Tỷ lệ lao động trở lại làm việc sau Tết tăng cao
Tỉ lệ lao động trở lại làm việc sau Tết tăng cao
(Ảnh minh họa: Tạp chí Việt Nam hội nhập)
Tại Hà Nội, đến ngày 22/2, tỷ lệ công nhân trở lại làm việc sau Tết tại các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội đạt 98-99%.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại các khu công nghiệp như Bắc Thăng Long (Đông Anh), Quang Minh (Mê Linh), Hanel, vụm công nghiệp Ninh Hiệp (Long Biên), hầu hết các công nhân đã trở lại làm việc từ ngày 21/2 (tức mùng 6 Tết). Trong đó, một số công ty có lượng lao động lớn, tỷ lệ công nhân đi làm trở lại sau Tết đạt khá cao như: Công ty TNHH Sowa Việt Nam, công ty TNHH điện tử Meiko, Công ty TNHH điện tử Asti.
Ông Đinh Quốc Toản, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho rằng, tỷ lệ công nhân trở lại làm việc sau Tết rất cao do công việc, thu nhập ổn định, chính sách đãi ngộ cho người lao động của chủ doanh nghiệp được cải thiện như: tăng lương, thưởng, hỗ trợ đưa đón miễn phí cho công nhân lao động về quê trước và sau Tết.
Ông Đinh Quốc Toản cho biết, bắt đầu từ cuối tháng 10/2017, công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã xây dựng và triển khai kế hoạch, chỉ đạo 100% công đoàn cơ sở tổ chức các hoạt động chăm lo cho công nhân viên chức lao động nhân dịp Tết Mậu Tuất 2018. Cụ thể, về thông báo mức điều chỉnh tiền lương cơ bản, bắt đầu từ tháng 1/2018 các doanh nghiệp trong khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng I là 3.980.000 đồng/người/tháng. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn hỗ trợ cho công nhân lao động các khoản phụ cấp như: ngành nghề, chuyên cần, nhà ở, xăng xe… với mức từ 500.000 đồng - 1.000.000 đồng/người/tháng.
Tại TP Hồ Chí Minh, đến ngày 22/2, (tức mùng 7 Tết Mậu Tuất) tỷ lệ lao động trở lại làm việc trong các khu chế xuất, khu công nghiệp của thành phố đạt 95%. Một số doanh nghiệp có tỷ lệ người lao động trở lại làm việc cao, lên đến 98% như: Công ty FAPV 7.500 lao động, Công ty Nidex Tosoc 3.400 lao động, Công ty UACJ 570 lao động...
Ông Trần Công Khanh, Trưởng phòng Quản lý lao động, Ban quản lý Các khu chế xuất và khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết: “Các doanh nghiệp này có chính sách, có chế độ chăm lo tốt, rõ ràng cho người lao động nên động viên được người lao động gắn bó với doanh nghiệp. Một việc quan trọng nữa, chúng tôi thấy rằng là kế hoạch sản xuất của các doanh nghiệp này có chiều hướng phát triển tốt cho nên công nhân gắn bó làm việc để cùng với doanh nghiệp hoạt động sản xuất trong một năm mới có kết quả tốt”.
Tại TP Đà Nẵng, hơn 90% trong tổng số 74.300 người lao động tại các khu công nghiệp chế xuất đã trở lại làm việc sau những ngày nghỉ Tết. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp ngành may mặc, thủy sản, sắt thép có lịch làm việc muộn hơn, sau ngày 10 tháng Giêng.
Bà Đinh Thị Thanh Hà, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng cho biết: Những năm gần đây, tình trạng thiếu lao động sau kỳ nghỉ Tết giảm hẳn. “Không khí làm việc đã trở lại bình thường, không còn tâm lý vui chơi cho hết Tết. Khoảng 3 năm trở lại đây tại Đà Nẵng, vấn đề biến động lao động ít, tỷ lệ không đáng kể. Các doanh nghiệp đã có nhiều chính sách để giữ chân người lao động tốt hơn, lao động và doanh nghiệp về cơ bản đã tìm được tiếng nói chung nhất định”.
Mong muốn có thêm chế độ đãi ngộ, khuyến khích người lao động
Việc người lao động trở lại làm việc ổn định sau Tết đã góp phần không nhỏ xóa bỏ lo âu của các chủ doanh nghiệp về việc thiếu hụt lao động sau Tết cổ truyền, làm ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Để có được kết quả này, hầu hết các DN đều chú trọng đến việc chăm lo đời sống cho người lao động từ trước và trong dịp tết Nguyên đán 2018 nhằm giữ chân họ thông qua việc: thưởng Tết, chi trả lương tháng 1 trước Tết Nguyên đán; phối hợp Công đoàn cơ sở tặng quà Tết và thăm hỏi công nhân lao động nghèo, khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tổ chức các hoạt động vui chơi, hội thao, các trò chơi dân gian, tổ chức tất niên cho công nhân lao động ở lại Tết; hỗ trợ tiền hoặc bố trí xe đưa, đón công nhân về quê ăn Tết… Ngày làm việc đầu năm mới, các DN cũng tổ chức lì xì cho người lao động và triển khai kế hoạch, mục tiêu sản xuất kinh doanh năm 2018.
Chia sẻ với phóng viên, chị Đặng Mai Hoa (quê Ninh Bình, đang làm việc tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long) cho biết, năm vừa qua, chị phải chuyển công ty đến ba lần vì không chịu được áp lực và lương ít… Cho đến hiện tại, chị đã tìm được công việc ưng ý và ổn định. Vì thế, chị mong muốn có một sức khỏe tốt để làm việc, kiếm nhiều tiền gửi về quê, sửa lại nhà cho các con và biếu bố mẹ già. Còn về phía công ty thì chị mong công ty sẽ chăm sóc đến công nhân nhiều hơn, có nhiều chế độ đãi ngộ, cũng như lương thưởng hợp lý để khích lệ công nhân làm việc.
Chị Vũ Thị Duyên (quê Yên Bái), chạy xe máy từ quê lên Hà Nội đi làm từ sáng mùng 5 Tết. Khá vất vả vì chạy xe đường dài, tuy còn lưu luyến với gia đình, nhưng công việc thì vẫn là công việc, vẫn phải đi làm. Trong ngày đầu tiên đi làm, chị Duyên tự chúc cho bản thân mình mọi điều đều may mắn thuận lợi trong năm làm việc sắp tới. Chia sẻ về dự định công việc trong năm nay, chị Duyên hứng khởi: “Năm nay tôi quyết tâm làm việc với tinh thần cao nhất, đạt mức thưởng tối đa. Và cũng sẽ dành thời gian để bản thân được du lịch hay đi phượt cùng mọi người để trải nghiệm cuộc sống. Đồng thời, tôi cũng mong công ty sẽ giảm bớt áp lực với công nhân, cần chuyên nghiệp hơn trong cách quản lý và cần bảo vệ quyền lợi của công nhân nhiều hơn nữa. Có như thế, chúng tôi mới an tâm và hết mình để làm việc cho công ty đạt năng suất cao nhất”.
Anh Nguyễn Văn Trung (làm việc tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long) lại mong muốn công ty có thể chú ý đến chế độ đãi ngộ với công nhân nhiều hơn. Theo anh, một số bộ phận công nhân làm việc tiếp xúc với chất độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe mà vẫn chưa nhận được sự giúp đỡ từ công ty. Bên cạnh đó, công ty cũng nên tăng lương đúng kỳ cho công nhân thêm động lực để làm việc.
Linh Anh (t/h)