Ước mong của giáo viên vùng khó trên hành trình dạy chữ
Giáo viên trường Tiểu học xã Đăk Hà đi vận động học sinh ra lớp. |
Tai nạn rình rập
Gần một năm kể từ ngày gặp nạn trên đường đi khai giảng, cô Y Hồng (giáo viên trường Tiểu học xã Đăk Tờ Kan, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) vẫn còn hãi hùng khi nhớ lại.
Tu Mơ Rông là một trong những huyện vùng cao của tỉnh Kon Tum. Nơi đây nằm cách trung tâm tỉnh lỵ khoảng 70km về phía Bắc theo Quốc lộ 14 và Quốc lộ 40B. Huyện có địa hình phức tạp, bị chia cắt nhiều bởi các sông suối, độ dốc cao. Cũng bởi địa hình phức tạp nên việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn. |
Khi đó, hơn 6 giờ sáng ngày 5/9/2022, cô Y Hồng chạy từ nhà ở huyện Đăk Tô vào trường Tiểu học xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông để dự lễ khai giảng năm học mới. Khi đến đoạn mỏ đá xã Ngọc Tụ (huyện Đăk Tô) thì va chạm với xe ô tô đi ngược chiều. Do vết thương quá nặng nên cô Hồng được đưa xuống Bệnh viện 211 (TP Pleiku, Gia Lai) cấp cứu và điều trị. Vụ tai nạn khiến cô Y Hồng bị gãy xương đùi, xương hông, bể xương trán…
“Trước kia, khi còn giảng dạy ở trường cũ, mỗi ngày mình phải vượt chặng đường hàng chục km qua đèo Văn Rơi với một bên là núi, phía kia là vực. Sau vụ tai nạn, mình chuyển vào trường Tiểu học xã Đăk Tờ Kan giảng dạy. Tuy đường sá thuận lợi hơn, không phải di chuyển qua đèo nên cũng bớt lo lắng phần nào. Thế nhưng, nỗi ám ảnh sau vụ tai nạn khiến mình chẳng dám chạy xe máy, đành đi nhờ đồng nghiệp. Hiện nay vết thương đã bình phục, nhưng những hôm trái gió, trở trời thì vẫn đau nhức’, cô Y Hồng bộc bạch.
Vụ tai nạn khiến cô Y Hồng bị thương nặng, giờ đây khi nhớ lại cô giáo vẫn chưa hết hoảng sợ. |
Cô Y Hồng chẳng mong ước gì cho bản thân, chỉ hy vọng sẽ có nhiều hơn chính sách quan tâm, hỗ trợ cho giáo viên cắm bản, giảng dạy ở vùng khó khăn. Đặc biệt, cô ước mong những con đường gập ghềnh sỏi đá, hay đoạn núi đồi hiểm trở… sẽ được sửa chữa lại để giáo viên yên tâm giảng dạy.
Cũng trên chặng đường trở lại trường, thầy Trần An Ninh, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học - THCS xã Mường Hoong (huyện Đăk Glei, Kon Tum) gặp tai nạn, khiến con mắt phải chẳng thể nhìn thấy.
Ngược dòng thời gian, thầy Ninh nhớ, năm 2005, sau khi tốt nghiệp Đại học Đà Nẵng thầy được một người bạn tại Kon Tum rủ lên huyện Đăk Glei công tác. Lúc bấy giờ, thầy Ninh bắt xe khách từ Đà Nẵng lên Kon Tum. Sau đó, lại tiếp tục vượt hơn 120km từ trung tâm TP Kon Tum lên huyện Đăk Glei.
Dù chặng đường chỉ hơn 100 cây số nhưng thầy đi từ sáng sớm đến tối mịt mới tới nơi. Nhận nhiệm vụ giảng dạy tại xã biên giới Đăk Man, muốn vào các điểm trường làng thầy Ninh phải lội bộ hàng chục cây số. Bởi ngày mưa đường sình lầy, những con dốc cao cứ trơn tuột.
Giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học - THCS xã Mường Hoong trên hành trình dạy chữ cho học trò mỗi khi mưa, bão gây sạt lở. |
Sau 8 năm công tác tại xã biên giới Đăk Man, thầy Ninh được chuyển về Trường PTDTBT Tiểu học - THCS xã Mường Hoong. Năm 2006 trong một lần trên đường trở về trường bất ngờ thầy bị ngã xe. Vụ tai nạn đã cướp đi con mắt phải của thầy. Sau biến cố, thầy Ninh suy sụp, sống thu mình lại. Những ngày cuối tuần, khi giáo viên trong trường về thăm gia đình thầy lại tìm đến các thôn làng xa xôi để trò chuyện, tâm sự cùng phụ huynh, học sinh.
Mong con đường được sửa chữa
Cây cầu bị bão lũ cuốn trôi vào năm 2021, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học - THCS xã Mường Hoong túc trực bế học sinh qua suối. |
Gắn bó với điểm trường Đăk Púk - Trường PTDT bán trú Tiểu học Đăk Nên (xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) đã mấy năm. Thế nhưng, cô Hồ Thị Thu Hà, giáo viên lớp chẳng thể quên những ngày đầu dạy chữ.
Nhà ở thành phố Kon Tum, cách điểm trường đang giảng dạy hơn 120km nên đến cuối tuần cô Hà mới về thăm gia đình. Cô Hà bảo rằng, những ngày đầu mới về, do chưa quen đường sá nên có khi cô chạy xe máy cả ngày mới đến nơi. Ngày nắng chặng đường đi thuận lợi hơn, bởi chỉ có bụi, nhưng ngày mưa thì con đường trơn trượt, lầy lội.
“Đường vào trường có những đoạn xuyên rừng, chỉ lác đác vài nóc nhà và ít người qua lại nên mình khá lo lắng. Đường xấu, nhiều ổ gà, ổ voi nên phải chú ý nếu không sẽ dễ dàng bị té ngã. Trên hành trình dạy chữ cho học trò, không ít lần mình gặp nạn, nhưng may mắn chỉ là những vết thương ngoài da”, cô Hà tâm sự.
Ở huyện Kon Plông mùa mưa kéo dài suốt 4 tháng. Con đường độc đạo dẫn ra trung tâm huyện thường xuyên bị sạt lở. Có thời điểm cô mắc kẹt lại trường đến cả tháng trời chẳng thể về nhà. Thương giáo viên cắm bản, người dân quanh vùng khi thì cho mớ rau, lúc thì gửi con cá suối để cô cải thiện bữa ăn.
“Khi mới đặt chân về trường giảng dạy mình buồn và khóc nhiều lắm. Bởi đường sá đi lại rất khó khăn, chỉ toàn là đồi núi heo hút. Thế nhưng trải qua một thời gian gắn bó với học trò mình thấy yêu nơi này và các em nhiều hơn. Nơi này là một kỉ niệm thời tuổi trẻ của mình, có lẽ sau này cũng mãi không quên. Tuy nhiên, mình mong ước con đường di chuyển hàng ngày của thầy, cô sẽ được sửa chữa, để giáo viên thuận lợi hơn khi mang tri thức đến học trò”, cô Hà bộc bạch. |
Jenny Nguyen hỗ trợ tân sinh viên vững bước trên hành trình du học Jenny Nguyen cho biết: “Con đường mà các tân sinh viên quốc tế đang đi là con đường tôi đã đi qua. Tôi muốn sử dụng kinh nghiệm của bản thân để giúp người khác thành công và chia sẻ câu chuyện của mình để truyền cảm hứng cho họ. Mọi người đều có thể thành công nếu họ cố gắng hết sức”. |
Đảm bảo cấp nước sinh hoạt ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển trên địa bàn tỉnh Phú Yên UBND tỉnh Phú Yên vừa qua đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan triển khai các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có giải pháp đảm bảo cấp nước sinh hoạt tới từng hộ, thôn, bản, xã ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển, vùng thường xuyên bị thiếu nước. |