Tuần tới, sẽ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi
Sáng 13/4, Bộ Y tế đã có cuộc gặp mặt báo chí cung cấp thông tin về tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi.
Tại họp báo, PGS.TS Dương Thị Hồng, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, Bộ Y tế đã tiếp nhận lô vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi đầu tiên do Úc viện trợ. Lô vaccine này đang được kiểm định chất lượng. Sau khi kiểm định cùng với công tác chuẩn bị tại các địa phương, dự kiến tuần tới sẽ triển khai tiêm cho trẻ trên diện rộng.
Việc tiêm sẽ tiến hành trước tiên đối với học sinh lớp 6, sau đó hạ thấp dần độ tuổi. Các địa phương triển khai cuốn chiếu theo trường, địa bàn, căn cứ vào tình hình dịch và số lượng vaccine được cung ứng.
Dự kiến từ tuần tới Việt Nam sẽ triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi. Ảnh minh họa: Internet |
Có hai loại vaccine phòng COVID-19 tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi là vaccine Pfizer và vaccine Moderna. Khoảng cách giữa hai mũi tiêm là 4 tuần. Bộ Y tế yêu cầu chỉ tiêm 2 mũi duy nhất cùng loại vaccine, không tiêm trộn với bất kỳ vaccine mRNA nào.
Riêng đối với liều tiêm thì vaccine Pfizer có liều tiêm 02,ml, tiêm bắp; Vaccine Moderna tiêm bằng 1/2 liều cơ bản của người lớn (tương đương 0,25ml), giống như tiêm vaccine cho người lớn liều nhắc lại, tiêm bắp.
Với hai loại vaccine đã được phê duyệt, theo PGS.TS Dương Thị Hồng, các phản ứng cũng tương tự như với nhóm 12-17 tuổi. Các phản ứng thông thường như: Sốt, mệt mỏi, ớn lạnh, tiêu chảy... xảy ra ở mũi 2 nhiều hơn mũi 1; trẻ có thể gặp các phản ứng ít gặp như: Buồn nôn, sưng đau tại chỗ tiêm; rất hiếm gặp như: Phản ứng phản vệ, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim.
“Tuy nhiên, chúng ta không căn cứ vào tỷ lệ phản ứng thấp là bao nhiêu, mà luôn phải có tinh thần cảnh giác, trách nhiệm xử lý kịp thời tất cả các tình huống có thể xảy ra”, PGS.TS Dương Thị Hồng khẳng định.
Bộ Y tế cũng lưu ý, cha mẹ phải theo dõi sức khỏe của trẻ trước ngày tiêm, xem trẻ có biểu hiện viêm đường hô hấp hay bất thường gì không. Khi trẻ thực sự khỏe mạnh thì mới đưa các con đi tiêm. Còn những trẻ có biểu hiện viêm đường hô hấp thì không nên đi tiêm.
Các bậc phụ huynh phải chia sẻ những bệnh của trẻ, trẻ bệnh nền, mãn tính, thì nên đến các cơ sở y tế để tiêm. Trong quá trình tiêm chủng các bố mẹ cần tương tác đối với các bác sĩ. Sau tiêm, trẻ cần được theo dõi ít nhất 3 ngày. Trẻ thường bỏ qua các triệu chứng nên gia đình cần thường xuyên theo dõi, chủ động quan tâm để nắm được tình hình sức khỏe của trẻ.
Sau tiêm, cần theo dõi chặt trẻ trong 3 ngày đầu. Trong trường hợp phản ứng sau tiêm tăng lên thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay.
Đối với những trẻ đã mắc COVID-19, chuyên gia y tế tư vấn, sau 3 tháng mới được tiêm vaccine. Vì khi khỏi COVID-19 sau 3 tháng thì trẻ đã suy giảm miễn dịch nên có thể tiêm được.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, Việt Nam có 11,8 triệu trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi thuộc đối tượng tiêm vaccine phòng COVID-19. Ước tính đến nay có khoảng 8,2 triệu trẻ trong số này chưa mắc COVID-19. Việc tiêm đủ 2 mũi cho trẻ đủ điều kiện sẽ cố gắng tiến hành đến cuối quý II/2022.