Tuyên án 6-12 năm tù 6 cán bộ đường sắt nhận hối lộ, truy thu 11 tỷ đồng
Sau hai ngày xét xử, TAND TP Hà Nội đã công bố bản án với 6 bị cáo nguyên là cán bộ Ban quản lý các dự án Đường sắt VN về vụ nhận 11 tỉ đồng từ nhà thầu JTC Nhật Bản. Thẩm phán Trương Việt Toàn, Phó chánh tòa hình sự TAND TP. Hà Nội - chủ tọa phiên tòa đã thay mặt hội đồng xét xử (HĐXX) công bố phán quyết với 6 bị cáo bị xét xử trong vụ án.
- Phạm Hải Bằng - nguyên phó Giám đốc RPMU: 12 năm tù.
- Nguyễn Nam Thái - nguyên trưởng phòng thực hiện dự án 3, RPMU: 11 năm tù
- Trần Văn Lục - nguyên giám đốc RPMU: 5 năm 6 tháng tù
- Trần Quốc Đông - nguyên Giám đốc RPMU, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN: 7 năm 6 tháng tù
- Nguyễn Văn Hiếu - nguyên giám đốc RPMU: 7 năm 6 tháng tù
- Phạm Quang Duy - nguyên phó giám đốc RPMU: 8 năm 6 tháng tù
Tòa còn tuyên phạt bổ sung mỗi bị cáo 30 triệu đồng, cấm các bị cáo đảm nhiệm chức vụ 3 năm kể từ ngày chấp hành xong bản án. Tòa cũng tuyên truy thu 11 tỉ đồng mà các bị cáo đã nhận từ JTC để sung công quỹ nhà nước, kê biên nhiều tài sản của các bị cáo để đảm bảo thi hành án.
Đối với Bộ giao Thông vận tải và Cục đường sắt Việt Nam, tòa đã triệu tập hai cơ quan này đến tòa nhưng vắng mặt.
Trước đó, trong phần luận tội, đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị mức án với các bị cáo như sau:
- Phạm Hải Bằng (46 tuổi, nguyên phó giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt - RPMU thuộc Tổng công ty Đường sắt VN): 11-13 năm tù, truy thu sung công quỹ số tiền nhận từ JTC là 4,8 tỉ đồng. Trừ đi số tiền gia đình bị cáo đã khắc phục cho cơ quan điều tra, bị cáo phải nộp thêm 3,6 tỉ đồng.
- Nguyễn Nam Thái (38 tuổi, nguyên trưởng phòng thực hiện dự án 3, RPMU): 10-12 năm tù, nộp lại 3,4 tỉ đồng đã nhận từ JTC.
- Trần Quốc Đông (51 tuổi, nguyên giám đốc RPMU, nguyên phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN): 7-9 năm tù, nộp lại 30 triệu đồng.
- Nguyễn Văn Hiếu (53 tuổi, nguyên giám đốc RPMU): 7-9 năm tù, truy thu 50 triệu đồng.
- Phạm Quang Duy (40 tuổi, nguyên phó giám đốc RPMU): 8-10 năm tù, buộc nộp lại 2,3 tỉ đồng.
- Trần Văn Lục (57 tuổi, nguyên giám đốc RPMU): 6-8 năm tù, nộp lại 100 triệu đồng.
Nhóm cán bộ đường sắt nói lời ân hận Khi nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án, nhiều bị cáo đã khóc và cho rằng “đây là bài học rất đau xót cho bản thân và đồng nghiệp”. Phạm Hải Bằng (46 tuổi, nguyên phó Giám đốc Ban quản lý dự án Đường Sắt thuộc Tổng công ty đường sắt VN) nói: "Trong hơn 20 năm làm việc bị cáo luôn cố gắng hoàn thành công việc với trách nhiệm cao nhất có thể. Đến hôm nay bị cáo không biết đúng hay sai nhưng lòng bị cáo rất đau". Theo Bằng, bao nhiêu nỗ lực, cố gắng của bị cáo trong bao nhiêu năm chỉ vì 1 hành động thì bỏ đi toàn bộ. Bị cáo xin hội đồng xét xử xem xét lại bản chất tổng thể để phán quyết công minh, khách quan. Phạm Quang Duy (40 tuổi, nguyên phó giám đốc RPMU): sau khi làm việc với cơ quan cảnh sát điều ra, đến giờ phút này bị cáo nhận thức sâu sắc lỗi ngày hôm nay có 1 phần trách nhiệm của bị cáo. Bị cáo đã sai khi không tìm hiểu sử dụng số tiền. Tuy nhiên theo Duy, bị cáo sử dụng tiền này vì tập thể, không có tư lợi cá nhân. Bố mẹ bị cáo đều là công chức mẫn cán, bị cáo luôn hoàn thành tốt công việc được giao, có hai con nhỏ, bị cáo là lao động chính trong nhà. Chỉ vì suy nghĩ nông nổi đã dẫn đến hậu quả rất đau xót ngày hôm nay nên Duy thành khẩn xin HĐXX xem xét toàn bộ động cơ của bị cáo để bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Nghẹn ngào rất lâu trước vành móng ngựa, bị cáo Trần Quốc Đông (51 tuổi, nguyên Giám đốc RPMU, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN) cũng mong HĐXX cân nhắc các yếu tố về thân nhân, đóng góp của bị cáo trong quá trình công tác để có những quyết định tốt hơn cho bị cáo. Bị cáo Nguyễn Nam Thái (38 tuổi, nguyên trưởng phòng thực hiện dự án 3, RPMU) nói đã nhận ra sai phạm của mình đã không tìm hiểu quy định của pháp luật. Bố mẹ bị cáo già yếu, bệnh tật, con nhỏ, vợ trẻ, hoàn cảnh khó khăn nhất trong số các bị cáo ở đây. Mong tòa xem xét giảm nhẹ cho bị cáo. Bị cáo Nguyễn Văn Hiếu (53 tuổi, nguyên giám đốc RPMU) cũng nói đây thực sự là một nỗi đau xót cho bị cáo và toàn bộ các đồng nghiệp. Sau khi sự việc xảy ra, bị cáo đã nhận thức được lỗi lầm của mình. |
Tổng hợp từ Tuổi Trẻ