Tư duy Nguyễn Cơ Thạch trường tồn với thời gian
Bác Hồ và một số đồng chí lãnh đạo cùng gia đình tại Việt Bắc. (Ông Nguyễn Cơ Thạch đứng thứ ba từ phải sang). |
Nhắc đến đồng chí Nguyễn Cơ Thạch là nhắc đến một người cộng sản kiên trung, nhà ngoại giao trọn đức vẹn tài, người có những đóng góp lớn lao đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nói chung và ngành Ngoại giao nói riêng.
Năm 2021 kỷ niệm tròn 100 năm ngày sinh của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch, là dịp để tưởng nhớ, tri ân và truyền cảm hứng những di sản đối ngoại trường tồn mãi với thời gian cho thế hệ trẻ mai sau.
Cuộc đời gắn liền với ngành Ngoại giao
Phác họa chân dung, cuộc đời của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm đúc kết: “Cuộc đời ngoại giao của Anh Thạch gắn liền với sự phát triển của ngành Ngoại giao Việt Nam, theo yêu cầu của Cách mạng nước ta qua các giai đoạn lịch sử”.
Giai đoạn 31 năm đồng chí Nguyễn Cơ Thạch làm Thứ trưởng Ngoại giao rồi Bộ trưởng Ngoại giao là một thời kỳ tuy rất sôi động của lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta, nhưng lại là chặng đường có không ít khó khăn và thách thức trên lĩnh vực đối ngoại như vấn đề Campuchia, vấn đề thuyền nhân, chiến tranh ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Tuy nhiên, cũng chính trong giai đoạn đầy khó khăn, thử thách đó, năng lực và tầm nhìn của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch càng được minh chứng.
Với tầm nhìn chiến lược và phong cách ngoại giao kiên định về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đã tham gia xây dựng đường lối chính sách và trực tiếp triển khai thắng lợi các hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ vô cùng khó khăn này.
Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đã có những đóng góp quan trọng trong đoàn kết và hợp tác ba nước Đông Dương; tăng cường hợp tác toàn diện với Liên Xô; khôi phục quan hệ láng giềng hữu nghị với Trung Quốc; thúc đẩy đối thoại với các nước ASEAN; củng cố quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa và các bạn bè khác; góp phần tìm giải pháp giải quyết vấn đề Campuchia, phá bao vây, cấm vận, tham mưu đánh giá tình hình, đóng góp vào đổi mới đường lối đối ngoại; hoạch định chính sách đổi mới về kinh tế…
Nhìn lại giai đoạn lịch sử từ năm 1975 đến năm 1995, khi nhân dân Việt Nam anh dũng đánh thắng hai cuộc chiến tranh ở biên giới phía Bắc và phía Tây Nam, phá tan bao vây cấm vận của các thế lực thù địch, đưa đất nước đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế thành công “sánh vai với các cường quốc năm châu” như ngày nay, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Lê Văn Bàng nhận định rằng, tất cả đều có dấu ấn đậm nét của nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch.
“Tổng kết về những thắng lợi ngoại giao trong thời kỳ này không thể không kể đến những đóng góp và công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch mà khâu then chốt ‘đột phá khẩu’ là quá trình đấu tranh bình thường hóa quan hệ với Mỹ”, Đại sứ Lê Văn Bàng nhấn mạnh.
Là tư lệnh ngành Ngoại giao trong suốt thập niên 1980, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đã có những đóng góp mang tính đột phá trong xây dựng Ngành, trong đó đặc biệt coi trọng xây dựng, đổi mới tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đối ngoại, trong đó nhiều đổi mới cách đây hơn 30 năm đã đặt nền móng cho công tác xây dựng ngành Ngoại giao hiện nay, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của ngành Ngoại giao.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Trên 60 năm hoạt động cách mạng sôi nổi, trong đó gần 40 năm trong lĩnh vực đối ngoại, thấm đậm chủ nghĩa yêu nước và truyền thống ngoại giao hòa hiếu của dân tộc, nắm vững đường lối đối ngoại của Đảng và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, bằng tư duy thông minh, sắc sảo, với bản lĩnh dạn dày và kinh nghiệm thực tiễn phong phú, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đã để lại cho nền ngoại giao Việt Nam hiện đại một phong cách tư duy đối ngoại mang đậm tính đổi mới, sáng tạo vì lợi ích quốc gia - dân tộc. |
Một huyền thoại
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, lòng yêu nước nồng nàn và ý chí kiên cường của người cộng sản, độc lập, tự chủ và kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc là sợi chỉ xuyên suốt trong tư duy đối ngoại của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch.
