay sau đó du khách được đưa đến nhà cổ Nam Bộ nghỉ ngơi và tận hưởng cảm giác nhẹ nhàng, mát mẻ và sang trọng trong trang phục truyền thống của gia đình đại điền chủ với áo dài, áo bà ba, quần lụa, guốc, gậy, mấn…
Sau khi nghỉ ngơi thoải mái, trong trang phục truyền thống gia đình “đại điền chủ” tham quan làng bằng xe ngựa: “Cai tổng” và “tá điền” che dù đưa gia đình thăm điền (đất làng); ghé tham quan làng nghề truyền thống để thưởng thức món rượu đế, bánh tráng mới ra lò còn nóng hổi đậm chất miền Tây; xem đua heo, đua chó địa hình, xem xiếc khỉ nghệ thuật, câu cá sấu giải trí và chèo thuyền hóng mát trên ao hồ Làng du lịch Mỹ Khánh. Sau đó, trở về nhà cổ Nam Bộ, được “tá điền” đứng hầu bàn và quạt để gia đình điền chủ thưởng thức bánh ngọt, bánh tét, bánh ích, uống trà nóng và nghe đờn ca tài tử Nam Bộ…
Tái hiện “bữa cơm điền chủ” tại Khu du lịch Mỹ Khánh, huyện Phong Điền.
Chiều tối, “gia đình điền chủ” sẽ được thưởng thức “bữa cơm điền chủ” trên du thuyền, với các món ngon truyền thống của Nam Bộ (năm 1930 - 1945). Du khách vừa dùng cơm thưởng thức những món ăn dân dã: Các loại bánh, trái cây, chè đậu.... vừa du ngoạn trên sông ngắm nhìn quang cảnh sông nước Cần Thơ về đêm, thơ mộng, hữu tình. Ngày hôm sau “gia đình điền chủ” tiếp tục thưởng thức những món ngon như: Xôi đậu xanh dừa mè, cháo gà hoặc cháo cá….
Có thể nói, đây là tour du lịch đặc sắc, bởi du khách không chỉ được “hóa thân” vào các “điền chủ miền Tây” xưa mà qua đó còn được biết thêm về lịch sử, văn hóa, ẩm thực và phong tục tập quán trước đây của người Nam Bộ.
Hay hòa mình vào du lịch đượm chất “tình làng nghĩa xóm”
Nằm giữa dòng sông Hậu mênh mông, hiền hòa, được phù sa bồi đắp, Cồn Sơn trù phú với những vườn cây trĩu quả, những con người chân chất, thật thà nên nơi đây vẫn giữ được vẻ đẹp giản dị, thanh bình đậm chất miền Tây sông nước.
Hiện, Cồn Sơn có khoảng 19 hộ dân làm vườn kết hợp tham gia làm du lịch. Mỗi nhà một vẻ, một nét khác biệt nhưng vẫn giữ được chất miệt vườn, đôn hậu của người Nam Bộ, mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm đẹp.
Ở Cồn Sơn, người dân làm du lịch theo kiểu “tình làng nghĩa xóm”, cùng nhau gìn giữ nếp sinh hoạt truyền thống, bản sắc văn hóa, cùng hỗ trợ nhau cải thiện kinh tế, làm phong phú tinh thần.
Tại đây, người dân có gì cung đó, hợp tác làm nên tour trải nghiệm đa dạng, từ tham quan bè cá, nhà vườn, cá lóc bay, đồng sen, làm bánh dân gian, làm nông dân đến ẩm thực “cây nhà lá vườn”, thưởng thức Đờn ca tài tử.
Cái hay của du lịch nơi đây là phát huy điểm mạnh của từng hộ dân, tạo ra nguồn thu nhập khá tốt cho người dân. Tùy sở thích, du khách có thể lựa chọn bất kỳ dịch vụ nào, nên người dân chú trọng đầu tư và ngày càng hoàn thiện hơn sản phẩm của mình.
Du khách tham quan mô hình “cá lóc bay” tại điểm du lịch Cồn Sơn.
Sức hút của du lịch cộng đồng Cồn Sơn còn chính ở sự chân chất, thân tình. Chỉ mất một buổi để trải nghiệm khi đến đây, du khách sẽ được thưởng thức nhiều món ăn ngon như: Cá tai tượng quấn lá sen, gà hấp rau răm, gà nướng muối ớt, lục bình xào tép, gỏi ốc, các loại bánh dân gian… do chính người địa phương làm để phục vụ.
Bên cạnh đó, người tham quan sẽ được mua, hái tại chỗ những loại trái cây ngon với giá gốc. Thêm vào đó là cách cư xử chân chất, mộc mạc, thân thiện của người dân nơi đây lại càng làm cho du khách quyến luyến. Chính vì thế mà mô hình du lịch cộng đồng nơi đây, thời gian qua tạo sức thu hút đặc biệt đối với du khách gần xa khi muốn trải nghiệm nét sinh hoạt đậm đà bản sắc Nam Bộ.
“Trình làng” thêm 10 điểm đến du lịch trong năm 2018
Theo UBND TP.Cần Thơ, trong năm 2018 TP có 10 điểm du lịch mới hoạt động phục vụ khách du lịch, bao gồm: Khu Du lịch nghỉ dưỡng Làng Sen; Làng Du lịch Ông Đề; Vườn Du lịch kênh Vĩnh Thống; Homestay Làng Xanh chi nhánh 2; Homestay Nhà Gỗ; Resort - khách sạn Azerai Cần Thơ; Vườn Sinh thái Tám Hiếu; Homestay Trường Long; Vườn Chim miền Tây và Khu Du lịch Lung Tràm, nâng tổng số điểm vườn du lịch trên địa bàn TP lên 33 điểm vườn du lịch (trong đó có 10 điểm vườn có lưu trú), 19 homestay và 1 địa điểm du lịch cộng đồng tại Cồn Sơn.
Du lịch sinh thái tiếp tục được TP chú trọng phát triển, nhằm phát huy nguồn tài nguyên cảnh quan tự nhiên, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Cũng theo UBND TP.Cần Thơ, để thực hiện phát triển khu vực kinh tế xanh, hiện nay TP đang thí điểm mô hình nông nghiệp đô thị gắn với du lịch tại phường Long Tuyền, quận Bình Thủy giai đoạn 2018 - 2020 và tại các điểm Rau sạch Minh Hòa, Nông trại Cần Thơ (CanTho Farm).
Đồng thời, thành phố quan tâm hướng dẫn các cơ sở lưu trú du lịch, điểm vườn du lịch sử dụng trang thiết bị, phương tiện thân thiện với môi trường, giảm lượng phát thải khí nhà kính. Cụ thể thành phố đã thí điểm mô hình xe điện phục vụ khách du lịch tham quan trên địa bàn tạo điểm nhấn cho du lịch xanh - sạch - đẹp. Trong khi đó, tại các khách sạn lớn áp dụng tiêu chí nhãn du lịch Bông sen xanh (sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường)…
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ, chiến lược cho du lịch thời gian tới được tập trung vào xây dựng các khu du lịch trọng điểm; ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các khu du lịch sinh thái, khu đô thị sinh thái đặc trưng của vùng, của TP; xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù hấp dẫn du khách.
Hà Vy