Từ chuyện lễ hội nghĩ về hiện đại hóa xã hội
Thanh niên hung hãn tranh cướp phết tại hội phết Hiền Quan (Phú Thọ). Ảnh M.Thắng
Có lẽ các nhà xã hội học, tâm lý - xã hội học còn phải mất nhiều thời gian để truy tìm nguyên nhân của những hiện tượng đáng kinh ngạc, đáng buồn và đáng sợ gắn liền với những hoạt động lễ hội diễn ra dịp đầu xuân, chủ yếu ở miền Bắc, trong những năm gần đây.
Lễ hội không còn là nơi thể hiện những nét đẹp văn hóa, nơi người ta nâng tâm hồn lên để giao hòa với đất trời và thần thánh nhằm tìm kiếm sự bình an tâm hồn và sự hướng thiện mà đã trở thành nơi người ta tìm kiếm lợi ích vật chất bằng mọi giá: nhét tiền lẻ vào tay thánh thần để hối lộ, tranh cướp lộc trời bằng xô đẩy, chen lấn và cả bạo lực.
Tất cả những hiện tượng đó phải chăng bắt nguồn từ thuở hoang sơ nguyên thủy của lễ hội người Việt hay thực ra chỉ mới khởi đầu từ sự hư đốn gần đây của người Việt khi vật chất được quá đề cao, hay là sự “trả bữa” cho một thời tín ngưỡng, kể cả tín ngưỡng dân gian, bị hạ thấp, bị dè bỉu, kỳ thị, thậm chí cấm đoán để rồi bây giờ, như quả lắc, xã hội đang quay trở lại mê tín hơn bao giờ?
Dù thế nào, những hiện tượng xấu xí, phản cảm gắn liền với lễ hội hay chính bản thân một số lễ hội như lễ hội chém trâu, chém lợn... cũng cho thấy xã hội Việt Nam đang quá mê đắm trong những nghi lễ, tục lệ, tin tưởng, tín ngưỡng không tương hợp với một xã hội hiện đại. Ở những lễ hội đó, người ta chẳng tìm thấy ở đâu sự khai sáng, tính duy lý và dân trí được đề cao như trong một xã hội hiện đại. Nói như một tác giả nào đó, người ta chỉ thấy một đám đông hỗn loạn, giành giật, đấm đá lẫn nhau để “dựa vào thánh thần mà đi”.
Từ nhiều năm nay, một mục tiêu, một khẩu hiệu thường xuyên được lặp đi lặp lại, đó là công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Trong khi mục tiêu công nghiệp hóa ít nhiều có kết quả mặc dù chưa như kỳ vọng thì mục tiêu hiện đại hóa, nhất là hiện đại hóa xã hội, hầu như đạt rất ít tiến bộ. Khi nói đến hiện đại hóa, người ta cũng thường chỉ nghĩ đến hiện đại hóa kinh tế, hiện đại hóa khoa học kỹ thuật, mà ít nghĩ tới hiện đại hóa xã hội và các thiết chế xã hội.
Từ một xã hội nông nghiệp, phong kiến, lạc hậu, trải qua chiến tranh rồi qua chế độ tập trung bao cấp, xã hội lẽ ra rất cần được hiện đại hóa từ nền tảng với những thiết chế văn minh cùng với nền kinh tế thị trường văn minh. Nhưng thực tế, chỉ một phần kinh tế thị trường được vận dụng, những cơ sở cho hiện đại hóa xã hội như giáo dục, với tư cách một thiết chế, trầy trật mãi chưa hiện đại hóa được, nói chi đến hiện đại hóa tập tục, tín ngưỡng, tôn giáo. Và thế là, cùng với sự mở cửa về kinh tế, một khi không còn bị áp chế như trong thời chiến tranh và thời tập trung bao cấp, tất cả những tập tục mê tín, lạc hậu cùng sống lại dưới cái cớ “phục hưng, phục dựng truyền thống”.
Xã hội Việt Nam như một xã hội chạy theo hai tốc độ: một, kinh tế thị trường (dù chưa đầy đủ), và hai là những tập tục, lễ nghi, tín ngưỡng xưa cũ, lạc hậu. Chính vì vậy mà người ta phải nhào vào cướp phết, cướp lộc, tranh ấn để cầu may; quan chức cũng phải đi xin ấn, cũng cúng kiếng (có khi ngay trong cơ quan) để giữ ghế hoặc thăng quan tiến chức; ngày rằm người ta đổ xô đi cúng sao giải hạn... Qua rồi thời vô thần, giờ là thời của thánh thần!
Xã hội Việt Nam rồi sẽ đi về đâu nếu không hiện đại hóa từ nền tảng, nếu dân trí, tính duy lý và tinh thần khai sáng không có được chỗ đứng của nó trong phát triển xã hội? Đó là câu hỏi đặt ra không chỉ cho những người trẻ có thể trong túi đang nhét iPhone nhưng vẫn cố nhét tiền lẻ vào tay các bức tượng hoặc đang dùng nắm đấm để giành lấy phết, cướp lấy lộc hoặc đang lầm rầm khấn vái xin thần thánh cho thi đậu, cho một chỗ làm béo bở.
Theo Đoàn Khắc Xuyên - Người Đô Thị