Kiên định lợi ích - quốc gia - dân tộc và độc lập, tự chủ, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đã có những tham mưu quan trọng cho Đảng về đường lối, chiến lược và sách lược đối ngoại trong những giai đoạn cách mạng vô cùng khó khăn, cam go như đàm phán Hiệp định Paris về Việt Nam hay trong giai đoạn đất nước bị bao vây, cấm vận; đồng thời, góp phần vào phát triển, hoàn thiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định qua nhiều kỳ đại hội.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh tư duy chiến lược, khoa học và biện chứng là một đặc điểm nổi bật trong tư duy đối ngoại của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch. Trong nghiên cứu lý luận hay xử lý thực tiễn đối ngoại, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch luôn xem xét, đánh giá một cách toàn diện, nhìn xa trông rộng, khách quan và khoa học, gắn thực tiễn với lý luận, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa kiên định và đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, khôn khéo…
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhận định đồng chí Nguyễn Cơ Thạch là nhà ngoại giao có tầm nhìn chiến lược, đánh giá sắc sảo, đúng đắn tình hình, đặc biệt là nhạy bén nắm bắt các xu thế của thời đại, quy luật phát triển của đất nước, góp phần vào xây dựng phương pháp luận ngoại giao mang bản sắc Việt Nam.
Đồng quan điểm này, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm nhấn mạnh: “Anh là một tấm gương sáng về nghị lực và tinh thần tiến công cách mạng. Anh đã không ngừng nêu cao ý thức trách nhiệm, kiên quyết bảo vệ quan điểm của Đảng, lợi ích của đất nước, góp phần giải quyết thỏa đáng những vấn đề quốc tế phức tạp, không ngừng đề cao vai trò của Ngoại giao Việt Nam, nâng cao vị thế của đất nước”.
Nghiêm khắc và đòi hỏi cao trong công việc là thế, nhưng trong cuộc sống, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch là người giản dị, thanh bạch, tình nghĩa, hết lòng quan tâm giúp đỡ mọi người.
Trong trí nhớ và ấn tượng của nhiều đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè trong nước, quốc tế và cả những đối thủ trên mặt trận đối ngoại, bên cạnh là một nhà ngoại giao tài ba, nhạy bén, sắc sảo và sáng tạo, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch còn là có một người anh, người bạn, người đồng chí với trái tim chân thành, tính cách cởi mở, hòa đồng và gần gũi.
Đối với gia đình, đồng chí là người thủy chung, sống trọn đạo nghĩa vợ chồng; là người cha mẫu mực và nghiêm khắc trong rèn luyện và nuôi dạy các con; là người ông nhân hậu của các cháu.
“Một huyền thoại, một tấm gương sống, một nhà ngoại giao kiểu mẫu, bản lĩnh, tầm nhìn chiến lược, phong cách ứng xử đàng hoàng, tinh tế - tất cả đều có trong nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch”. Đó là những gì nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Nguyễn Phú Bình mô tả về đồng chí Nguyễn Cơ Thạch.
Trong bộ phim tài liệu "Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch - Người cộng sản kiên trung, nhà ngoại giao lỗi lạc" do Hãng phim tài liệu và khoa học trung ương sản xuất năm 2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: “Trên 60 năm hoạt động cách mạng, dù ở bất kỳ cương vị và lĩnh vực công tác nào như quân sự, chính trị, đối nội, đối ngoại, kinh tế, văn hóa, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch luôn 1 lòng, một dạ tận tụy vì sự nghiệp cách mạng, quán triệt sâu sắc tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đồng chí đã để lại cho các thế hệ đi sau tấm gương về lòng trung kiên, đạo đức cách mạng, tầm nhìn sáng tạo, bản lĩnh dám nghĩ, dám làm. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn đánh giá cao đóng góp của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch”.
Những câu chuyện về huyền thoại ngành Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, với những công lao đóng góp của đồng chí đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, cùng với truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tầm nhìn sáng tạo, bản lĩnh, dám nghĩ dám làm, sẽ mãi là nguồn cảm hứng bất tận cho thế hệ trẻ, nhất là cán bộ ngoại giao, noi theo.