Ứng viên PCT VFF Lương Hoàng Hưng: Cần công khai, minh bạch khâu bán vé và các nguồn thu từ nhà tài trợ
Chương trình: “Bàn luận về vấn đề truyền thông của VFF và giải pháp quản trị khủng hoảng” đã được diễn ra tại Hội Nhà báo thành phố Hồ Chí Minh.
Chương trình do nhà báo Lương Hoàng Hưng (Tổng biên tập Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo) - ứng cử viên vị trí Phó Chủ tịch phụ trách Truyền thông và Đối ngoại VFF và các diễn giả: ông Lê Hải Bình, Chủ tịch công ty Mắt Bão; ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng đại diện Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM; Luật sư Phan Vũ Tuấn, giám đốc Công ty luật Phanlaw cùng trao đổi.
Rất nhiều vấn đề đã được đưa ra bàn luận, như: Ứng dụng công nghệ trong quản lý để tăng tính minh bạch, hiệu quả, phát huy được các giá trị vô hình từ tài sản trí tuệ trong bóng đá; Định hướng và chiến lược cụ thể, rõ ràng cho từng giai đoạn, chủ động cung cấp thông tin trung thực và hiệu quả đến công chúng và người hâm mộ; Xây dựng tính đoàn kết trong nội bộ VFF.
Ứng viên PCT VFF Lương Hoàng Hưng: Cần công khai, minh bạch khâu bán vé và các nguồn thu từ nhà tài trợ.
Trong chương trình, giải pháp cụ thể mà ông Hưng đưa ra là cần tập trung nâng cấp website của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam thành một cổng thông tin thật sự với công nghệ 4.0 có cả ứng dụng (App) cho điện thoại di động. Đồng thời, bên cạnh ngôn ngữ tiếng Việt, website của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cần phải được truyền tải bằng những ngôn ngữ quan trọng khác (đặc biệt là tiếng Anh), nhằm giới thiệu hình ảnh bóng đá Việt Nam ra thế giới.
Ông Lương Hoàng Hưng cũng cho biết nếu trúng cử sẽ cải thiện nội dung và khâu trình bày trang web chính thức của Liên đoàn bóng đá Việt Nam, đưa website của VFF lên top 200 Việt Nam, xác minh tài khoản facebook của VFF và đưa kênh VFF Channel trên Youtube đạt từ 2 triệu lượt theo dõi trở lên.
Không chỉ là đẩy mạnh truyền thông, ông Hưng còn đưa ra giải pháp ứng dụng công nghệ blockchain vào quản lý để giảm tiêu cực, tăng tính minh bạch và tối đa hóa hiệu quả quản lý cho các hoạt động của VFF.
Nhằm giảm tiêu cực về nạn “vé chợ đen” và giải quyết trường hợp “kẹt mạng” trong trường hợp VFF tổ chức bán vé online, công nghệ blockchain sẽ có đủ mọi thông số như: tổng số vé sẽ được bán ra cho người hâm mộ, số vé bán được, số vé tồn, và có thể cho hiển thị một phần thông tin của khách hàng đã mua được vé. Hoạt động bán vé điện tử sẽ tạo thuận lợi và niềm tin cho người hâm mộ. Do vậy, sẽ góp phần đưa bóng đá Việt Nam hấp dẫn khán giả nhiều hơn.
Vé bán online, chúng ta có thể bán vé từng mùa, từng trận đấu, bán vé trước theo quý hoặc cả năm. Những người mua trước có thể sẽ nhận được ưu đãi về giá vé.
Đặc biệt, công tác thu hút tài trợ cần được cải cách để minh bạch tất cả các nguồn thu từ nhà tài trợ, người hâm mộ, đảm bảo số tiền được sử dụng một cách tốt nhất.
Trả lời câu hỏi về giải quyết sự cố truyền thông xảy ra ở VFF (nếu có), ông Hưng cho rằng, cần tiến hành 8 bước để quản trị khủng hoảng truyền thông, gồm: Phân tích sự cố; Xác định phạm vi và vấn đề khủng hoảng; Xác định những ảnh hưởng của việc xử lý thông tin đối với VFF; Kiểm tra phản ứng của dư luận; Xác định nguồn lực và truyền tải thông điệp truyền tải để phân phối thông tin; Chọn lựa các kênh phân phối thông tin chính; Phân công bộ phận hoặc cá nhân tiếp nhận và trả lời các phản hồi; Rút kinh nghiệm.
Theo sohuutritue.net.vn