Văn hóa, nhạc cụ, múa rối nước Việt Nam thu hút người dân Italia
Việt Nam tham dự Lễ hội Phương Đông tại Tuscany, Italia. Ảnh: Tam Lee |
Lễ hội Phương Đông là sự kiện quảng bá văn hoá, đồ thủ công mỹ nghệ, ẩm thực có uy tín tại Italia. Mỗi năm, Lễ hội được tổ chức tại các thành phố như Roma, Napoli, Milan... thu hút 150-170 ngàn khách thăm quan.
Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Italia tổ chức, góp phần thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị giữa Việt Nam và Italia đồng thời quảng bá tiềm năng văn hóa, du lịch, xúc tiến thương mại, tạo dựng hình ảnh tốt đẹp về Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.
Với sự hỗ trợ của Ban tổ chức và cộng đồng người Việt tại vùng Tuscany, Trung tâm Triển lãm Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam đã mang tới Lễ hội một Không gian văn hoá Việt Nam rực rỡ với sắc hoa đào, hoa mai, hoa cúc bên khung cảnh làng quê Việt Nam. Đất nước Việt Nam tươi đẹp, năng động, hiện đại cũng được thể hiện qua các bức ảnh về phố cổ Hội An, chợ nổi, Đại nội Huế, Văn Miếu Quốc Tử Giám...
Một số loại hình nhạc cụ đặc sắc, thời trang thổ cẩm, áo dài, nhiều sách báo, tạp chí, tranh ảnh quảng bá về du lịch Việt Nam, trong đó có du lịch biển, được trưng bày đã đem đến cho người xem cảm nhận sâu sắc về đất nước Việt Nam đang phát triển song vẫn giữ được bản sắc dân tộc rất riêng của mình.
Lễ hội Phương Đông với sự tham dự của nhiều quốc gia châu Á như Việt Nam, Nhật Bản, Lào, Thái Lan, Mông Cổ, Trung Quốc, Ấn Độ... Ảnh: Tam Lee |
Phát biểu tại lễ khai mạc, Đại sứ Việt Nam tại Italia Nguyễn Thị Bích Huệ khẳng định quan hệ Việt Nam - Italia ngày càng được củng cố bền chặt nhờ sự trao đổi văn hoá, giao lưu nhân dân sôi động giữa hai bên. Thông qua Lễ hội lần này, Việt Nam mong muốn mang đến cho các bạn Italia và bạn bè quốc tế hình ảnh một Việt Nam không chỉ anh hùng trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc mà còn năng động, hội nhập quốc tế sâu rộng mà vẫn gìn giữ bản sắc dân tộc và truyền thống văn hoá.
Ông Marteo Martinelli, Phó Thị trưởng thành phố Carara cũng ca ngợi đất nước Việt Nam xinh đẹp; nhấn mạnh Lễ hội lần này là minh chứng cho sự hợp tác văn hoá, giao lưu nhân dân sôi động giữa hai nước. Đồng thời bày tỏ hy vọng trong thời gian tới sẽ được chứng kiến nhiều hoạt động giao lưu, hợp tác hơn giữa hai nước.
Là khách mời danh dự của Lễ hội năm nay, Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Italia giới thiệu, quảng bá văn hoá Việt Nam tới người dân Italia cũng như bạn bè quốc tế. Ảnh: Cục Hợp tác quốc tế Bộ VHTTDL |
Ngoài ra, thông qua triển lãm “Trang phục các dân tộc và Thủ công mỹ nghệ Việt Nam”, bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về các giá trị văn hóa Việt Nam được tạo dựng qua chiều dài lịch sử dân tộc qua các sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, tiêu biểu của cộng đồng 54 dân tộc anh em.
Triển lãm cũng giới thiệu với bạn bè quốc tế về quá trình bảo tồn, giữ gìn và phát triển những sản phẩm văn hóa truyền thống của Việt Nam trong quá trình hội nhập.
Triển lãm chia thành 3 phần với phần một về trang phục, tơ lụa và thổ cẩm các dân tộc, giới thiệu bộ sưu tập trang phục thổ cẩm của một số dân tộc tiêu biểu đại diện cho các vùng, miền cùng bộ sưu tập búp bê trong trang phục thổ cẩm của các dân tộc Việt Nam và các mẫu hoa văn thổ cẩm, tơ, lụa, gấm, đũi, sa tanh với các kiểu dáng, màu sắc phong phú như khăn, túi, ví).
Phần hai về sơn mài, trưng bày 30-40 hiện vật sơn mài của một số họa sỹ nổi tiếng và các nghệ nhân của làng nghề sơn mài Hạ Thái như: tranh sơn mài, hộp trang sức, vòng tay, khay sơn mài, bình và lọ hoa, các sản phẩm được trang trí đa dạng từ màu sơn, vẽ họa tiết, đắp nổi, khắc nét, gắn vỏ trai, vỏ trứng…thể hiện vẻ đẹp phong phú, tinh xảo của nghệ thuật sơn mài Việt Nam.
Và phần ba về mây tre đan, trưng bày khoảng 30-40 sản phẩm mây tre đan đặc sắc của các nghệ nhân làng nghề, sản phẩm vừa mang tính nghệ thuật, vừa mang tính ứng dụng trong cuộc sống như: đèn tre, giỏ tre, mành, bình, đĩa, bàn ghế tre…
Đất nước Việt Nam tươi đẹp, năng động, hiện đại cũng được thể hiện qua các bức ảnh khổ lớn, bao quanh Không gian Việt. Ảnh: Cục Hợp tác quốc tế Bộ VHTTDL |
Đoàn Nghệ thuật của Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam đã mang đến Lễ hội các chương trình nghệ thuật đặc sắc bao gồm múa rối nước, múa dân tộc, trình diễn áo dài, hoà tấu đàn bầu, sáo trúc, đàn t’rưng...
Chương trình thu hút đông đảo người xem và được đón chào nồng nhiệt. Tại khu sân khấu lớn gần 200 chỗ ngồi, nơi đoàn nghệ thuật Việt Nam biểu diễn 4 lần/ngày, khán giả đã đứng chờ đến giờ được thưởng thức các tiết mục biểu diễn đặc sắc và độc đáo của Việt Nam.
Múa rối nước đặc biệt thu hút các bạn nhỏ. Ảnh: Cục Hợp tác quốc tế Bộ VHTTDL |
Ông Marteo Martinelli, Phó Thị trưởng thành phố Carara chụp ảnh lưu niệm với các nghệ sỹ Việt Nam. Ảnh: Cục Hợp tác quốc tế Bộ VHTTDL |