Tuyên truyền Luật Cảnh sát biển Việt Nam: Hiệu quả từ thực tiễn
Hơn 3 năm qua, quán triệt, thực hiện Quyết định số 1059/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019-2023” và Quyết định số 5412/QĐ-BQP ngày 21/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về triển khai kế hoạch thực hiện đề án, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển với vai trò cơ quan chủ trì tổ chức triển khai thực hiện đề án đã huy động tối đa nguồn lực, phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó đặc biệt coi trọng công tác phối hợp nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, từ các cấp, các ngành, các địa phương, các lực lượng đến đông đảo cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành mục tiêu chung của đề án trên phạm vi cả nước, sớm đưa Luật Cảnh sát biển Việt Nam đi vào thực tiễn cuộc sống.
: Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 tuyên truyền Luật Cảnh sát biển Việt Nam cho bà con nhân dân xã Liên Hòa, thị xã Quảng Yên.
|
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao và mục tiêu, phạm vi của đề án, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan, kịp thời tham mưu, đề xuất Bộ Quốc phòng ban hành hơn 20 văn bản chỉ đạo, kế hoạch, hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện đề án theo từng năm, từng quý, từng mảng nhiệm vụ đến các địa phương, cơ quan, đơn vị trên cả nước, làm căn cứ, cơ sở để các bộ, ban, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án ở cấp mình.
Để có tài liệu làm cơ sở thực hiện thống nhất các nội dung tuyên truyền, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Vụ Pháp chế/Bộ Quốc phòng, Cục Tuyên huấn/Tổng cục Chính trị, các nhà xuất bản, nhà in trong quân đội tổ chức biên soạn, in ấn hệ thống tài liệu tuyên truyền, giáo dục với hơn 20.000 bộ đề cương tuyên truyền, hơn 15.000 cuốn văn bản quy phạm pháp luật về Cảnh sát biển, trong đó có Luật Cảnh sát biển Việt Nam; 15.000 cuốn hỏi đáp về Luật Cảnh sát biển Việt Nam cùng hàng chục nghìn cuốn catalog, tờ rơi, tờ gấp giới thiệu về Lực lượng Cảnh sát biển, Luật Cảnh sát biển Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, kịp thời cấp phát cho hàng trăm đầu mối cơ quan, đơn vị, địa phương trên cả nước.
Nhằm huy động cả hệ thống chính trị và tận dụng tối đa lợi thế của các kênh tuyên truyền, các loại hình tuyên truyền, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã đề xuất đưa nội dung phối hợp tuyên truyền vào quy chế phối hợp để ký kết với cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là các địa phương ven biển và các lực lượng liên quan đến biển, đảo, như: Quân chủng Hải quân, Bộ đội Biên phòng, các quân khu có biển... Đến nay, Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển đã ký kết quy chế phối hợp với 12 ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy.
Cùng với đó, đã phối hợp tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền miệng, tuyên truyền lưu động, chương trình phát thanh nội bộ, phát hàng chục nghìn tờ rơi tuyên truyền; tổ chức nhiều hoạt động sân khấu hóa, giao lưu văn hóa văn nghệ, tọa đàm lồng ghép các nội dung tuyên truyền Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Nhiều mô hình, chương trình mới, cách làm hay đã mang lại hiệu quả thiết thực, được dư luận xã hội đánh giá cao, như Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, “Cảnh sát biển với đồng bào dân tộc, tôn giáo”, Cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương” của Cảnh sát biển; “Hải quân nhân dân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển” của Quân chủng Hải quân; “Biên giới với học đường”, “Tiếng loa biên phòng” của Bộ đội Biên phòng...
Tặng cờ Tổ quốc cho bà con ngư dân xã Liên Hòa, thị xã Quảng Yên. |
Trong Luật cảnh sát biển Việt Nam Chương III: Hoạt động Cảnh sát biển Việt Nam, Mục 2: Thực thi pháp luật trên biển của Cảnh sát biển Việt Nam.
Điều 14. Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ
1. Khi thi hành nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam sử dụng vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và được nổ súng quân dụng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
2. Ngoài các trường hợp nổ súng quân dụng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, khi thi hành nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam được nổ súng vào tàu thuyền trên biển, trừ tàu thuyền của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế, tàu thuyền có chở người hoặc có con tin, để dừng tàu thuyền, thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Đối tượng điều khiển tàu thuyền đó tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;
b) Khi biết rõ tàu thuyền do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn;
c) Khi biết rõ tàu thuyền chở đối tượng phạm tội hoặc chở vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma tuý, bảo vật quốc gia cố tình chạy trốn;
d) Khi tàu thuyền có đối tượng đã thực hiện hành vi cướp biển, cướp có vũ trang theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, quy định của pháp luật về hình sự cố tình chạy trốn.
3. Trường hợp nổ súng theo quy định tại khoản 2 Điều này, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh, lời nói hoặc bắn chỉ thiên trước khi nổ súng vào tàu thuyền; phải tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức.
Kết quả nổi bật trong công tác phối hợp tuyên truyền là Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã tham mưu với Bộ Quốc phòng và trực tiếp chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tốt Hội nghị tập huấn Luật Cảnh sát biển Việt Nam cấp toàn quốc, làm cơ sở để thống nhất nội dung, phương pháp tuyên truyền trên phạm vi cả nước. Đồng thời, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển chủ trì phối hợp với Bộ Tư lệnh 86; Vụ Pháp chế/Bộ Quốc phòng; Bộ Thông tin và Truyền thông; Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội cùng các ban, bộ, ngành, địa phương tổ chức thành công Cuộc thi trực tuyến toàn quốc “Tìm hiểu Luật Cảnh sát biển Việt Nam”. Cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trên cả nước và đông đảo kiều bào ta ở nước ngoài.
Cùng với đó, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và các cơ quan, đơn vị trực thuộc đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với hơn 30 cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương, các nền tảng mạng xã hội, cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của các ban, ngành, địa phương... tổ chức mở mới nhiều chuyên trang, chuyên mục, xây dựng nhiều chương trình, tăng thời lượng phát sóng, đăng tải kịp thời hơn 2.000 tin, bài; hơn 40 phóng sự, phim tài liệu, gần 300 video clip, chương trình phát thanh để tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam và kết quả triển khai thi hành luật, kết quả thực hiện đề án trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở...
Văn Cường