Ðưa âm nhạc cổ điển Việt Nam đến gần công chúng
Dàn nhạc giao hưởng Maius Philharmonic biểu diễn tại Hà Nội.
Làm mới âm nhạc cổ điển
Nếu tham quan tuyến phố đi bộ Hà Nội vào những ngày cuối tuần, những người yêu nhạc sẽ gặp các nghệ sĩ của Dàn nhạc giao hưởng trẻ Maius Philharmonic biểu diễn trên đường phố. Mặc dù mới chính thức tổ chức lễ ra mắt tháng 6 vừa qua, song trước đó, giới âm nhạc đã biết nhiều về dàn nhạc. Cộng đồng mạng có lẽ cũng vẫn ấn tượng với MV bài Tiến quân ca được dàn nhạc chơi theo phong cách giao hưởng, chuyển soạn bởi nhạc trưởng thế hệ 8X Lưu Quang Minh, mà mỗi khi kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước, MV lại được chia sẻ liên tục trên mạng xã hội như cách những người trẻ thể hiện tình yêu, niềm tự hào dân tộc.
Các thành viên của Maius Philharmonic được đào tạo chuyên nghiệp từ Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Ðây được coi là dàn nhạc giao hưởng tư nhân hoạt động độc lập đầu tiên của Việt Nam. Trong 5 năm đầu, với nỗ lực mang nhạc giao hưởng đến gần khán giả, dàn nhạc đã tiếp cận công chúng trẻ dưới nhiều hình thức như diễn ở quảng trường, rạp hát, tham gia liveshow của các ca sĩ tên tuổi. Mục tiêu của dàn nhạc là mang bản sắc dân tộc vào giao hưởng, thể hiện nhiều hơn âm nhạc của riêng mình bằng những tổ hợp tự viết thay vì phối lại những sáng tác nổi tiếng như trước đây.
Xác định hoạt động theo hướng phi lợi nhuận ngay từ những ngày đầu, hoạt động sôi nổi và số lượng thành viên tham gia tăng lên đã khẳng định con đường âm nhạc mà Maius Philharmonic theo đuổi là đúng hướng. Trong hàng loạt sự kiện âm nhạc lớn đều thấy dấu ấn của Maius Philharmonic như: Monsoon Music Festival, đêm nhạc Trên đỉnh Phù Vân, chương trình Duyên dáng Việt Nam và chương trình biểu diễn của Dàn nhạc giao hưởng Luân Ðôn tại Việt Nam. Nổi bật là chuỗi chín chương trình riêng của dàn nhạc với sự kết hợp cùng các ca sĩ, nhóm nhạc nổi tiếng. Ðây là thành quả không chỉ đến từ tình yêu với âm nhạc cổ điển mà còn đến bởi sức trẻ khi thành viên của dàn nhạc chủ yếu là thế hệ 9X cùng chung đam mê và chí hướng viết nên giấc mơ đưa âm nhạc cổ điển Việt Nam đến gần hơn với công chúng.
Trưởng dàn nhạc, nhạc sĩ Lưu Quang Minh cho biết, các thành viên đã tự nghiên cứu cách thu âm của các dàn nhạc lớn trên thế giới để tìm ra cách làm hợp lý sao cho tiết kiệm chi phí mà vẫn bảo đảm chất lượng. Maius đang nỗ lực để ra mắt an-bum đầu tiên mang tên "Việt Nam" thể hiện các tác phẩm do nhạc sĩ Lưu Quang Minh sáng tác theo thể loại nhạc hòa tấu nhưng được thể hiện một cách gần gũi để đông đảo người yêu nhạc dễ tiếp cận hơn.
Cơ hội khẳng định tài năng âm nhạc
Cùng dàn nhạc Maius Philharmonic, mới đây, việc thành lập Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời (Sun Symphony Orchestra - SSO) với những sáng lập viên là doanh nhân am hiểu và yêu thích nhạc cổ điển đã mở ra nhiều kỳ vọng cho những tài năng âm nhạc Việt Nam cũng với hình thức phi lợi nhuận. Trưởng thành viên của SSO Nguyễn Quỳnh Anh cho biết, dàn nhạc sẽ chiêu mộ thành viên là những tài năng âm nhạc cổ điển trên cả nước. Giai đoạn tuyển chọn đầu tiên sẽ được tiến hành ngay trong tháng 10/2017.
Giám đốc âm nhạc của SSO là nhạc trưởng người Pháp Ô-li-vơ Pha-bri-xơ Ô-chan-ni-nơ, người từng xuất sắc vượt qua gần 120 nhạc trưởng từ 23 nước trên thế giới để giành giải nhất cuộc thi nhạc trưởng quốc tế năm 2015 tổ chức tại Hung-ga-ry. Dàn nhạc SSO được đầu tư cơ sở kỹ thuật theo đúng tiêu chuẩn châu Âu với môi trường âm nhạc chuyên nghiệp để giúp các nghệ sĩ toàn tâm, toàn ý cống hiến cho âm nhạc. Nhạc trưởng Nguyễn Thiếu Hoa nhận xét: Ðây sẽ là động lực góp phần thúc đẩy chất lượng âm nhạc cổ điển tại Việt Nam. Chúng ta không hiếm nhân tài âm nhạc, nhưng thiếu điều kiện để phát triển. Sự xuất hiện của những dàn nhạc như SSO, Maius Philharmonic sẽ tạo môi trường và điều kiện để các tài năng âm nhạc cổ điển Việt Nam phát huy năng lực và sống với đam mê của mình.
Theo Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, PGS, TS, nhạc sĩ Ðỗ Hồng Quân, sự xuất hiện của những dàn nhạc giao hưởng tư nhân độc lập đã gieo mầm hy vọng cho âm nhạc đỉnh cao Việt Nam. Tuy nhiên, muốn phát triển bền vững, những dàn nhạc này phải tính tới chuyện có tác phẩm riêng. Hiện âm nhạc nước ta thiếu vắng trầm trọng những tác phẩm khí nhạc. Các dàn nhạc muốn khẳng định mình, đầu tiên phải có tác phẩm. Bên cạnh đó, cần chú trọng xây dựng một lực lượng khán giả trẻ yêu thích âm nhạc cổ điển bởi họ chính là những người đồng hành giúp nuôi dưỡng âm nhạc cổ điển Việt Nam.
Theo Nhân Dân Điện tử